Thời gian “đẹp” cho thúc đẩy cải cách

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tốc độ phát triển toàn khu vực châu Á thật đáng thất vọng nhưng hãy coi đó là điều “bình thường mới” tại các nền kinh tế mới nổi.
Thời gian “đẹp” cho thúc đẩy cải cách
Ảnh minh họa

Báo cáo quý III về triển vọng kinh tế châu Á của Khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC vừa công bố đã đưa ra những phân tích đáng chú ý về hiện tượng “chạy trên máy chạy mà chẳng biết sẽ đến đâu” của các nền kinh tế này.

Theo các chuyên gia của HSBC, trong khi rất nhiều người cho rằng lý do chính là vì người tiêu dùng phương Tây kém mặn mà hay nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển thấp thì nguyên nhân thật sự đằng sau sự tăng trưởng chậm lại trên chính là vấn đề năng suất sản xuất.

Đồng USD tăng mạnh đang gây ra rắc rối hơn là giúp giải quyết vấn đề xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển. Và thực tế hiện nay cũng cho thấy, xuất khẩu không còn là cứu cánh cho mọi vấn đề.

“Giải pháp nên bắt đầu từ nội bộ: Cần cải cách cấu trúc để tăng lợi nhuận và niềm tin của các nhà đầu tư. Nếu không có cải cách, tình trạng phát triển chậm này có thể kéo dài thêm một thời gian nữa. Mọi người đã nói quá nhiều về cải cách cấu trúc tại Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ hay những nước khác nhưng chỉ khi chúng ta hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói thì mới có thể mang lại sức sống cho các nền kinh tế trong khu vực. Mọi thứ đang “ổn định” trong lúc này, nhưng điều đó chưa đủ tốt” – báo cáo nhận định.

Đằng sau vẻ lấp lánh bề ngoài

Mọi thứ có vẻ lấp lánh ở bề ngoài bởi tăng trưởng đã cải thiện trong hè vừa qua. Các kế hoạch kíc‌h thí‌ch kinh tế nhỏ của Trung Quốc đầu năm nay hay các cuộc bầu cử ở Ấn Độ và Indonesia đã mang lại những tác động tích cực. Nhật Bản cũng đã dần phục hồi sau đợt giảm thuế VAT vào quý II trong khi quân đội Thái Lan đã can thiệp và hứa sẽ giải quyết các vấn đề chính trị trong nước. Giá trị của hàng hoá tại Úc đang giảm nhưng ngành bất động sản (BĐS) nước này vẫn đang tốt. Kinh tế Mỹ cũng đã phục hồi trở lại sau đợt trượt giảm vào quý I. Nhưng chúng ta vẫn lo, vì sao?

Bởi mọi thứ không quá lấp lánh khi phân tích chi tiết hơn. Ngành BĐS đóng vai trò chính dẫn dắt tăng trưởng Trung Quốc nhưng vẫn tiếp tục nguội lạnh. Ngành công nghiệp sản xuất – một trụ cột tại Nhật Bản tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm trong quý III và cho thấy rủi ro nền kinh tế này có thể rơi vào suy thoái công nghệ.

Trong khi đó, các kế hoạch hỗ trợ tăng trưởng của Tổng thống Modi tại Ấn Độ có vẻ còn nhiều hạn chế tính đến quý II với Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng chậm vào quý III. Kinh tế Mỹ dù tăng trưởng mạnh hơn nhưng vẫn chưa mang lại các cơ hội xuất khẩu cho hầu hết các nước trong khu vực châu Á vốn còn thiếu sự hỗ trợ của công nghệ.

Quan trọng hơn, quá trình thực hiện cải cách cấu trúc dường như bị ngắt quãng đã khiến mọi người lo ngại. Dù ai cũng nhận thức vấn đề cấp bách là nhanh chóng thực hiện cải cách nhưng sự chậm trễ và không đồng đều vẫn tiếp tục xảy ra.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là châu Á sẽ yếu đi mà chỉ là chưa tăng trưởng được ở mức lẽ ra có thể cao hơn. Dù tăng trưởng đến nay không được như kỳ vọng nhưng sự thật là các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh hơn các nền kinh tế ở những khu vực khác trên thế giới.

Châu Á cũng có vẻ như cũng đã chuẩn bị tốt để đương đầu với các biến động lớn hơn trong ngành tài chính. Ấn Độ là một ví dụ cho việc củng cố mạnh hơn các kế hoạch phòng ngự trong năm vừa rồi. Ở những nước khác, dự trữ ngoại hối ổn định và giao thương với nước ngoài vẫn dồi dào cho dù Indonesia kém hơn các nước trong khu vực một chút.

Thực tế, bất chấp đồng USD tăng giá, chỉ một vài ngân hàng nhà nước có vẻ sẽ bắt buộc phải thắt chặt các giải pháp tiền tệ để ổn định thị trường. Nếu có vấn đề xảy ra, một số NHTW trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chắc chắn sẽ có các biện pháp giải quyết khi tăng trưởng xuống dưới mức kỳ vọng.

Tuy nhiên, điều này báo hiệu một tình huống tiến thoái lưỡng nan hơn. Tăng trưởng không thể dựa trên các biện pháp kíc‌h thí‌ch mãi được. “Chúng ta có một chút thời gian quý báu để ban hành các kế hoạch cải cách cấu trúc cần thiết nhằm hướng các nền kinh tế tại châu Á phát triển bền vững hơn.

Trên thực tế, khi không có lựa chọn nào tốt hơn, chúng ta phải sử dụng các chính sách linh hoạt theo chu kỳ hoặc thậm chí là các kế hoạch hỗ trợ tuyệt đối. Điều đó đã hé lộ vấn đề tiềm ẩn mà khu vực đang gặp phải: sự trì trệ tại châu Á không xảy ra theo chu kỳ, mà là do cấu trúc” – các chuyên gia HSBC nhận xét.

Việt Nam thì sao?

Báo cáo nhận xét: “Việt Nam đang âm thầm tự mình giải quyết các vấn đề”. Sau nhiều năm tăng trưởng nhờ vào tín dụng với phần lớn vốn được rót vào khối DNNN kém hiệu quả, Việt Nam đang đi chậm lại và tập trung hơn vào chiến lược phát triển bền vững hơn – ngành xuất khẩu. Dù tăng trưởng toàn cầu chậm, ngành xuất khẩu tại Việt Nam đang hoạt động với hiệu quả vượt trội hơn mong đợi, đạt tăng trưởng 14,1% trong tháng 9, so với cuối năm ngoái.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,9% trong năm nay và xuất khẩu sẽ chiếm tỷ trọng 81,4%  GDP. Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm nay và tăng hơn một chút, đạt 5,8% trong năm 2015” – HSBC dự báo.

Chúng tôi kỳ vọng vào những tin tức tốt lành sẽ đến trong khoảng cuối năm 2015 và trong năm 2016. FTA Việt Nam - EU sẽ được “chốt” vào khoảng cuối năm 2014 hoặc đầu 2015 trong khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gần như sẽ giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng tính cạnh tranh.

Các công ty đang xây dựng cơ sở của mình tại đây nhằm tận dụng lợi ích từ các chính sách thương mại tự do đã làm tăng lượng vốn FDI vào Việt Nam. Xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp cũng đang có đà tăng trưởng, dù vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng thêm giá trị gia tăng hơn là cạnh tranh về số lượng.

Nhà nước đã cải thiện việc quản lý tài chính. Các dự án đầu tư công hiện nay chịu sự giám sát kỹ hơn và được thực hiện theo nhu cầu thiết thực hơn. Nhà nước cũng tập trung hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng chính để tháo gỡ các nút cổ chai về hệ thống đường cao tốc và phân phối.

NHNN có thể sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách cuối năm nay và trong năm sau, dù các cải cách sẽ tập trung vào tăng năng lực giám sát của NHNN trong khuôn khổ Pháp Luật.

Ngoài ra, giá dầu thế giới giảm và nhu cầu nội địa thấp khiến áp lực chi phí cũng giảm. Cùng với đó, hiệu ứng cơ sở thuận lợi có khả năng khiến lạm phát có mức thấp mới vào quý IV/2014. HSBC dự báo lạm phát toàn phần đến cuối năm nay sẽ ở khoảng 4%. “Trong trường hợp lạm phát tháng 10, 11, và 12 lần lượt là 0,3%; 0,4% và 0,7% thì lạm phát toàn phần sẽ chỉ ở mức 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Và NHNN sẽ có cơ hội để hạ lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 50 điểm nữa, xuống mức 4,5%” – HSBC dự báo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật