Trận hải chiến lớn nhất chiến tranh thế giới thứ hai

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
9 biên đội tàu sân bay, 867 tàu chiến, 1.800 máy bay đã được huy động trong trận chiến vịnh Leyte, một trong những trận hải chiến lớn nhất của lịch sử nhân loại.
Trận hải chiến lớn nhất chiến tranh thế giới thứ hai
867 tàu chiến đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử tại vịnh Leyte. Ảnh: Wikipedia

Từ tháng 8/1942 đến đầu năm 1944, các chiến dịch của Hải quân Mỹ đã đánh bật lực lượng Nhật Bản ra khỏi các hòn đảo ở phía Nam và trung tâm Thái Bình Dương. Giữa năm 1944, Hải quân Mỹ đã chiếm được một số đảo quan trọng làm căn cứ cho máy bay ném bom B-29 xuất phát tấn công các đảo chính của Nhật Bản.

Sau khi xem xét các yếu tố chiến lược, Hải quân Mỹ quyết định mở cuộc tấn công vào Philippines nhằm cắt đứt tuyến vận tải biển chiến lược của Nhật Bản qua vịnh Leyte. Việc đánh bật lực lượng Nhật Bản tại đây sẽ là chìa khóa để cô lập các quốc gia mà Nhật chiếm đóng và cắt huyết mạch của nền công nghiệp quốc phòng xứ sở mặt trời mọc.

Để phục vụ cho cuộc tấn công vào Philippines, Hải quân Mỹ đã huy động Hạm đội 3 và Hạm đội 7. Hạm đội 7 do Phó đô đốc Thomas C. Kinkaid chỉ huy chịu trách nhiệm đổ bộ và chi viện hỏa lực gần bờ cho lực lượng lục quân của tướng MacArthur đánh chiếm miền trung Philippines. Hạm đội 7 có sự hỗ trợ của một số tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Australia.

Hạm đội 3 do Đô đốc William F. Halsey, Jr chỉ huy phối hợp với Lực lượng đặc nhiệm 38 (TF-38) Hạm đội Thái Bình Dương hỗ trợ hỏa lực từ xa và ngăn chặn Hải quân Nhật Bản. Lỗi khá nghiêm trọng trong chiến dịch là không có tổng chỉ huy chung. Hạm đội 7 chịu sự chỉ huy của tướng MacArthur, Tư lệnh lực lượng đồng minh ở Tây Nam Thái Bình Dương.

Thủy thủ đoàn trên tàu sân bay Zuikaku thực hiện nghi lễ chào cờ cuối cùng sau khi nó bị trúng đạn nghiêng hẳn sang một bên và nhanh chóng chìm sau đó. Ảnh: Wikipedia

Hạm đội 3 dưới sự chỉ huy của Đô đốc Chester W. Nimitz, Tổng Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương. Việc thiếu Tổng chỉ huy làm cho sự phối hợp giữa các lực lượng không đồng nhất, khiến Hải quân Mỹ phải chịu tổn thất nặng gần mức thảm họa.

Về lực lượng, Hải quân Mỹ đã huy động 8 biên đội tàu sân bay, 8 tàu sân bay hạng nhẹ, 18 tàu hộ tống, 12 thiết giáp hạm, 24 tuần dương hạm, 166 tàu khu trục và hơn 1.500 máy bay chiến đấu. Tổng số tàu chiến các loại lên đến 800 chiếc.

Về phía Nhật Bản, nhận thức rõ vai trò chiến lược của Philippines đối với cuộc chiến, Hạm đội Liên hợp Nhật Bản đã huy động gần như toàn bộ lực lượng để bảo vệ Philippines trước cuộc tấn công của lực lượng đồng minh. Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Soemu Toyoda đã lên 4 kế hoạch chiến thắng còn gọi là Shō-Gō từ 1 đến 4.

Lực lượng gồm có 3 biên đội tàu sân bay, 3 tàu sân bay hạng nhẹ, 9 thiết giáp hạm trong đó có thiết giáp hạm Yamato tàu chiến mạnh nhất thế giới lúc đó, 14 tàu tuần dương hạng nặng, 6 tuần dương hạm hạng nhẹ, 35 tàu khu trục, 300 máy bay các loại. Tổng số tàu chiến các loại gần 70 chiếc.

Trận hải chiến lớn nhất lịch sử

Thiết giáp hạm Yamato tàu chiến mạnh nhất của hải quân Nhật Bản bị trúng bom ở tháp pháo phía trước vào ngày 24/10/1944 tại trận đánh biển Sibuyan. Ảnh: Wikipedia

Ngày 12/10/1944, Hạm đội 3 tấn công các sân bay ở đảo Đài Loan và quần đảo Ryukyu nhằm tiêu diệt lực lượng Không quân Nhật Bản tại đây, dọn đường cho cuộc đổ bộ vào Leyte. Bộ Tư lệnh Hạm đội Liên hợp phát động chiến dịch Shō-Gō-2 tấn công vào Hạm đội 3 song đã bị đánh bại.

Nhật Bản lập tức chuyển sang Shō-Gō-1, Phó đô đốc Jisaburō Ozawa chỉ huy mũi tấn công phía Bắc làm nhiệm vụ thu hút lực lượng Mỹ ra khỏi vịnh Leyte. Mũi tấn công này sẽ làm nhiệm vụ mồi nhử trong khi đó hai mũi tấn công phía Nam do Phó đô đốc Shoji Nishimura chỉ huy tấn công vào khu vực eo biển Surigao. Mũi tấn công trung tâm do Phó đô đốc Takeo Kurita chỉ huy tấn công qua eo biển San Bernardino.

Các chỉ huy Hải quân Nhật Bản cho rằng, kế hoạch tấn công này quá liều lĩnh và có thể dẫn đến sự hủy diệt của toàn bộ lực lượng tấn công. Tư lệnh Toyoda giải thích rằng, nếu không thể giữ được Philippines thì việc bảo toàn lực lượng chiến đấu của các hạm đội sẽ trở nên vô nghĩa.

Trận hải chiến vịnh Leyte bao gồm 4 trận đánh tại biển Sibuyan, biển Surigao, Cape Engaño và Samar. Trong trận hải chiến này, lần đầu các máy bay chiến đấu Nhật Bản thực hiện tấn công cảm tử “kamikaze” một cách có tổ chức.

Ngày 20/10/1944, Hải quân Mỹ bắt đầu tấn công Leyte. Cuộc chạm trán giữa hải quân đôi bên lên đến đỉnh điểm của sự ác liệt với quy mô chưa từng có kéo dài từ ngày 23 - 26/10/1944. Trận hải chiến vịnh Leyte đã trở thành trận đánh hải quân lớn nhất Chiến tranh thế giới thứ 2 cũng như trong lịch sử hải chiến của nhân loại.

Với sức mạnh áp đảo, Hải quân Mỹ nhanh chóng đánh bại hạm đội Liên hợp Nhật Bản. Thất bại tại vịnh Leyte đã khiến Hải quân Nhật Bản gần như bị tê liệt hoàn toàn. Số tàu chiến còn lại dần mất sức chiến đấu do không được cung cấp đầy đủ nhiên liệu và đạn dược. huyết mạch nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản từ phía Nam bị cắt đứt hoàn toàn.

thiệt hại của đôi bên

Tàu hộ tống sân bay USS- St.Lo(CVE-63) phát nổ sau một đợt tấn công cảm tử của máy bay Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Hải quân Mỹ có lực lượng tàu chiến gấp 11,4 lần, số máy bay gấp 2,5 lần, nhưng cũng phải chịu tổn thất không hề nhỏ. 1 tàu sân bay hạng nhẹ, 2 tàu hộ tống sân bay, 2 tàu khu trục, 1 tàu khu trục hộ tống bị đánh chìm, 4 tàu chiến khác của Mỹ và Australia bị hư hỏng nặng, 200 máy bay bị bắn hạ, hơn 2.800 người thiệt mạng và bị thương.

Về phía Nhật Bản, 1 tàu sân bay, 3 tàu sân bay hạng nhẹ, 3 thiết giáp hạm, 10 tàu tuần dương, 11 tàu khu trục bị đánh chìm, 300 máy bay bị bắn rơi, 12.500 người thiệt mạng hoặc bị thương. thiệt hại quá lớn tại trận Leyte cùng với sự sụt giảm nghiêm trọng về sản xuất quốc phòng do thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến Hạm đội Liên hợp Nhật Bản và Quân đội Nhật Bản dần mất sức chiến đấu rồi bị đánh bại hoàn toàn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật