Là người đã dành nhiều năm để nghiên cứu về văn học Việt Nam và góp phần đưa văn học nước nhà đến gần hơn với độc giả Pháp, PGS-TS, nhà phê bình Đoàn Cầm Thi đã dành nhiều thời gian để viết các bài tiểu luận phê bình về văn học Việt Nam đương đại. Đặc biệt là chân dung của các nhà văn đã tạo lập được cá tính riêng trong sáng tác. Tất cả các bài tiểu luận phê bình của Đoàn Cầm Thi trong khoảng mười năm trở lại đây về một số nhà văn mà cô tâm đắc đã được tập hợp trong cuốn Đọc "tôi" bên bến lạ.
Mỗi tác phẩm văn chương là một sự sáng tạo của cá nhân, nên trong nó luôn ẩn chứa cái “tôi” của người cầm bút. Nhưng đã có những thời điểm, vì nhiều lý do khác nhau mà phần cá nhân của người sáng tác bị lu mờ dần trong văn học.
Cái “tôi” bị khỏa lấp bởi những cái ta chung. Nhưng nền văn học đương đại Việt Nam, nhất là giai đoạn từ 1986 đến nay được coi là giai đoạn mà cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng và phong phú cho văn học nước nhà, kéo văn học Việt Nam đến gần hơn và hòa mình vào dòng chảy của văn học thế giới.
Trong cuốn sách, tác giả nói tới hàng loạt cái tên như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Minh Châu… hay gần hơn là Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Đỗ Kh, Trần Vũ, Phong Điệp… Trong số họ có nhiều tác giả quen thuộc với bạn đọc trong nước, nhưng cũng có những cái tên còn khá xa lạ. Điểm chung của các nhà văn này là cái tôi cá nhân đã giúp họ định danh trên con đường sáng tác.
Nói đến cá tính là nói đến sự khác biệt và mỗi nhà văn đều có những cách khác nhau để thể hiện cá tính của mình. Với cấu trúc bốn phần, chia theo những chủ đề khác nhau như: Những cái “tôi” phủ định, Những cái “tôi” mới, Những cái “tôi” lưu vong, Những cái “tôi” phi hư cấu, cuốn sách giống như tổng kết những cuộc khám phá cái “tôi” khác nhau.
Đó là cái “tôi” đầy kích động, luôn muốn phá vỡ những tư tưởng mang tính bảo thủ và áp đặt của chế độ phụ quyền của Nguyễn Huy Thiệp. Người đọc còn tìm thấy một cái “tôi” nữ tính, khát khao tự do, khát khao yêu đương và tìm kiếm sự mới lạ trong văn chương của Phạm Thị Hoài. Gần hơn một chút, là cái “tôi” biến đổi không ngừng, vừa giàu suy tư, nhưng đôi khi miên man trong miền suy tưởng như vô thức của Nguyễn Bình Phương.
Đọc "tôi" bên bến lạ là một tuyển tập tiểu luận phê bình, nhưng nó không khô khan và khó tiếp cận như các văn bản mang tính khoa học khác. Bằng vốn đọc sâu rộng, sự liên kết, liên tưởng, xâu chuỗi văn bản kết hợp phê bình tiểu sử… các bài viết trong cuốn sách còn là những câu chuyện văn chương của cá nhân các nhà văn. Thông qua những góc nhìn của nhà phê bình Đoàn Cầm Thi, người đọc thấy được con đường tạo lập cá tính trong sáng tác của các tác giả.
PGS-TS Đoàn Cầm Thi.
Nhà phê bình văn học nổi tiếng người Đức là Hans Robert Jauss đã có từng cho rằng: “Lịch sử của văn học là lịch sử của những cách đọc”. Trong đó, các nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học đóng vai trò là “người đọc lý tưởng”. Quá trình khám phá và nghiên cứu của các nhà phê bình cũng chính là một quá trình sáng tạo, phát hiện những giá trị cảm thụ mới cho tác phẩm.
Những tác phẩm mà nhà phê bình Đoàn Cầm Thi đề cập đến trong cuốn sách không phải là các tác phẩm mới. Nhưng bằng phương pháp phê bình hiện đại và ngôn ngữ khúc chiết, dễ hiểu, dễ tiếp cận, người đọc đã phần nào cảm nhận thêm được nhiều giá trị mới của các tác phẩm tưởng đã quen thuộc.
PGS- TS Đoàn Cầm Thi hiện đang giảng dạy tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông tại Paris (Pháp). Cô cũng là người có công giới thiệu nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đương đại ở Pháp, đồng thời phụ trách tủ sách Văn học Việt Nam đương đại, NXB Riveneuve-Paris.