Những ngày cuối tháng 3, trời bỗng đen sì và nổi cơn giông tố. Chúng tôi men theo con đường đất dưới chân cầu Long Biên vào xóm ngụ cư bên bờ sông Hồng.
Gọi là một xóm nhưng thực chất chỉ có 27 hộ dân sinh sống trên bè nổi. Họ là người dân tứ xứ, tụ họp nhau lại bên bờ sông nhặt rác sống qua ngày.
Một cuộc đời khác dưới chân cầu Long Biên. (Ảnh: Tùng Lâm)
Người thứ 2 dạt đến bãi giữa sông Hồng
Trong một hàng quán nhỏ liêu xiêu ven bờ sông Hồng, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Oanh, quê ở Nghệ An. Bà Oanh kể, trước khi về bãi giữa sông Hồng sống hơn chục năm trước, bà dắt díu theo cô con gái út lang bạt khắp nơi để nhặt rác kiếm sống. Khi thì ngủ trên vỉa hè, khi thì nằm dưới gầm cầu.
"Tôi là người thứ 2 ra sống ở bãi giữa sông Hồng. Hồi mới ra đây, hàng ngày tôi đi nhặt rác, đi buôn đồng nát để kiếm sống. Trước đây, mỗi ngày chỉ mong kiếm vài chục nghìn mua gạo nuôi con. Có ngày mưa bão, không đi làm được hai mẹ con nằm trong thuyền ôm bụng đói.
Bây giờ, đứa con gái đã lớn, nó làm chạy bàn cà phê, lương vài triệu mỗi tháng. Tôi yếu không đi đồng nát được nữa nên ở nhà trông thằng cháu trai. Hàng ngày, tôi dọn thêm hàng nước để bán cho khách đi bơi ở bãi giữa sông Hồng" - bà Oanh tâm sự.
Quán hàng nước của bà Oanh nằm ngay cạnh đường mòn vào bãi nổi nhưng khách vắng hoe.
"Hôm nay tôi kiếm được 30 nghìn, đủ tiền ăn bữa tối. Dân ở đây thì không có tiền mua hàng, khách thì ít nên mỗi ngày tôi kiếm được vài ba chục nghìn là nhiều", bà Oanh nói.
Sống ở trên bè lâu năm cũng thành quen nên giờ mưa gió, bão bùng đối với bà cũng không thành vấn đề. Trước đây, mỗi lần mưa to gió lớn, sợ bè lật ngang, bà Oanh mặc áo mưa cõng cô con gái chạy lên bụi chuối trên bãi bồi đứng co ro. Chờ mưa tạnh, bà Oanh mới dám cõng con gái quay trở lại bè.
Kể lại một kỷ niệm, có lần mưa to, nước ngập cả vào trong bè, bà Oanh phải cõng con gái chui qua cửa sổ. Lúc nước ngập ngang cổ rất sâu, bà tưởng đã chết vì không biết bơi. Khi bò lên được tới bờ mới dám tin là hai mẹ con còn sống.
Ngoài căn nhà nổi rách nát, gia tài lớn nhất của gia đình bà Oanh có lẽ là hai con chó với mấy con gà.
Bà Oanh cùng đứa cháu trai ngồi bên cạnh bãi rác đang đốt dở. (Ảnh: Tùng Lâm)
"Ở đây có nghiện đấy. Thỉnh thoảng có bọn đầu trộm đuôi cướp, nghiện ngập vẫn lảng vảng quanh làng. Có đêm chúng nó lượn xe máy ầm ầm vào bắt trộm chó nhưng hai mẹ con không dám ngó đầu ra. Ngó ra sợ nó đánh chết. Mà có kêu cũng không làm gì được chúng nó. Bởi vậy, xóm nghèo này thỉnh thoảng vẫn mất chó, mất gà. Nhà tôi mới mất một con chó đây".
Trước thông tin Hà Nội sắp quy hoạch sông Hồng để xây dựng khu đô thị, bà Oanh không lấy làm ngạc nhiên bởi đã nghe thông tin này lâu rồi.
"Tôi nghe thấy từ năm 2016, thỉnh thoảng cũng có người xuống đây xem xét, chụp ảnh nên người dân xóm ngụ cư có bàn tán xôn xao. Chúng tôi ở trên bờ sông này đã hơn chục năm rồi nên cũng chưa biết nếu họ quy hoạch thì sẽ đi đâu, về đâu.
Nếu không còn được sống ở sông, thôi thì phận mình như bèo bọt, gió thổi trôi về đâu thì mình về đó. Sống lo cho hôm nay chưa trọn sao suy tính được chuyện ngày mai" – bà Oanh nhìn xa xăm, thở dài nói.
Chúng tôi hỏi bà tại sao không nghĩ đến chuyện quay trở về quê hương sinh sống, bà Oanh lắc đầu: "Không có tiền làm gì dám về. Về người ta lại nói, lúc khỏe mạnh thì lang bạt khắp nơi, giờ ốm yếu mới quay lại, không ai chăm sóc được".
Lời đồn về đại ca khét tiếng giang hồ một thời
Chúng tôi quay về cũng là lúc bà Oanh bế đứa cháu quay vào bè ăn cơm. Trong bóng chiều tà, nhìn từ con đường đất, một cụ ông đang lò dò từng bước chân qua cây cầu ngập nước. Con chó với bộ lông màu vàng hồ hởi chạy đến ngoe nguẩy vẫy đuôi.
Ông Thành ngồi cạnh con chó vàng bên bờ sông Hồng. (Ảnh: Tùng Lâm)
Hình ảnh ông lão già ngồi cạnh con chó vàng bên bờ sông Hồng làm tôi ngay lập tức nhớ đến câu chuyện "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao.
Lão kể về con chó vàng đang nằm ngoe nguẩy đuôi ngoài bờ sông mà như kể về một người thân trong gia đình.
"Tôi nói gì con Zôn cũng hiểu. Bảo đi là đi, bảo nằm là nằm. Tôi mà ốm, nó cũng nhịn ăn luôn. Nó mà ở nhà, đố ai mang được đồ đạc ra khỏi nhà tôi".
Với lão Thành, con Zôn thật hiền hòa, đáng yêu nhưng đối với những người qua đường hoặc hàng xóm thì nó đúng là nỗi ác mộng. Chỉ cần đi ngang qua, con Zôn sẵn sàng lao tới cắn người bất cứ lúc nào.
Tôi buông chén hỏi một câu nửa đùa nửa thật: "Ông có bán chó không?". Lão Thành nghe câu hỏi mà không thèm đáp lời, lại châm điếu hút thêm một bi thuốc lào. Sau khi nhả khói điệu nghệ lão mới quay lại nói vỏn vẹn một câu: "Không bán".
Trong căn lều lụp xụp, lão Thành vứt ngổn ngang nồi niêu, xoong chảo, bát đũa. Bát mỳ tôm ăn dở từ trưa vẫn còn chưa dọn. Chiếc bếp than đặt ở góc nhà vẫn lạnh tanh.
Đây là cách lão Thành đi vào nhà mỗi ngày.
Căn nhà vốn đã tuềnh toàng càng trở nên lạnh lẽo hơn khi thiếu bàn tay của người phụ nữ. Lão Thành thường kể với mọi người rằng ông có nhà và vợ con ở thành phố Bắc Ninh. Con lão đứa nào cũng thành đạt nhưng vì lão không thích sống ở thành phố nên hơn chục năm trước mới chuyển ra đây sống.
Có người thì cho rằng, lão Thành từng là cán bộ trong quân đội nhưng bị bệnh nên bỏ nhà đi lang thang. Còn có người lại khẳng định lão Thành chính là đại ca Thành "sói" khét tiếng giang hồ một thời. Có nhiều tin đồn về người đàn ông bí hiểm này nhưng đến nay vẫn chưa ai có thể khẳng định được lai lịch rõ ràng của lão Thành.
Họ chỉ biết rằng, hơn chục năm sống ở bãi giữa sông Hồng, tất cả người dân ở đây chưa từng nhìn thấy người thân hay con cái của lão Thành tới thăm. Ban đầu, có người tin những câu chuyện mà lão kể. Sau dần quen, họ cho rằng lão Thành bị mắc chứng hoang tưởng.
Bà Nguyễn Thị Oanh, hàng xóm của lão Thành kể lại: "Suốt đêm qua, ông ấy không ngủ mà nằm lảm nhảm chửi ai đó cả đêm. Thằng cháu nhà tôi nghe thấy, cả đêm sợ cũng không ngủ được. Càng ngày, bệnh hoang tưởng của ông ấy càng nặng hơn".
Ông Nguyễn Đăng Được, trưởng xóm ngụ cư bãi giữa sông Hồng cho biết: "Trường hợp của ông Thành khiến tôi lo nhất cái xóm ngụ cư này. Ông Thành sức khỏe đã yếu, lại sống một mình không có người chăm sóc. Nhiều lúc ông Thành còn không tỉnh táo, nửa đêm còn lội bì bõm dưới sông. Chỉ sợ, có ngày ngã nước không ai biết".
Chúng tôi leo ra khỏi nhà lão Thành cũng là lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. Cây cầu gỗ bị ngâm nước lâu ngày mọc đầy rong rêu và có thể khiến người leo ngã xuống sông bất cứ khi nào.
Ánh đèn vàng vọt hắt ra từ cây cầu Long Biên cũng không đủ chiếu sáng được một vùng đêm đen dưới bãi giữa sông Hồng. Thỉnh thoảng, từng hồi còi tàu vang lên mới xé toang được màn đêm tối u ám và át được tiếng muỗi vo ve trong những bụi chuối dưới chân cầu.
Xem Video: Trẻ em nghèo bãi giữa Sông Hồng
//