​Bộ trưởng 27 tuổi ở Thụy Điển

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 3-10, khi tân Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven trình diện Chính phủ liên đảng Dân chủ xã hội và Môi trường, nội các đó đã thu hút nhiều sự chú ý của người dân trong khối các nước Scandinavia.
​Bộ trưởng 27 tuổi ở Thụy Điển
Nữ bộ trưởng trẻ trung Aida Hadzialic - Ảnh: Reuters

Báo chí đã gọi đó là chính phủ “nữ quyền” do phụ nữ chiếm tới 12/24 ghế, số lượng cao nhất từ trước tới nay, một trong số này là Bộ trưởng phụ trách trung học và đào tạo cho người trưởng thành Aida Hadzialic.

Cần biết rằng Bộ Giáo dục Thụy Điển có tới ba bộ trưởng gồm Gustaf Fridolin (bộ trưởng giáo dục), Helene hel‌lmark Knutsson (bộ trưởng phụ trách đào tạo cấp cao và nghiên cứu) và cô Aida Hadzialic.

Trẻ nhất trước nay

Aida Hadzialic là bộ trưởng trẻ nhất từ trước tới nay tại Thụy Điển. Cô sinh ngày 21-1-1987 tại Foca, thuộc Liên bang Nam Tư cũ (nay là Bosnia - Herzegovina) và theo gia đình di cư tới Thụy điển khi lên 5 tuổi. Tốt nghiệp khoa luật tại Đại học Lund, Aida như vậy mới 27 tuổi 255 ngày khi được bổ nhiệm bộ trưởng và cô còn là tín đồ Hồi giáo đầu tiên trong Chính phủ.

Cô gia nhập đảng Dân chủ xã hội (trẻ) năm 16 tuổi. Năm 23 tuổi, Hadzialic trở thành một trong những phó thị trưởng của thành phố quê hương Halmstad, gần bờ biển phía tây Thụy Điển, có 95.000 dân. Ngoài tiếng Thụy Điển, Aida còn nói tiếng Anh, Bosnia, Croatia và Serbia.

Trong phần tự giới thiệu, Aida cho biết sở thích của cô là âm nhạc, thể dục và đi dạo giữa thiên nhiên, đặc biệt là trên bờ biển, các lĩnh vực quan tâm là phúc lợi xã hội, việc làm, kinh doanh và giáo dục.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, Aida chỉ đạt 4,87% số phiếu trong khu vực bầu cử của mình, so với tỉ lệ quy định là 5% nên không trở thành nghị sĩ nhưng vẫn được Thủ tướng Löfven bổ nhiệm do cô được xem là điển hình cho sự hội nhập của một người gốc nhập cư Hồi giáo.

Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi được bổ nhiệm, Aida cho biết sẽ cùng các đồng nghiệp trong Bộ Giáo dục cố gắng sao cho các trường học tại Thụy Điển trở thành tốt nhất châu Âu.

Khi còn là phó thị trưởng Halmstad, Aida Hadzialic đã viết trên trang web của hội đồng thành phố là cô mong muốn nơi đây sẽ trở thành một “đô thị của những cơ hội, nơi mọi dân cư cùng phát triển, mỗi cá nhân đều có cơ hội để tự thể hiện, một đô thị thịnh vượng để đảm bảo chất lượng phúc lợi cho tất cả, đạt được vị trí dẫn đầu về trường học và chăm sóc người cao tuổi”. Cô nhấn mạnh đến việc đảm bảo phúc lợi xã hội bằng cách mở rộng thị trường lao động tại Halmstad.

Mang tính biểu tượng

Một trong những thử thách cho Chính phủ của Thủ tướng Löfven là thúc đẩy sự phát triển trong khối thanh niên nhập cư và gốc nhập cư. Thụy Điển dành tới 6,3% GDP cho giáo dục, cao hơn mức bình quân của các nước trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) là 5,7%. Giáo dục cũng chiếm tới 42% ngân sách của các địa phương.

Tuy nhiên, tình trạng phổ biến là nhiều thanh niên gốc nhập cư không có việc làm do kém tiếng Thụy Điển, lại không có nghề chuyên môn nên không cạnh tranh được với lao động nhập cư từ Đức, Ba Lan, Hungary...

Theo thống kê năm 2011, khoảng 26,5% dân Thụy Điển có gốc nhập cư và con số này đang tăng nhanh. Chỉ trong năm 2012 Thụy Điển đã tiếp nhận 43.900 người tị nạn, chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan và Somalia. Năm nay Thụy điển sẽ nhận 80.000 người tị nạn từ Syria, Eritrea, Somalia, Afghanistan, Iraq và các nước khác, con số cao nhất từ năm 1992, theo BBC. Do vậy, công tác thu hút người nhập cư học tập và tham gia thị trường lao động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vương quốc này.

Nếu tân Thủ tướng Löfven từng bước giải quyết được nạn thất nghiệp trong khối thanh niên gốc nhập cư thì đây cũng là một cách để ngăn chặn sự phát triển của phong trào bài nhập cư, xem họ là những kẻ ăn bám xã hội. Aida Hadzialic là sự lựa chọn thích hợp vì cô tượng trưng cho sức trẻ, tinh thần hội nhập tích cực, bình đẳng nam nữ và cơ hội cho mọi người không phân biệt chủ‌ng tộ‌c hay tôn giáo. Giờ thì phải chờ xem cô thực hiện những trọng trách của mình thế nào.

Thất nghiệp - nguồn gốc bạo loạn

Theo thống kê năm 2011 thì tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên Thụy Điển là 23,5%, riêng trong khối thanh niên gốc nhập cư từ 19-24 tuổi lên tới 35%, cho dù tỉ lệ thất nghiệp chung là 8,2%, vẫn thấp hơn con số trung bình 10,9% của khối EU.

Thất nghiệp là nguyên nhân chính dẫn tới vụ bạo loạn kéo dài năm đêm của thanh thiếu niên tại các vùng ngoại ô thủ đô Stockholm từ 19 tới 23-3-2013. Những khu vực bạo loạn dữ dội nhất là nơi tập trung nhiều người gốc nhập cư, như vùng Husby có tới 80% dân cư là gốc nhập cư.

Ngòi nổ là chuyện cảnh sát bắn chết một người đàn ông huơ dao vài ngày trước đó. Những người tham gia đã đốt phá hơn 400 xe hơi, nhiều trường học, một trung tâm văn hóa, ngân hàng và cả đồn cảnh sát. Ngoài tình trạng thất nghiệp, nhiều thanh niên còn bất mãn vì giá thuê nhà đắt đỏ và thái độ phân biệt giữa người bản xứ và người nhập cư của cảnh sát.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật