Nỗi khổ của những người đi kéo dài chân

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên cẳng chân Thùy Mai có một đường sẹo thâm nâu, dấu vết những vết đinh tì vào da khi kéo dài chân. Đến giờ, sau hai năm, cô vẫn không quên được hơn 200 ngày đau đớn ấy.
Nỗi khổ của những người đi kéo dài chân
Khát vọng chân dài khiến nhiều người cắn răng chịu đau. Ảnh: Corbis.
Thùy Mai vốn chỉ cao 1m49 nên dù đã tích cực đi giày 7 cm vẫn không thể tự tin. Đọc được thông tin bệnh viện 108 (Hà Nội) thực hiện phương pháp kéo dài chi, cô nung nấu suy nghĩ: "Chân mình cũng sẽ được kéo dài ra". Rồi cô đến viện làm các thủ tục cần thiết.

40 ngày dài thêm 1 cm

Ca phẫu thuật cắt rời xương chi diễn ra khá suôn sẻ, Thùy Mai nằm trên giường suốt 7 ngày. Tiếp đó, những chiếc đinh vít được xuyên qua xương cùng với ống giữ chân. Theo chỉ định của bác sĩ, mỗi ngày bốn lần, các con vít được vặn giãn ra 1 mm. Thùy Mai có cảm giác da thịt mình bị ai đó kéo căng từ hai đầu. Chỉ cần mất 10 ngày cho độ dài 1 cm, nhưng để xương, cơ, mạch máu và da "mọc" theo thì cần tới 35-40 ngày bất động. Đôi lúc nản chí, Thùy Mai đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi hai từ "chân dài" đã khiến cô quên đi cơn đau.

Khi cái ốc vít vặn giãn xương vượt quá ngưỡng 7 cm, cơ, gân, da, mạch máu của Mai bị kéo căng nên nhức buốt. Nhưng dường như người ta có thể quen được với tất cả, kể cả sự đau đớn. Các bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi Mai đề nghị được tiếp tục kéo dài chân thêm… 7 cm nữa. Tuy nhiên, đề nghị này bị từ chối vì quá mức giới hạn. Thương lượng mãi, cuối cùng các bác sĩ đành nhượng bộ để Mai kéo thêm 1 cm. Rồi cũng đến ngày mọi nỗ lực của Mai được đền đáp, cô được tháo nẹp sắt. Thùy Mai chỉ vào những nốt đinh vít để lại trên mảng da chân, nói rằng đó đúng là một kỳ tích.

Phương pháp kéo dài xương chân do giáo sư Ilizarôp người Nga sáng tạo và thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ 20. Nguyên lý của nó là cắt rời một chỗ trên đoạn xương chân cần kéo dài, xuyên các đinh chuyên dụng qua cả hai đoạn xương rời ra, rồi gắn vào một loại khung cố định đặc biệt ở bên ngoài chân. Quá trình hàn gắn vết gãy sẽ hình thành ra canxi, tủy xương và các tổ chức tế bào cần thiết khác để nối liền hai đầu xương lại với nhau. Đợi đến khi xương mới liền, người ta lại chỉnh vít trên khung bên ngoài, cho giãn ra khoảng 1 mm mỗi ngày để buộc các tổ chức xương tiếp tục lan ra để nối liền với nhau, cứ như vậy cho tới khi đạt chiều dài xương chân như dự tính. Nếu kéo dài 2 mm mỗi ngày thì xương không kịp phát triển, hoặc có phát triển nhưng sẽ gây vẹo, méo, còn nếu chỉ kéo 0,5 mm thì sẽ gây liền dính.

Trung bình để kéo dài xương chân thêm 5-7 cm, bệnh nhân phải mang khung cố định 10-12 tháng. Sau khi bỏ khung, họ lao động, sinh hoạt hoàn toàn bình thường, các phần xương chân được kéo dài thêm có độ cứng chắc như xương cũ.
 
Chân dài nhưng không dám khoe

Phương Chi  ở quận Đống Đa, Hà Nội, đã gặp nhiều bi hài trong cuộc sống từ khi cuộc kéo dài chân thành công.

Xin được bảo lưu kết quả tại Đại học Ngoại giao vào năm thứ ba, Phương Chi vào bệnh viện với quyết tâm kéo dài chân bởi cô nghĩ, với chiều cao 1m52, dù tốt nghiệp loại xuất sắc cũng khó xin việc. Thêm 7 cm nữa, cuộc đời sẽ khác, do đó cô vay tiền nhập viện. Không muốn để gia đình ở quê biết, Phương Chi nói dối là bị tai nạn gãy chân, phải đeo khối sắt quanh chân tận 10 tháng. Thuê người chăm sóc, tự loay hoay với những hướng dẫn kéo dài chân, Chi không muốn bất cứ ai biết "sự kiện" này.

Sau bốn năm sống với chiều cao 1m59, Phương Chi cho biết cô không cảm thấy thoải mái. Lúc nào Chi cũng sợ nguời khác sẽ biết được "gót chân Asin". Với cô, điều tệ hại nhất là không bao giờ có thể mặc váy. "Cái gì cũng có giá của nó chị à. Y học có thể giúp được con người ta thỏa khao khát chân dài, nhưng khi đạt được điều đó thì lại lo thêm hàng trăm thứ khác. Chỉ có những người trong cuộc như em mới thấm thía cái giá của sự làm đẹp", Phương Chi nói.

Với Ngọc Lan ở Bắc Giang, rắc rối bắt đầu khi cô có người yêu. Ngọc Lan không dám nói với chàng rằng mình từng đi kéo chân. Thế nhưng cô cũng không thể giải thích về những vết sẹo trên đôi chân. Cuộc sống của Lan trở nên căng thẳng, cô bị stress nặng. "Điều đáng buồn nhất là em không thể vượt qua được mặc cảm về bản thân. Em sợ bạn trai sẽ đùa cợt vì em đã đi kéo chân", Ngọc Lan tâm sự.

"Mày râu" cũng… kéo

Tiến sĩ Đỗ Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện 108, vừa lật tìm cuốn sổ vừa cho biết: "bệnh nhân không chỉ có nữ đâu, cả nam giới cũng không thiếu".

Phạm Việt H., 25 tuổi, Hà Nội, là một trường hợp như vây. Không hài lòng với chiều cao 1m57, anh đến viện đề nghị kéo dài chân thêm 7 cm. Khi đến gặp bác sĩ tư vấn, H. chia sẻ, vì trót yêu cô bạn gái cao 1m62, không chịu được cảm giác "thấp kém" hơn nên anh quyết tâm đi kéo dài chân. Sau khi đủ thời gian căng giãn, H. được tiêm tế bào gốc nên chỉ mất 9 tháng là được tháo khung.

Với anh Phan Kiến T., 26 tuổi, Hà Đông, lý do đến viện là bởi muốn ra nước ngoài công tác. Công việc anh sẽ làm ở Australia là thiết kế thời trang, do vậy phải "cao cao" một chút, trong khi anh chỉ được 1m59. Sau khi tháo khung, lẽ ra phải đến khám lại thì T. "lặn" một lèo chẳng thấy đâu. "Việc theo dõi sức khỏe của bệnh nhân sau khi tháo khung rất hạn chế, vì họ thường lặng lẽ biến mất, có khi còn đổi cả số điện thoại, T. chỉ là một ví dụ thôi", tiến sĩ Dũng nói.

Kéo dài được bao nhiêu?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình, người đầu tiên thực hiện các ca phẫu thuật kéo dài chân ở bệnh viện 108, cho hay, về nguyên lý thì xương kéo dài thoải mái, bao nhiêu cũng được.

Từ năm 1986, bệnh viện đã đưa kỹ thuật này cho thương bệnh binh bị mất xương, trẻ dị tật bẩm sinh như sai khớp háng, chân thấp chân cao. Kỷ lục thành công kéo dài chân cho người dị tật là 24 cm, "Đây là bệnh nhân nữ, làm thợ may ở Hà Nội, rất xinh nhưng một chân chỉ ngắn đến đầu gối của chân còn lại. Sau phẫu thuật, việc đi lại của cô hoàn toàn bình thường", ông Bình cho biết. Từ ca này, bệnh viện nghĩ đến việc hoàn thiện kỹ thuật để kéo dài cả hai chân cho những người tầm vóc thấp.

Theo ông Bình, xương kéo dài bao nhiêu còn tùy thuộc vào chỉ số của bệnh nhân. Ví dụ, một người chỉ cao có 1m40 nếu muốn kéo dài 15 cm thì về lý thuyết là có thể, nhưng vóc dáng sẽ mất cân đối, lưng và tay ngắn, chân quá dài, trông như đi cà kheo.

Công việc chăm sóc chân sau mổ cũng rất khó khăn, dễ gặp những biến chứng như nhiễm khuẩn chân đinh, quên không kéo sẽ gây liền lại, kéo nhanh quá làm cho xương không vững, va đập hoặc ngã làm gãy xương khi đang trong quá trình kéo giãn, biến dạng các khớp lân cận do kéo căng mà bệnh nhân không tập được.

Mỗi biến chứng đòi hỏi khắc phục khác nhau. Viêm chân đinh thì phải dùng kháng sinh. Trường hợp kéo nhanh quá thì phải làm thủ thuật chùn lại cho xương vững mới kéo tiếp. Nếu kéo chậm quá thì phải ghép bổ sung xương, bị gãy thì lại phải nẹp xương cho liền lại, khớp biến dạng quá thì phải nới gân. Những trường hợp chỉ kéo 5-7 cm thì không gặp khó khăn gì. Còn nếu kéo trên 7 cm thì gân cơ sẽ không phù hợp. Do đó, khi kéo chân, phải đảm bảo các chức năng khớp ngay từ đầu ở đúng vị trí.

Tiêu chuẩn cho một đôi chân đẹp

Tiêu chuẩn trước tiên là đùi không quá to (vòng đùi lý tưởng ở phụ nữ cao 165 cm là 49,5 cm, người cao 170 cm là 50 cm), chân phải thon thẳng. Khi đứng chạm hai bàn chân vào nhau phải có 5 điểm chạm giữa hai chân là đùi, đầu gối, bắp chân, mắt cá trong và ngón cái.

Tính theo chỉ số Skélie: Lấy chiều cao đứng (đứng thẳng đo từ mặt đất đến đỉnh đầu) trừ đi chiều cao ngồi (ngồi tựa lưng vào ghế đo từ đỉnh đầu đến mặt ghế). Chiều chiều dài đùi = chiều cao đứng - chiều cao ngồi. Nếu chỉ số này dưới 78 là chân rất ngắn; 78,1-82,7 là chân ngắn; 82,8-87,4 là chân dài, 87,5-92,1 là chân rất dài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật