Nhiều cây di sản đang bị... ‘bức tử’!?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở Việt Nam, 9 cây muỗm có niên đại gần 1.000 năm ở đền Voi Phục là những cây đầu tiên được VACNE công nhận là cây di sản. Nhưng sau một thời gian ngắn đã có 8 trong số 9 cây muỗm bị chết.
Nhiều cây di sản đang bị... ‘bức tử’!?
Ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng ban Quản lý đền Voi Phục chỉ vào gốc cây muỗm di sản đã chết mới được đốn hạ.

Trao đổi với PV về hiện tượng 8 cây muỗm di sản có niên đại gần 1.000 năm ở đền Voi Phục (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) liên tiếp chết, ông Phùng Quang Chính - ủy viên ban chấp hành hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng: “Ngoài lý do cây già và sâu bệnh thì có sự tác động của cộng đồng. Ngay việc chăm sóc, diệt sâu, mối không đúng cách cũng khiến cây bị “bức tử”...”.

Tìm đến ban Quản lý Di tích đền Voi Phục, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng ban cho biết, trước đây, 8 trong 9 cây muỗm phải nhờ tới sự can thiệp và chữa trị của các chuyên gia về cây trồng. Đầu năm 2013, khi phát hiện ra những dấu hiệu cây bị bệnh, ông có liên lạc với VACNE nhằm mục đích thông tin, yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia.

Sau lời kêu cứu, VACNE có cử người xuống tận nơi, lấy mẫu nấm về kiểm tra và xem xét. VACNE đã giới thiệu các chuyên gia từ viện Lâm nghiệp Việt Nam tới chữa trị cho cây bằng hình thức phun thuốc từ trên cao. Khoảng giữa năm 2013, cây muỗm bị bệnh có tiến triển tươi tốt nhưng đến tháng 11/2013, 3 cây muỗm bị rụng lá và chết khô dần. Đến nay, cả 8 cây được chăm sóc đều đã chết khô.

Cụ Hà Văn May là thủ từ giữ đền Voi Phục hơn 40 năm nay, mặc dù đã 94 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, cụ cho biết trong số 9 cây muỗm thì hai cây nằm ngoài khuôn viên của đền. Nhiều lần những hộ dân quanh đó đòi cưa cành để xây nhà, song chính quyền phường Thụy Khuê đều phản đối quyết liệt mới giữ được. “Dù vậy, chỉ trong thời gian ngắn 8 “cụ muỗm” lần lượt chết khô. Xót xa lắm...”, cụ May tâm sự.

Cùng trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phùng Quang Chính - ủy viên ban chấp hành VACNE khẳng định các cây muỗm ở đền Voi Phục có nguyên nhân chính là do sự tác động của cộng đồng và sâu bệnh. “Cây cũng như người, già cũng sẽ phải chết. Nếu như các cây muỗm được chăm sóc tốt thì cây sẽ sống lâu và ngược lại. Ở đền Voi Phục sau khi được ban Quản lý đền thông báo việc cây bị bệnh, chết chúng tôi đã xuống đền và mời chuyên gia chữa bệnh nhưng cây không khỏi. Có thể là khi các đơn vị thi công tu bổ lại đền đào móng làm đứt rễ cây hoặc dùng xe tải chở vật liệu đè lên rễ cũng khiến cây bị chết”, ông Chính nói.

Theo thống kê của VACNE, Việt Nam hiện có khoảng 700 cây di sản, các cây này có tuổi thọ trung bình từ 200 đến 300 năm và được vinh danh tại nhiều địa phương. Về ý kiến Nhà nước vinh danh cây di sản xong bỏ mặc đấy, ông Chính cho hay do VACNE không được cấp kinh phí. Ngoài ra, ông Chính cũng lý giải: Hiện nay không chỉ ở đền Voi Phục có cây di sản chết sau khi được bảo vệ, chăm sóc mà ở một số nơi khác như Thanh Hóa, Hoài Đức (Hà Nội) cũng đang xảy ra tình trạng tương tự”.

Ông Chính lấy dẫn chứng, cây Táu ở đền Thiên cổ miếu (xã Trưng Vương, TP.Việt Trì) có niên đại khoảng 300 năm sau khi được công nhận cây di sản đã có dấu hiệu héo, rụng lá. Nguyên nhân là do người dân chăm sóc cây quá tốt. Họ xây bồn bao quanh gốc cây, đổ đất phù sa, bón hàng tạ phân cho cây nhưng họ có biết làm như thế là đang ngăn cản quá trình quang hợp của cây hay không? Hay như cây Gạo có niên đại 350 năm ở Hoài Đức, các cụ ở đây đổ nước vo gạo, nước tinh khiết vào gốc cây cũng là nguyên nhân khiến cây ra lộc nhưng bị héo, cành khô, bên cạnh đó còn xuất hiện sâu đục thân...

Theo các nhà khoa học cần có những biện pháp chăm sóc cây di sản một cách đúng kỹ thuật để giúp cây khỏe mạnh, chống chịu được với các loại sâu bệnh và kéo dài tuổi thọ. Đơn giản như việc chăm sóc cây một cách vô tội vạ, phi khoa học cũng khiến cây di sản bị “chết oan”.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật