Chỉ một lần thấy mẹ trang điểm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mẹ vừa bước sang tuổi 54 được 1 ngày. Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ thấy mẹ có một hộp phấn trang điểm hay một thỏi son môi nguyên vẹn.
Chỉ một lần thấy mẹ trang điểm
Ảnh minh họa

Năm học lớp 3, tôi được chọn đi thi “Vẻ đẹp tuổi hoa” cho lớp. Các thí sinh được yêu cầu tự chuẩn bị trang phục và trang điểm. Mẹ tôi hốt hoảng khi trước buổi biểu diễn của con một ngày vẫn chưa mượn được đâu váy áo và đồ trang điểm cho tôi. Kết quả, buổi sáng hôm thi, tôi mặt mày buồn thiu đến chờ cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ. Tôi tấm tức khóc và nghĩ rằng mình kém cỏi và thua thiệt hơn với bạn bè đồng trang lứa chỉ vì mẹ. Tại sao mẹ các bạn khác biết làm đẹp cho mình và cho các con của họ, còn mẹ thì một hộp phấn cũng không?

Càng lớn, tôi càng thích đọc sách, viết lách, tìm hiểu các loại cây, hoa. Tính tự lập từ ngày nhỏ cũng khiến tôi thích tự học, tự làm mọi thứ. Tôi thi đỗ trường chuyên và học xa nhà, rồi vào đại học, đi làm, ngày càng xa gia đình.

Ngày đầu tiên, tôi thấy mẹ thoa son và đánh phấn là vào ngày ăn hỏi của anh trai tôi. Tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy mẹ ngồi trước gương, ngượng ngùng khi thấy con gái bắt gặp mẹ đang làm đẹp. Tôi cười và còn hét toáng lên để trêu mẹ: “Trời ơi, con có nhìn nhầm không?”.
Nhưng ngay sau khoảnh khắc ấy, tôi quay lưng đi, thấy sống mũi cay cay và tim thắt lại. Gọi là đồ trang điểm nhưng trước mặt mẹ chỉ là một thỏi son, hộp kem và một hộp phấn cũ, tất cả đều đã dùng dở. Đó là mỹ phẩm của bà Phúc, một người họ hàng nhà tôi đi nước ngoài về, tặng lại mẹ. Mẹ giữ những chiếc hộp rất cẩn thận, chỉ dùng một ít khi có sự kiện trọng đại. Tôi đã không nhận ra rằng đuôi mắt mẹ đã hằn vết chân chim và trên khuôn mặt đã nhiều hơn vết rám nắng, tóc mẹ rụng nhiều hơn và bạc nhiều hơn.

Mẹ làm công nhân, cho đến khi nghỉ hưu không nhớ hết số lần nhập viện vì gạch ngói rơi vào chân, cảm nắng, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm. 5 năm từ ngày nghỉ hưu đến giờ, mẹ đã làm thêm tổng cộng ở 12 công ty. Mẹ bảo làm cho vui nhưng thật ra mẹ muốn chúng tôi không phải lo tiền thuốc cho mẹ, đóng thêm bảo hiểm nhân thọ, mẹ cũng muốn tranh thủ xin thêm cơm nguội ở chỗ làm về để nuôi gà, vịt. Lúc cả nhà đông đủ, mẹ nói nửa đùa nửa thật, đến lúc mẹ chết chúng tôi cũng không phải lo hậu sự cho mẹ, lại được một khoản tiền của công ty bảo hiểm. Tôi cười, rồi thấy tim mình như bị ai bóp nghẹt.

Các con lớn lên, còn bước chân mẹ ngày càng chậm đi. Các con rạng rỡ bên bạn bè, những bữa tiệc vui vẻ, những tour du lịch dài ngày, mẹ và bố ở nhà tằn tiện bên mâm cơm rau, cá giản đơn. Có tối, bố tôi nhắn tin, mẹ đau lưng, đau chân, có khi cả đêm thức trắng.

Các con đếm niềm vui trong bảng lương nhận về mỗi tháng, mẹ đếm niềm vui trong những ngày ngắn ngủi có các con về đoàn tụ. Các con buồn, khóc lóc, vật vã hàng tuần trời khi bị tình yêu phản bội, mẹ khóc, đau đớn trên c‌ơ th‌ể vì bệnh tật đằng đẵng hàng chục năm trời và bên những nỗi tủi hận không đong đếm được suốt một đời làm dâu nơi xứ lạ.

Trong hạnh phúc mỗi ngày được ăn ngon, mặc đẹp, trang điểm xinh, hình như có phút tôi quên mất mẹ chưa từng mua một thỏi son mới, quên cả bố để dành bộ vest cả năm chỉ dám mặc 3 ngày Tết, quên cả mái nhà nhỏ xinh trong một con ngõ xanh rì tán cây và ríu rít tiếng chim hót mỗi sáng. “Sao mẹ không bao giờ trang điểm vậy mẹ”, “Vì các con là đồ trang sức đẹp nhất của mẹ rồi”, trong những giấc mơ tôi vẫn nghe rất vang rất rõ những âm thanh thân thuộc ấy. Con nhớ mẹ, mẹ ơi…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật