Từ đầu năm 2014, báo chí đã đưa tin về việc ông Ngụy Bằng Viễn, Vụ phó Vụ Than đá thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đang bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực năng lượng. Ngụy đã mua nhiều phòng và dùng một trong số đó để cất giấu tiền mặt.
Các điều tra viên đã phải sử dụng tới 16 máy đếm tiền, trong đó 4 máy bị hỏng do quá tải, tạp chí chuyên về tài chính Tài Tân tường thuật. “Đây là khoản tiền mặt lớn nhất mà chúng tôi thu giữ được từ một cán bộ tham nhũng chỉ trong một vụ án kể từ năm 1949”, ông Từ Tiến Huy, quan chức viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc, cho biết. Dân mạng ước tính, số tiền thu giữ được tại nhà Ngụy Bằng Viễn phải nặng trên 2,3 tấn.
Ngụy từng làm việc nhiều năm tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, được đề bạt Vụ phó Vụ Than đá - Cục Năng lượng thuộc ủy ban này năm 2008. Ông Từ Tiến Huy cho biết, Ngụy chỉ là một trong 11 quan chức ủy ban bị truy tố về tội nhận hối lộ. Trong số đó có 5 người thuộc Cục Năng lượng, 5 người thuộc Vụ Giá cả và một quan chức thuộc Vụ Phân phối Thu nhập và Việc làm.
Số quan tham “ngã ngựa” gồm cả Phó chủ tịch Ủy ban Lưu Thiết Nam, người bị đưa ra xét xử vì cáo buộc nhận hối lộ 36 triệu nhân dân tệ. “Họ bị truy cứu trách nhiệm cả về việc hoạch định chính sách và phê chuẩn các dự án phát triển. Nói cách khác, họ quyết định một doanh nghiệp có thể thu lợi nhuận bao nhiêu”, ông Từ nói. Khi giá than tăng lên, Vụ Than đá (chịu trách nhiệm cấp phép khai thác mỏ) đã trở thành nơi có nguy cơ tham nhũng rất cao.
Theo ông Từ, viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong chiến dịch chống tham nhũng năm 2014. Họ đã truy tố 35.633 quan chức ăn hối lộ trong vòng 9 tháng qua, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013. Có tới 8/10 vụ hối lộ có số tiền trị giá trên 50.000 nhân dân tệ hoặc tham ô trên 100.000 nhân dân tệ. viện Kiểm sát cũng tham gia chiến dịch săn lùng quan tham bỏ trốn ra nước ngoài, 502 đối tượng đã bị bắt từ tháng 1 đến 9/2014.
Tại cuộc họp báo ngày 1/11, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Jiang Bixin cam kết sẽ mở phiên tòa xét xử cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. Căn cứ quyền lực của Chu trải rộng từ ngành công nghiệp dầu khí cho tới tỉnh Tứ Xuyên, Bộ Công an và Ủy ban Chính Pháp.
Theo South China Morning Post, ít nhất 37 công ty, một số hoạt động tại Bắc Mỹ, thuộc sở hữu gia đình họ Chu hoặc có dính líu. Việc làm ăn liên quan tới sản xuất dầu mỏ, phát triển bất động sản, thủy điện và du lịch. Các nhà phân tích cho rằng, Chu không trực tiếp liên quan chuyện kinh doanh, mà người quán xuyến là con trai Chu Bân (42 tuổi).