Đìu hiu “làng công nhân”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây, khi mà đời sống kinh tế suy thoái vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục khả quan, nhiều khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài phải tinh giảm biên chế số lượng nhân công...
Đìu hiu “làng công nhân”
Chỉ có lác đác các phòng có khách thuê do công nhân mất việc.

Trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây, khi mà đời sống kinh tế suy thoái vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục khả quan, nhiều khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài phải tinh giảm biên chế số lượng nhân công vì hàng sản xuất ra xuất cũng như tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những “làng công nhân” quanh những khu công nghiệp... Nhiều làng quê chuyên sống bằng nghề xây nhà trọ cho thuê có thu nhập giảm dần bởi công nhân nghỉ việc bỏ về quê hoặc đi kiếm việc làm mới ở nơi khác và những “làng công nhân” ấy trở nên đìu hiu thưa vắng...

Công nhân mất việc, làng quê đìu hiu

Tại khu vực bao quanh Khu công nghiệp Canon có các làng quê như: thôn Bầu, thôn Hậu Dưỡng, thôn Nhuế (xã Kim Chung); thôn Cổ Điển (xã Hải Bối); thôn Đại Độ, Võng La (xã Đại Mạch)... thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), khác với sự đông đúc nhộn nhịp của 4, 5 năm về trước thì giờ là một khung cảnh đìu hiu thưa vắng khi công nhân mất việc mỗi tháng, mỗi năm lại nhiều hơn. Chính tình trạng các phân xưởng, nhà máy trong khu công nghiệp giảm biên chế như vậy nên các chủ nhà trọ cũng... “buồn” lây khi mà các dãy phòng trọ cứ trống dần, trống dần người thuê mướn và thu nhập của họ bị giảm đáng kể. Bà Lê Thị Hoài (thôn Bầu - nơi mà từng có đến mấy chục nghìn công nhân thuê trọ thời điểm đông đúc nhất vào những năm 2008 - 2009) cho hay, nhà bà cũng như các gia đình hàng xóm xây nhà trọ cho thuê từ cách đây mấy năm luôn ở trong tình trạng “đói” người thuê bởi số phòng được “lấp kín” công nhân ở luôn chỉ ở mức 60-70%. Bà Hoài kể: “Ngay như nhà tôi đây có cả thảy 16 phòng thì năm kia lúc nào cũng trống 1 - 2 phòng, năm ngoái là 3 - 4 phòng, còn bước sang năm nay thì nhiều tháng trống tới cả gần chục phòng. Chẳng riêng nhà tôi, mà chủ nhà trọ nào cũng ở trong tình trạng tương tự...”. Vâng, quả là cách đây khoảng 5 năm, tôi cũng đã từng thăm thôn Bầu và thấy cảnh tượng công nhân sau giờ tan ca, hay những lúc họ đi chợ mua sắm đồ đông đúc tới chật kín cả đường thôn, ngõ xóm. Hiện tượng phòng trọ bị trống khi đó là không bao giờ có, mà còn luôn ở trong tình trạng bị “sốt” khi mà nhiều công nhân phải dạt sang các làng quê cách xa khu công nghiệp cả 3 - 4 cây số để thuê nhà vì thôn Bầu cũng như các thôn cận kề khu công nghiệp đâu có còn phòng trọ. Nay trở lại thì thấy đường làng thưa vắng người đi lại, hỏi một chủ tiệm bán tạp hóa ở ngay cầu chui số 2, thu‌ộc đị‌a phận Đội 6 về tình hình buôn bán khi mà công nhân ít dần thì chị thở dài: “Ế ẩm lắm, công nhân họ bỏ đi nhiều, số lượng chỉ còn ít thôi nên hàng hóa có bán được đâu. Ngày trước, tôi bán được cả mấy triệu tiền hàng một ngày thì giờ gom chỉ vài trăm ngàn cũng khó...”. Khi tôi hỏi tới tình trạng nhà trọ, chị cho biết: “Nhà nào chả trống phòng đầy ra. Nhà tôi xây 8 phòng thì giờ trống 4. Có nhà có chục phòng thì gần như trống hết. Các khu vực gần sát khu công nghiệp như Đội 7, Đội 6 thôn này hay mạn đầu thôn Hậu Dưỡng còn đỡ, chứ cứ xa dần cổng khu công nghiệp độ vài cây số là công nhân vắng lắm bởi họ ở gần cho tiện chứ không muốn thuê xa, vì hầu hết công nhân đều đi bộ...”.

Chúng tôi đến thăm thôn Nhuế cũng thuộc xã Kim Chung, địa điểm thuộc diện “xa xôi” khu công nghiệp rất nhiều so với thôn Bầu thì thấy bóng dáng công nhân rất ít. Một chị bán rau ở đầu một ngõ xóm cho chúng tôi hay là vài năm nay, ở làng này công nhân bỏ đi nhiều lắm, chỉ còn quá ít ỏi, những gian phòng trọ trống hoắc trống huơ, nhiều chủ nhà còn chuyển đổi phòng thuê trọ ngày trước sang để nuôi gà, nuôi lợn. Chị ta còn cho hay, mấy năm trước, cảnh công nhân tấp nập khi giờ tan tầm đến, khu chợ rau, chợ thịt cứ đen đỏ công nhân chen chân mua hàng, vậy mà giờ, chợ lèo tèo thưa vắng người mua...

Kích cầu vẫn khó hút khách

Công nhân mất việc bỏ đi, làng quê đìu hiu thưa vắng, các gian phòng trọ không có người ở thì hiển nhiên người “buồn” nhất chính là các gia chủ có phòng cho thuê. Với các gia đình đã kinh doanh dịch vụ nhà trọ từ khi khu công nghiệp hình thành còn đỡ, bởi dẫu sao họ cũng đã... ăn đủ, khi thu lợi được rất nhiều tiền từ công nhân, thế nhưng “đau” nhất là những hộ “chạy theo” dịch vụ nhà trọ mới được độ dăm năm, khi mà đồng vốn bỏ ra xây phòng trọ là không nhỏ, trong khi chưa thu đủ vốn liếng thì gặp lúc khốn khó, công nhân thưa vắng. Anh Lê Văn Tâm - chủ một dãy 15 phòng trọ ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối ngao ngán kể cho chúng tôi hay: “Thấy mấy nhà xung quanh xây nhà trọ trúng mánh, mỗi tháng thu nhập ổn định nên năm 2010 tôi bàn với vợ đi vay tiền vốn ngân hàng và phá khu vườn cây ăn quả sau nhà để xây hơn chục phòng cho công nhân thuê trọ. Số tiền mà tôi đầu tư để xây lên 15 phòng trọ cấp 4 thời điểm đó khoảng gần 200 triệu đồng. Vài năm đầu cho thuê với giá 500 nghìn đồng/phòng nhưng chỉ trống độ một, vài phòng mỗi tháng. Từ năm ngoái đến giờ công nhân đi hết nên có lúc chỉ có độ... 3- 4 phòng có khách thuê. Kiểu làm ăn này chán quá, nếu cứ tình trạng ế ẩm như thế có lẽ sang năm vợ chồng tôi sẽ cải tạo các gian phòng thành chuồng trại để nuôi... gà công nghiệp có khi lại trúng...”.

Nhiều sinh viên tới ở cũng không khiến các làng quê trở nên nhộn nhịp như xưa.

Chuyện chạy sau trào lưu thời cuộc cho thuê nhà của anh Tâm cũng là thực trạng chung của khá nhiều người nông dân ở các “làng công nhân” quanh khu công nghiệp Canon nói riêng và nhiều khu công nghiệp khác trên cả nước nói chung. Đồng vốn bỏ ra khi chưa thu đủ thì xót xa và buồn là lẽ đương nhiên. Ở thôn Bầu, thôn Hậu Dưỡng và cả thôn Nhuế, ngoài một số ít ỏi hộ dân chuyển đổi các gian phòng trọ sang phục vụ chăn nuôi thì đại đa số vẫn cố nán đợi chờ thời cuộc, bởi họ vẫn hi vọng một nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, các khu công nghiệp ăn nên làm ra sẽ chiêu mộ nhiều công nhân và họ cũng sẽ lại làm ăn được khi công nhân kéo về đông đúc... Đó là hi vọng ở thì tương lai, còn thực tại, họ vẫn đang phải chấp nhận sự đìu hiu, buồn bã...

Trong chuyến đi thực tế ở các làng công nhân quanh khu công nghiệp Canon, chúng tôi nhận thấy một chiêu kích cầu khá nhạy bén của các chủ nhà trọ nơi đây, đó là... giảm giá phòng một cách triệt để và nhanh chóng nhằm thu hút công nhân, sinh viên đến thuê phòng. Chị Nguyễn Thị Lan, ở đội 4, thôn Bầu bảo: “Mới năm ngoái, các phòng trọ nhà tôi cho thuê là 500 nghìn đồng/phòng, dịp này khách không có nên tôi giảm đồng loạt 100 nghìn đồng/phòng nên cũng đỡ hơn đôi chút khi công nhân họ cứ thấy chỗ nào rẻ hơn là họ chuyển đến thuê. Ngoài công nhân ra thì một bộ phận sinh viên bên nội thành thấy phòng bên này rẻ nên cũng chuyển về thuê, bởi ít nhiều cũng giảm được chi phí đáng kể...”.

Vâng, chiêu kích cầu giảm giá phòng để thu hút người thuê ít nhiều cũng có tác dụng trước mắt, bởi những hộ không chịu giảm giá phòng thì đương nhiên công nhân sẽ chuyển qua những hộ giảm giá. Tâm lý của người đi thuê là chỉ cần giảm từ 50 - 100 nghìn đồng/phòng/tháng cũng khoái, dẫu số tiền đó đem chia cho vài, ba người ở chung một phòng chẳng đáng là bao. Những hộ có phòng trọ cấp 4 xập xệ giảm giá đã đành, không ít hộ có phòng đẹp, khép kín trước kia giá thuê 600 - 700 nghìn đồng/phòng cũng phải theo trào lưu giảm giá, bởi nếu không giảm giá thì khách cũng bỏ đi và như vậy phòng bỏ trống thì bị thất thu.

Qua tham khảo từ một số chủ nhà trọ tại mấy “làng công nhân” quanh khu công nghiệp Canon, tôi được biết là khoảng vài năm trở lại đây, ngoài công nhân ra thì có không ít sinh viên học bên nội thành cũng chuyển về đây thuê phòng dẫu hàng ngày họ phải di chuyển đến hơn chục km mới tới trường học. Thế nhưng sinh viên vẫn muốn ở trọ xa bởi giá phòng trọ bên này so với nội thành là quá rẻ, chỉ từ 400 - 500 nghìn đồng/phòng/tháng, trong khi bên nội thành rẻ cũng 1 - 1,8 triệu đồng/tháng. Nếu giá phòng chỉ 400 - 500 nghìn đồng/tháng mà sinh viên ở 3 người một phòng thì chia ra là quá rẻ. Đó còn chưa kể chỉ giá tiêu dùng ở vùng ngoại thành này rẻ hơn nhiều so với nội thành. Sinh viên này ở trọ rẻ và họ lại rủ theo bạn bè sang thuê cùng và đương nhiên “làng công nhân” cũng đỡ trống vắng. Thế nhưng, theo các chủ trọ nơi đây thì việc kích cầu giảm giá phòng thu hút sinh viên chỉ là “chiêu” trước mắt, chứ về lâu dài họ vẫn hi vọng khu công nghiệp ăn nên làm ra để công nhân lại về và các làng quê lại đông đúc nhộn nhịp công nhân...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật