Vấn đề thủ môn của ĐT Việt Nam: Đi tìm người giỏi nhất

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bóng đá, thủ môn được coi là “50% sức mạnh” của đội bóng. Chính vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng của ĐT Việt Nam là phải tìm ra một “người gác đền” tốt nhất.
Vấn đề thủ môn của ĐT Việt Nam: Đi tìm người giỏi nhất
Thanh Bình (trái) và Vĩnh Lợi

Trong số 4 cái tên Tô Vĩnh Lợi, Nguyễn Thanh Bình, Trần Nguyên Mạnh và Trần Bửu Ngọc.

SO BÓ ĐŨA CHỌN CỘT CỜ

“Đây có thể coi là 4 thủ môn tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Thực tế, mỗi người có những ưu điểm riêng, rất khó để chọn ai đó cụ thể. Vì vậy, trong mỗi trận đấu, BHL dựa trên những phân tích chuyên môn để lựa chọn thủ môn phù hợp nhất”, trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh đã nói như thế về 4 cậu học trò Tô Vĩnh Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Bình (SHB.ĐN), Trần Nguyên Mạnh (SLNA) và Trần Bửu Ngọc (CS.ĐT), khi được hỏi sẽ chọn ai là “người gác đền” số một của ĐT Việt Nam.

Thực sự, rất khó để chọn mặt gửi vàng ở vị trí thủ môn. Nguyên do, một phần HLV Miura liên tục “xoay tua”. Nhưng trên hết, trong số 4 cái tên nói trên, chưa có ai nổi bật hẳn. Tô Vĩnh Lợi không phải xa lạ bởi anh từng được gọi vào ĐT U23 Việt Nam và rất nhiều lần được triệu tập lên ĐTQG, nhưng lại chưa thể hiện được nhiều.

Thủ môn Nguyễn Thanh Bình từng là lựa chọn số một khi Dương Hồng Sơn và Bùi Tấn Trường không giữ được phong độ. Nhưng thỉnh thoảng thủ thành của SHB.ĐN vẫn có những pha bóng khiến người xem thấp thỏm. Trần Nguyên Mạnh thực sự có những bước tiến đáng nể thời gian qua, song anh lại chưa có nhiều đất diễn ở ĐTQG. Trong khi đó, Trần Bửu Ngọc là gương mặt đầy triển vọng nhưng tính ổn định lại là điều khiến các nhà cầm quân phải cân nhắc khi lựa chọn anh.

NGƯỜI TRẺ LÊN NGÔI

Từ thành công của Olympic Việt Nam tại Asiad 17 và từ cái cách HLV Miura gọi bổ sung các cầu thủ trẻ thay thế các cựu binh, có thể thấy ĐT Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa. Tức là, nhà cầm quân Nhật Bản muốn hướng tới sự đột phá. Rất có thể, ở vị trí thủ môn, ĐT Việt Nam cũng sẽ chọn một người trẻ. Được cân nhắc đầu tiên có thể là Thanh Bình bởi anh đang bước vào độ chín của tài năng. Xét về độ toàn năng trong xử lý tình huống, phát bóng, làm chủ vòng cấm… thủ môn của SHB.ĐN để lại ấn tượng nhất.

Nhưng để được là “số một”, Thanh Bình phải vượt qua đàn em Nguyên Mạnh - thủ thành số một của SLNA. Mùa giải vừa qua, trong bối cảnh hàng phòng ngự “thủng lỗ chỗ”, việc SLNA về đích ở vị trí thứ 5/12 có công rất lớn của Nguyên Mạnh. Trong một lần trò chuyện gần đây, Nguyên Mạnh thổ lộ rằng: “Tôi hoàn toàn tự tin với phong độ của mình nếu được chọn bắt chính ở ĐTQG”.

Đương nhiên cũng không thể bỏ qua Trần Bửu Ngọc. Màn trình diễn của thủ môn người Đồng Tháp đã chiếm trọn lòng tin của HLV Miura. Nhưng Bửu Ngọc cần phải chứng minh mình là ông chủ trong khung gỗ, cũng như cần chính xác hơn trong những pha ra vào. Trong 4 cái tên nói trên, có vẻ như Tô Vĩnh Lợi yếu thế nhất. Thủ môn đang chơi cho Thanh Hóa dù có kinh nghiệm nhưng lại không quá nổi bật về chuyên môn. Và thực tế, anh chưa chứng minh được ưu thế trong những bài test của HLV Miura.

Từ những điều nói trên, có thể thấy cuộc cạnh tranh cho vị trí “người gác đền” số một ở ĐT Việt Nam sẽ rất hấp dẫn và đáng xem, trong đó, nổi bật nhất có lẽ là cuộc đua giữa Thanh Bình và Nguyên Mạnh!

VÀI NÉT VỀ 4 ƯCV CHO VỊ TRÍ THỦ MÔN CỦA ĐTVNTô Vĩnh Lợi

Sinh năm: 1985

Cao: 1m80, nặng: 75kg

CLB: Thanh Hóa

Ra sân ở V-League 2014: 1.719 phút

Ưu điểm: Kinh nghiệm

Nhược điểm: Tâm lý chưa vững

Nguyễn Thanh Bình

Sinh năm: 1987

Cao: 1m78, nặng: 75kg

CLB: SHB.Đà Nẵng

Ra sân ở V-League 2014: 1.080 phút

Ưu điểm: Làm chủ vòng cấm, phát bóng tốt

Nhược điểm: Tâm lý chưa vững

Trần Nguyên Mạnh

Sinh năm: 1991

Cao: 1m77, nặng: 70kg

CLB: Sông Lam Nghệ An

Ra sân ở V-League 2014: 1.980 phút

Ưu điểm: Phán đoán, phản xạ tốt

Nhược điểm: Sự ổn định chưa cao

Trần Bửu Ngọc

Sinh năm: 1991

Cao: 1m89, nặng: 78kg

CLB: Cao su Đồng Tháp

Ra sân ở hạng Nhất 2014: 1.260 phút

Ưu điểm: Chống bóng bổng, phản công tốt

Nhược điểm: Hay mất tập trung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật