Báo cáo của EIA ngày 6/11, cho biết, 2 tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Tanzania, các thành viên của phái đoàn chính phủ và doanh nghiệp nước này đã mua lậu nhiều ngà voi đến nỗi giá mặt hàng này tại địa phương đã tăng gấp đôi lên 700 USD/kg.
Sau đó, họ chuyển ngà voi tới giấu trong các kiện hàng gắn mác ngoại giao rồi đưa lên máy bay của ông Tập.
Do chiếc máy bay thuộc diện miễn trừ ngoại giao nên không bị hải quan sân bay kiểm tra và số ngà voi kể trên đã trót lọt bay về Trung Quốc.
Phái đoàn đi theo ông Tập lúc ấy chỉ có 4 người: bà Bành Lệ Viên – phu nhân ông Tập; Vương Hộ Ninh - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc; Lật Chiến Thư - Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.
Quan chức Trung Quốc đã buôn lậu hàng tấn ngà voi ra khỏi Tanzania năm 2013. Ảnh: Reuters
Báo cáo còn khẳng định, các vụ mua bán tương tự đã được thực hiện trong một chuyến viếng thăm trước đây của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Các viên chức sứ quán Trung Quốc cũng được mô tả như những “khách hàng lớn”. Những người buôn bán ngà voi ở Dar es Salaam còn nhận được “cú hích” mạnh trong việc kinh doanh từ chuyến thăm của một đoàn tàu hải quân Trung Quốc trở về sau khi tham gia tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden.
Cũng theo EIA, vào năm ngoái, một công dân Trung Quốc tên Yu Bo đã bị bắt khi lái một chiếc xe tải chứa 81 ngà voi được giấu bên dưới các bức điêu khắc gỗ mà ông định giao cho 2 viên chức hải quân Trung Quốc cấp trung tại cảng Dar es Salaam. Một tòa án địa phương sau đó đã tuyên phạt Yu 20 năm tù giam.
Tanzania là một đồng minh quan trọng của Trung Quốc ở Đông Phi, và Tổng thống Jakaya Kikwete của nước này đã ký kết các thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ USD trong một chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng trước. Tanzania có khoảng 142.000 con voi khi Kikwete lên nhậm chức vào năm 2005, tuy nhiên số lượng voi có khả năng sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 55.000 con vào năm 2015 do hậu quả của nạn săn bắt trộm.
Hầu hết các vụ mua bán ngà voi đã bị nghiêm cấm vào năm 1989 theo Công ước thương mại quốc tế về các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) mà cả Trung Quốc lẫn Tanzania đều tham gia ký kết.
Trung Quốc thường tuyên bố “chú ý nhiều” đến việc bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng và trong những năm gần đây đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ những kẻ buôn lậu mặt hàng này trên toàn quốc.
Theo hãng tin AP, phản ứng với báo cáo của EIA, ông Meng Xianlin, một quan chức của Bộ Lâm nghiệp Trung Quốc phụ trách thực hiện cam kết của Bắc Kinh với CITES, khẳng định những cáo buộc mà EIA đưa ra là “không thể tin được” do thiếu “bằng chứng chắc chắn”.
Hàng chục ngàn con voi đã bị giết tại châu Phi mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường châu Á đối với các sản phẩm làm từ ngà voi, đặc biệt là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Lục địa Đen.