Nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những ngày rằm tháng 9 âm lịch vừa qua (từ 9 đến 12-10-2014), TP Cần Thơ bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn, triều cường, gây ngập nghẹt nhiều tuyến đường ở các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và làm sạt lở đê bao cồn Khương (quận Ninh Kiều), gây thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân... Giải pháp khắc phục hậu quả, hạn chế tác hại các đợt triều cường sắp tới là vấn đề quan trọng mà lãnh đạo thành phố quan tâm, yêu cầu các sở, ngành chức năng, các quận, huyện nỗ lực thực hiện các tháng cuối năm 2014.
Nhiều giải pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra
Ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Võ Văn Kiệt bị ngập sâu vào những ngày triều cường rằm tháng 9, lực lượng cảnh sát giao thông quận Ninh Kiều túc trực điều tiết giao thông tại địa đi

THIỆT HẠI DO THIÊN TAI

Theo Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ xảy ra 47 đợt lốc xoáy, làm sập 102 căn nhà, tốc mái 244 căn, đổ ngã 40 trụ điện, làm 7 người bị thương; xảy ra 2 đợt sét đánh làm chết 2 người ở quận Cái Răng và huyện Cờ Đỏ; xuất hiện 1 điểm sạt lở bờ sông ở phường Tân Phú, quận Cái Răng, làm 1 nhà dân sụp đổ hoàn toàn xuống sông... Ước tổng thiệt hại trên 5,5 tỉ đồng. Các tháng 7, 8 và 9 âm lịch (tháng 8, 9 và 10-2014) triều cường lên cao, kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về, làm ngập nghẹt nhiều tuyến đường tại các quận nội ô TP Cần Thơ. Đặt biệt, đợt triều cường đầu tháng 10-2014, mực nước vượt báo động III (1,9m) từ 0,09m đến 0,2m, gây thiệt hại tài sản, ảnh hưởng sinh hoạt và đi lại của người dân. Ngày 10-10-2014, mực nước trên sông Hậu lên cao ở mức 2,08m, làm vỡ đoạn đê bao Cồn Khương (khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) dài khoảng 7m, gây ngập khoảng 7 ha vườn cây ăn trái nhiều hộ dân tại địa phương. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN quận Ninh Kiều huy động lực lượng gồm: bộ đội, công an, xung kích, đoàn viên thanh niên... khắc phục sạt lở.

Ông Bùi Quang Minh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: "Tổn thất lớn nhất mùa mưa, bão, lũ năm nay là tình trạng lốc xoáy xuất hiện tăng cao và gây thiệt hại nặng nề hơn so với những năm trước. Theo báo cáo tổng hợp từ các quận, huyện, so với cùng kỳ năm 2013, hơn 9 tháng qua lốc xoáy xuất hiện tăng 8 đợt, sập nhà và tốc mái tăng 236 căn, thiệt hại tài sản tăng trên 4,1 tỉ đồng. Lãnh đạo các cấp, nhất là ở cơ sở cần tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, khuyến cáo người dân sửa chữa, chằng chống nhà cửa, nhất là đối với các địa phương còn nhiều nhà lá, nhà cấp 4 như: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... cần tăng cường hơn nữa công tác này, nhằm hạn chế thiệt hại khi mưa lớn, lốc xoáy xuất hiện".

Còn đối với các tuyến đường nội ô các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng thường xuyên bị ngập sâu khi xuất hiện triều cường, mưa lớn, Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, cho biết, do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, đê bao, đường sá, cầu giao thông... chưa đảm bảo an toàn khi bị thiên tai tác động. Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thời gian qua chưa lồng ghép yếu tố thiên tai để tăng cường sức chịu đựng, ứng phó của các công trình. Bên cạnh đó, các quận nội ô thành phố bị ngập sâu do hệ thống tiêu thoát nước đô thị chưa đáp ứng yêu cầu trước thực trạng phát triển đô thị, sự biến đổi khác thường của lượng mưa nên gây ngập tràn lan, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh... của người dân.

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Trước những thiệt hại do thiên tai, từ đầu năm đến nay, Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ hỗ trợ 595 triệu đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả. Huyện Cờ Đỏ cũng tăng cường vận động và nhận được trên 1,5 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài TP Cần Thơ đóng góp, khắc phục thiệt hại do lốc xoáy xảy ra vào cuối tháng 7-2014... Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ còn đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác PCLB-TKCN cho các sở, ngành, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, với tổng kinh phí trên 1,5 tỉ đồng, gồm: 10 máy phát điện, 24 máy cưa cầm tay, 1.000 bộ áo mưa phục vụ công tác PCLB-TKCN, 685 bộ áo phao, 1 vỏ ca nô, 1 động cơ thủy Yamaha, 1.085 phao cứu hộ... Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: "Từ nguồn quỹ phòng chống lụt bão dự phòng, thành phố phân bổ kịp thời, giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời, phân bổ thêm các phương tiện PCLB-TKCN để các địa phương ứng phó nhanh, kịp thời, hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra".

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, từ nay đến cuối năm 2014, TP Cần Thơ sẽ xuất hiện các đợt triều cường tương đối mạnh vào đầu và giữa tháng 11 và tháng 12-2014. Riêng con nước đầu và giữa tháng 11-2014, dự báo có khả năng lên cao ở mức xấp xỉ báo động III (1,90m), các sở ngành chức năng, Ban chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện cần lưu ý tiếp tục gia cố đê bao, thực hiện bơm tát, rút nước để đảm bảo xuống giống vụ lúa đông xuân 2014-2015; quan tâm chỉ đạo và khuyến cáo các bậc cha mẹ tăng cường quản lý con em, không để xảy ra tai nạn té sông chết đuối; kiểm tra và chấn chỉnh sai phạm các bến đò ngang, đò dọc... Mới đây, trong đợt kiểm tra công tác PCLB-TKCN, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, chỉ đạo: Trong các tháng cuối năm 2014, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, quan tâm thực hiện công tác PCLB-TKCN tại đơn vị, địa bàn quản lý. Nhất là quan tâm tình hình học tập, đến trường của học sinh vùng sâu, vùng bị ngập sâu, tổ chức đưa rước con em đến trường, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra; hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do thiên tai; kiểm tra và kịp thời khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng do lũ, triều cường; bố trí lịch xuống giống lúa đông xuân phù hợp, tránh thiệt hại do lũ lụt; tổ chức trực ban 24/24 giờ các đợt triều cường, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai, nhằm ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra...

Với những giải pháp phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hy vọng thành phố sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra trong các đợt triều cường cuối năm và mùa mưa, bão, lũ những năm tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật