Người già mách bảo: Học ăn, học nói...

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ăn- nói“ là hai việc làm khác nhau, có ý nghĩa khác nhau nhưng nó cùng phản ánh cái nét “văn hoá“ của một con người. Do vậy, “ăn- nói“ được xem như một cặp phạm trù về ứng xử.
Người già mách bảo: Học ăn, học nói...
Ảnh minh họa

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

 Một người tinh tế, chỉ qua cách "ăn - nói" của người khác đã có thể đoán biết người ấy có được giáo dục tử tế không, học vấn thế nào, là người thô thiển hay lịch lãm.

Thật buồn và xấu hổ khi ngồi vào phòng ăn mà con cháu không biết mời ông bà, cha mẹ, khách khứa và người lớn ăn cơm. Đã vậy, có đĩa thức ăn nào ngon nhất trên mâm là cứ một mực cắm đũa vào đó, khi no cũng chỉ việc buông đũa đứng phắt dậy... Có trường hợp nhà có khách, nhưng khách và chủ chưa ngồi vào ăn thì các "quý tử" trong nhà chẳng cần đũa bát gì, cứ thẳng tay bốc thịt gà mà "ăn vã". Bố mẹ nhìn thấy nhưng nuông con, bực lắm cũng chỉ "lườm" một cái và lần sau con lại cứ thế.

Cha mẹ, ông bà không tiếc gì con cháu, thậm chí còn nhường nhịn, dành cho con cháu nhiều hơn, ngon hơn nhưng cái gì cũng phải có chừng mực. Đừng để chúng nghĩ rằng "tất cả" là của chúng. Phải răn dạy con cháu biết nhường nhịn, chia sẻ cùng người khác, luôn vì mọi người xung quanh mới tạo ra được một cộng đồng biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.
Lời nói không mất tiền mua...

"Lời nói" là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp giữa con người với nhau, nó là một phần quan trọng trong ứng xử. Người ta thường nhận xét người này "khéo nói", người kia "ăn nói vụng về", người khác "ăn nói thô lỗ" là như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các cuộc thi hoa hậu trong nước và thế giới đều kết thúc bằng phần thi ứng xử; và người được trao vương miện chưa hẳn là người đẹp nhất mà thường là người ứng xử hay nhất.
Ở đây, ta chỉ bàn đến cách "ăn - nói" của một người bình thường. Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Vì vậy, khi giao tiếp phải lựa chọn cách nói, lời nói ngắn gọn, chính xác, súc tích để làm cho người nghe vừa lòng, tạo ra được sự gần gũi, tin cậy giữa ta và người đó. Không nên nói qúa nhiều khi giao tiếp trước đám đông (trừ khi nhiệm vụ bắt buộc), bởi dân gian có câu "im lặng là vàng" hoặc "chỉ mất 2 năm để học nói, nhưng phải mất 60 năm mới học được cách... im lặng!”. Người ít học thì hay nói nhiều vì sợ nói ít thì bị chê là thiếu hiểu biết; nhưng càng nói thì lại càng "lộ" ra chân tướng của một cái thùng "rỗng". Nói dai, nói dài, nói dại... chính là như vậy!

Im lặng là cách để giữ mình, đồng thời cũng là sự khiêm tốn "lắng nghe" người khác. Càng chịu nghe thì càng học được nhiều, càng hay nói thì chỉ "mất đi" chẳng học được gì. Trái lại khi cần nói thì phải biết cách nói sao cho có sức thuyết phục bởi tính văn hoá và khoa học trong lời nói đó. Tránh nói lung tung, nói cho "sướng" miệng, chẳng có nội dung, mục đích gì.

Muốn nói hay thì phải học cách diễn đạt của nhiều người và tự mình rèn luyện, gọt giũa lời nói sao cho chau chuốt. Rất tiếc, có nhiều người khi nói trước đám đông, do chủ quan, thiếu chuẩn bị nên thường nói dài, nội dung không mới, diễn đạt vòng vo nên rất ít sức thuyết phục.

Phải biết dừng khi lời nói của mình đã chuyển tải đủ nội dung đến người nghe và chốt lại ở mục đích mình cần trao đổi, truyền đạt. "Học gói, học mở" chính là ở chỗ này chứ không phải gói hay mở một gói quà. Trong giao tiếp hằng ngày cần sự cởi mở nhưng không quá ồn ào. Nên "hào phóng lời khen, tiết kiệm lời chê" với người xung quanh; luôn biết dùng những lời "có cánh" để ca ngợi, biểu dương những mặt tốt của người khác. Khi làm phiền ai điều gì thì phải "xin lỗi" và nhờ cậy gì thì ngay tức khắc phải "cảm ơn" dù là điều nhỏ nhặt nhất. Đó chính là cách "ăn nói", ứng xử của người có văn hoá.
Dạy con học ăn, học nói chính là dạy về giao tiếp ứng xử. Một đứa trẻ đủ tự tin bước ra ngoài cuộc sống, trở thành một người lịch lãm, biết ứng xử, đều phải được rèn giũa một cách nghiêm túc và bài bản về cách ăn nói. Để giáo dục con cháu, ngoài kỹ năng ra, cha mẹ, ông bà phải là một tấm gương.
Cha ông ta có một câu nói rất hay rằng: "Phúc từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra", là nhằm khẳng định tính quan trọng của lời nói. Do vậy, ai làm chủ được lời nói chính là làm chủ được bản thân để luôn tự tin bước vào cuộc sống.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật