Những bài học từ sự biến mất của Kim Jong-un

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay cả khi không thực hiện bất kỳ nước đi nào, Bình Nhưỡng vẫn khiến thế giới chú ý với sự biến mất trong hơn 40 ngày của ông Kim Jong-un. Kinh nghiệm về truyền bá có lẽ là bài học quý giá nhất được rút ra từ sự việc này ở Triều Tiên.
Những bài học từ sự biến mất của Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un trong lần xuất hiện mới nhất trước truyền thông. Ảnh: Rodong Sinmun

Ngay cả khi Kim Jong-un không hiện diện, hình ảnh của ông vẫn ngập tràn mọi ngõ ngách. Tin liên quan đến sự biến mất trong hơn 40 ngày của nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện dày đặc trên hầu như tất cả các phương tiện truyền thông thế giới. Nhiều suy đoán, thắc mắc cũng từ đó mà nảy sinh.

Bí ẩn dường như được khép lại ngày hôm nay khi hình ảnh ông Kim với nụ cười tươi và tay chống gậy xuất hiện trên bản tin của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên. Trong lúc tham quan khu nhà mới xây dành cho các cán bộ khoa học Wisong và một viện mới mở ở Bình Nhưỡng, Kim "đi những bước cần thiết với sự ân cần", AP dẫnthông tin từ một công văn của KCNA cho biết. Tuy nhiên, Triều Tiên không nêu rõ thời gian cụ thể của chuyến thăm cũng như bỏ qua vấn đề sức khỏe của nhà lãnh đạo.

Việc có thể thu hút sự chú ý của dư luận trong khi không cần thực hiện bất cứ hành động nào cho thấy nhiều điều về khả năng bậc thầy của bộ máy tuyên truyền Bình Nhưỡng. Cơ quan này đã đặt hình ảnh Kim Jong-un vào trung tâm của mọi câu chuyện. 40 ngày Kim vắng mặt là 40 ngày mà truyền thông thế giới, cả truyền thống và hiện đại, quay cuồng trong những nghi vấn và đồn đoán.

Triều Tiên kiểm soát và định hướng hoàn toàn truyền thông nhà nước. Ông Kim thường được nhìn nhận như suối nguồn trong trẻo của tất cả những điều tốt đẹp và mạnh mẽ. Kênh truyền hình trung ương thường xuyên phát sóng các đoạn băng lưu trữ về ông, và khi không phát gì, nó trở thành điều đặc biệt.

"Ở Triều Tiên, người dân cảm nhận được sự có mặt của Kim ngay cả khi ông ấy không xuất hiện", Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại, viết trên trang cá nhân. "Bên ngoài đất nước, cơ quan tuyên truyền Triều Tiên khiến sự hiện diện của Kim quan trọng đến nỗi truyền thông quốc tế phải cảm thấy đáng lo ngại trước sự vắng mặt của ông, thậm chí cả khi không có dấu hiệu về sự bất ổn nào từ Bình Nhưỡng".

Sự việc lần này cũng cho thấy khó khăn mà những thành phần bên ngoài Bình Nhưỡng, như các học giả, nhà nghiên cứu, quan chức chính phủ, phóng viên..., phải đối mặt để có thể nắm bắt điều gì đang xảy ra bên trong Triều Tiên.

Ông Kim xuất hiện với cây gậy chống. Ảnh: Rodong Sinmun

Không có gì sai trái khi thế giới bị ám ảnh với việc ông Kim vắng mặt thời gian dài và không tham gia các hoạt động thường lệ, như thị sát nhà máy hay kiểm tra các đơn vị quân sự. Lý do là bởi từ năm 1948, khi chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội Kim Jong-un, thành lập đất nước đến nay, gia tộc họ Kim đã rất thành công trong việc truyền bá những khái niệm cũng như sự bí ẩn về Triều Tiên.

Kim xuất hiện lần cuối trên phương tiện truyền thông nhà nước vào ngày 3/9, tại một buổi hòa nhạc. Trong quãng thời gian vắng mặt, Kim bỏ lỡ nhiều sự kiện trọng đại mà theo lẽ thường chắc chắn ông sẽ tham gia, ví dụ như lễ kỉ niệm 69 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hôm 10/10.

Tháng trước, một bộ phim tài liệu được công bố cho thấy dấu hiệu duy nhất về tình trạng "khó ở" của Kim. Ông có vẻ tăng cân và bước đi khập khiễng.

Các nhà phân tích tin rằng Kim có thể gặp vấn đề về sức khỏe nhưng không quá trầm trọng. Trong khi đó, nhiều người khác luôn phân vân về lý do tại sao ông né tránh "ánh đèn sân khấu".

"Kim Jong-un đã chết ư?", Choi Yoon-hee, nghị sĩ Hàn Quốc, đặt câu hỏi tại một phiên điều trần của Quốc hội. Ngay sau đó, ông dập tắt mối nghi vấn này và khẳng định nó không đúng, vấn đề sức khỏe của Kim "không nghiêm trọng đến mức có thể làm sụp đổ cương vị người lãnh đạo đất nước của ông", AP dẫn lời ông Choi nói.

Có nhiều lý do để tin tưởng vào nhận định này trước cả khi ông Kim Jong-un tái xuất. Tại Bình Nhưỡng, không hề  xuất hiện một cuộc điều động quân sự hay dấu hiệu đảo chính nào.

Ba thành viên cấp cao của chính phủ, với nhiều quyền lực, chỉ đứng sau ông Kim, có chuyến thăm bất ngờ tới Hàn Quốc. Một số chuyên gia nhận định, động thái này không thể xảy ra nếu thiếu sự cho phép của nhà lãnh đạo trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, khách du lịch nước ngoài và nhân viên cứu trợ vẫn di chuyển tới Triều Tiên. Các nhà ngoại giao cũng không nhận được bất kỳ chỉ thị hạn chế hay cảnh báo nào.

Ngoài ra, việc các lãnh đạo Triều Tiên không xuất hiện trong thời gian dài chẳng phải là điều quá bất thường. Ông Kim Jong-il, người cha quá cố của Kim, trong những năm cuối đời cũng nhiều lần biến mất. Bản thân Kim Jong-un, người dường như luôn là trung tâm của sự vật, vào năm 2012 cũng không hiện diện trong ba tuần. Ông trở lại các mặt báo và bản tin sau đó khi đang thăm một bể nuôi cá heo.

Nhưng sự biến mất của người đàn ông bí ẩn và quyền lực, ngồi trên một kho vũ khí hạt nhân, đã được chứng minh luôn đem tới sự hấp dẫn vô tận cho dư luận. Bất chấp nhiều phân tích xác đáng từ các chuyên gia và người thường xuyên tới Bình Nhưỡng, có lẽ những đồn đoán từ các nguồn không chính thống vẫn có sức lan truyền rộng rãi.

Ông Kim lần lượt được đưa tin mắc các căn bệnh từ gout, tiểu đường tới xuất huyết não hay bệnh tim, từ một chấn thương ở chân cần được phẫu thuật bởi bác sĩ người Pháp tới bệnh tâm thần hoặc thậm chí là cả chứng nghiện pho mát. Theo Adam Cathcart, giảng viên lịch sử tại Đại học Leeds, có rất nhiều lời đồn kiểu này trôi nổi và "hầu hết chúng đều sai".

Một phần lý do thế giới quá quan tâm tới sự vắng mặt của Kim có lẽ bắt nguồn từ những lo lắng về việc điều gì sẽ xảy ra với Triều Tiên nếu nhà lãnh đạo lâm bệnh mà qua đời khi không có người nối dõi.

Sự biến mất của Kim "dường như không gây ảnh hưởng nhiều tới nhà nước nhưng nó hé lộ những điểm yếu mà chế độ của ông phải đối mặt", Snyder nhận xét.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật