Những dáng hình theo chân người lính trên đường ra trận

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một tấm ảnh chân dung mẹ, tấm ảnh người chị gái hay chỉ là tấm thiệp của người con gái với dòng chữ như một lời hẹn ước “em sẽ đợi anh về” đã theo người lính đi khắp các chiến trường.
Những dáng hình theo chân người lính trên đường ra trận
Thượng tá Nguyễn Thị Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4.

549 liệt sỹ đã tìm được tên tuổi, quê quán bằng phương pháp xác minh tên tuổi liệt sỹ qua di vật nằm cùng hài cốt. Đó là thành quả của cả một quá trình nghiên cứu, lăn lộn đến từng điểm khai quật, đến từng nghĩa trang liệt sỹ của thượng tá Nguyễn Thị Tiến – Nguyên Phó GĐ Bảo tàng quân khu 4. Chị nói, tình đồng đội, lòng biết ơn và sự thấu hiểu, sẻ chia của người phụ nữ đối với những người mẹ, người vợ, người chị đã thôi thúc chị làm công việc này.

Với chị Tiến, nếu không nhanh tay lấy những di vật từ những hài cốt liệt sỹ mới được khai quật hay chuẩn bị làm lễ an táng tại các nghĩa trang thì những manh mối đó tiếp tục bị chôn xuống lòng đất. Và như thế, người lính đã hi sinh cả tuổi xuân, hi sinh cả niềm ước mơ, khát vọng của thời trai trẻ sẽ mãi mãi chôn vùi trong dòng chữ buốt nhói “liệt sỹ chưa biết tên”.

Báo chí viết về chị đã nhiều, viết cả về kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học mà chị đã tìm và đưa hơn 500 hài cốt liệt sỹ về với gia đình với tên họ đầy đủ nhưng tôi vẫn muốn gặp chị, chỉ để nghe những trăn trở của người lính về hành trình đi tìm đồng đội của mình. Chị đã lặn lội cùng các đoàn quy tập, nhẵn mặt ở các nghĩa trang liệt sỹ, nhặt và ghi chép, xâu chuỗi và kết nối để rồi vỡ òa nước mắt mỗi khi một liệt sỹ xác định được tên tuổi, đơn vị, quê quán.

Bức ảnh người phụ nữ sau tấm gương tìm thấy trong mộ liệt sỹ tên Hương sau này được xác định là bà Dương Thị Diệp. Qua đó đã xác định được tên tuổi, địa chỉ của liệt sỹ nằm trong mộ là Bùi Danh Hương, quê ở Hưng Yên.

Có những kỷ vật liệt sỹ đã in sâu trong tâm trí của chị, để rồi hàng chục năm trôi qua, chị vẫn kể vanh vách từng trường hợp. Tôi tạm gọi đó là những dáng hình người lính đã mang theo. Đó là dáng hình của mẹ, của chị, của người con gái mới chỉ dám dúi tấm thiệp nhỏ vào hành trang của người lính trước khi anh lên đường như một lời hẹn ước. Và đó là dáng hình của quê hương theo các anh ra trận, là niềm an ủi, động viên các anh trước mỗi trận đánh hay mỗi lần xung phong tiến lên phía trước, dưới làn bom đạn quân thù.

Thượng tá Nguyễn Thị Tiến kể, trong một lần thực hiện nhiệm vụ tại bản Thả Ni, huyện Hin Bun, tỉnh Khăm Muộn (Lào), đội quy tập mộ liệt sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tìm được một tấm gương nhỏ trong ngôi mộ của người liệt sỹ tên Hương. Ngoài cái tên ra, không có thêm bất kỳ một thông tin nào khác về người liệt sỹ này. Trong tấm gương hình tròn ấy là bức ảnh của một người phụ nữ trung niên.

Vùi trong đất đằng đẵng mấy chục năm trời, hình ảnh người phụ nữ đã không còn rõ nét nhưng chị linh cảm đây sẽ là manh mối giúp xác định được tên tuổi, quê quán của người liệt sỹ này. Với sự giúp đỡ của bè bạn, tấm ảnh được khôi phục, tuy không được rõ nét, và được đăng tải trên một số tờ báo. Đúng 10 tháng sau, chị nhận được điện thoại của một người cựu chiến binh. Ông đã xem tấm ảnh đăng trên một tờ báo và nhận ra người phụ nữ trong bức ảnh là ai.

Tấm ảnh người con gái này chính là chị Phạm Thị Tâm - chị gái liệt sỹ Phạm Văn Duyệt. Nhờ tìm ra nhân vật trong bức ảnh hài cốt của anh được đưa từ Lào về an táng tại quê hương.

Cũng từ đây, nhân thân liệt sỹ an táng cùng tấm ảnh này đã được làm sáng tỏ, đó là liệt sỹ Bùi Danh Hương, quê ở tỉnh Hưng Yên. Người phụ nữ trong bức ảnh là mẹ liệt sỹ Hương, bà Dương Thị Diệp - 94 tuổi, hiện đang sống tại thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ngày ra trận, anh Hương đã xin tấm ảnh chứng minh thư của mẹ Diệp rồi ép vào chiếc gương. Mỗi lần soi mình vào gương, anh đều thấy như có mẹ ở bên mình.

Một bức ảnh người con gái có nụ cười rất xinh cũng được tìm thấy trong ngôi mộ liệt sỹ Phạm Văn Duyệt tại chiến trường Xavanakhet - Lào. Phải chăng đây là hình ảnh người trong mộng của anh lính? Chữ “D” trên mảnh nhôm ghi tên liệt sỹ nằm trong mộ đã bị bào mòn đi rất nhiều khiến mọi người nhầm tưởng là chữ “Q”. Trong ngôi mộ, thật may mắn là vẫn có ghi địa chỉ của người liệt sỹ, quê anh ở huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Lần theo địa chỉ, chị mới hay ở Gia Lâm không có xã nào như thông tin tìm được cùng với hài cốt liệt sỹ. Lần hồi, với sự giúp đỡ của nhiều cụ cao niên, chị mới vỡ lẽ, đó là tên cũ của xã Lệ Chi 40 năm về trước. Chị lại đi tìm. Tình cờ, lúc hỏi đường, chị gặp một người phụ nữ bé nhỏ. Người phụ nữ ngẩng mặt lên, chị như bàng hoàng: nụ cười này giống nụ cười cô gái trong bức ảnh quá.

Một chiếc cối giã trầu và một chiếc lược bằng vỏ máy bay làm dang dở được phát hiện trong ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi tìm thấy ở nước bạn Lào.

Chị hỏi đường về nhà liệt sỹ Phạm Văn Duyệt (sau khi đã kiểm tra trên phòng chính sách xã hội huyện Gia Lâm), người phụ nữ bỗng ôm chầm lấy chị mà khóc. Duyệt là em trai út của người phụ nữ này, người em trai độc nhất của 4 người chị gái. Duyệt thích nghe kể chuyện ma nhưng lại nhát gan, cứ đòi nằm giữa các chị. Nhưng đất nước lâm nguy, gạt qua những nỗi sợ hãi trẻ con, Duyệt xung phong lên đường nhập ngũ. Ngày ra trận, Duyệt còn bé bỏng lắm, đã có người yêu đâu. Vậy là anh xin tấm ảnh người chị gái của mình, lồng vào trong túi “để nhỡ có ma thật, chị còn bảo vệ em”.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ đưa liệt sỹ Phạm Văn Duyệt về mai táng tại nghĩa trang liệt sỹ địa phương, tấm ảnh của chị Phạm Thị Tâm với nụ cười rất đẹp ấy đã được trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 4. Những người làm công tác trưng bày đã rất sáng tạo khi đặt bức ảnh vào trong một hệ thống gương cầu, người xem chỉ có thể nhìn bức ảnh qua ô cửa hình tròn. Nhìn qua ô cửa, tôi thấy nôn nao như thể mình đang nhìn thẳng vào lòng đất, nơi có người chiến sỹ yên nghỉ với bức ảnh người chị gái của mình.

Trong hàng nghìn, hàng triệu hiện vật tìm thấy trong những ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi, nhiều khi lẫn vào hình hài, đã bị thời gian bào mòn là một chiếc cặp tóc ba lá, một chiếc cối giã trầu, một chiếc khăn mùi soa hay chỉ là một tấm thiệp nhỏ. Hình bóng của những người phụ nữ vẫn luôn bên cạnh các anh, ngay cả khi đã ngã vào lòng đất mẹ. Thế nhưng chừng ấy là chưa đủ để kết nối, để xác định được tên tuổi, địa chỉ của người liệt sỹ.

Tấm thiệp với lời hẹn ước "em sẽ đợi anh về" được tìm thấy trong ngôi mộ tập thể 73 liệt sỹ ở Nôm Pha Nai (huyện Thu Lê Khôm, Bulikhamxay, Lào) nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra người con gái đã tặng nó cho người lính trước khi ra trận.

Trong phần mộ tập thể của 73 liệt sỹ được tìm thấy ở Nôm Pha Nai (huyện Thu Lê Khôm, Bulikhamxay, Lào), những người lính quy tập phát hiện một tấm thiệp vẫn còn khá rõ nét. Đó là tấm thiệp vẽ một cành đào, một đôi chim bồ câu vờn nhau trong gió, những chiếc đèn lồng và dòng chữ con gái tròn như hạt lúa: “Em sẽ đợi anh về - Xuân Mậu Thân 1968” cùng dòng chữ khắc hình con dấu chữ nhật “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Mỗi khi có dịp, thượng tá Nguyễn Thị Tiến lại cố gắng đưa hình ảnh tấm bưu thiếp lên truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người con gái đã tặng người lính tấm thiệp đó là ai vẫn chưa có lời giải đáp. “Chỉ cần tìm được người con gái tặng tấm bưu thiếp ấy sẽ tìm được tên của 1 trong 73 liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi kia. Từ đó sẽ xác định được đơn vị, thậm chí là tên tuổi, quê quán của tất cả 73 liệt sỹ. Và biết đâu, 73 người mẹ, người vợ đang mỏi mòn chờ đợi kia sẽ có thêm một niềm an ủi lúc xế chiều”, thượng tá Tiến đau đáu.

Tôi hiểu, chiến tranh vẫn chưa thể lùi xa với rất nhiều những người mẹ, người vợ của những liệt sỹ chưa trở về dẫu đất nước thống nhất đã mấy chục năm rồi! Ở đâu đó trên những làng quê Việt Nam, bóng mẹ, bóng chị vẫn in hằn trên vách tường chờ đợi một người đã ra đi vì nghĩa lớn. Và họ đã hóa đá trước nỗi đau chiến tranh, trước nỗi đợi chờ...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật