Hàng trăm HS không tới lớp, Bí thư Hà Tĩnh đối thoại phụ huynh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến chiều 12.10, toàn xã Hương Bình vẫn còn 575/717 học sinh các bậc mầm non và THCS chưa đến lớp...
Hàng trăm HS không tới lớp, Bí thư Hà Tĩnh đối thoại phụ huynh
Người dân dựng rạp trước trường THCS Hương Bình
Ngày 12.10, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và đại diện chính quyền địa phương đã có cuộc đối thoại với phụ huynh học sinh xã Hương Bình (huyện Hương Khê) về chủ trương sát nhập trường THCS Hương Bình vào trường THCS Hòa Hải và trường THCS Phúc Đồng (đều đóng trên địa bàn huyện Hương Khê) bị người dân phản đối và không cho con em tới lớp nhiều tháng nay.
Phụ huynh không cho con em tới lớp
Sự việc xảy ra từ tháng 8.2014 đến nay; vì không đồng tình với việc sát nhập trên, rất nhiều phụ huynh ở xã Hương Bình đã dựng rạp tụ tập trước cổng trường và nhất quyết không cho con em đến trường nhằm gây sức ép lên chính quyền địa phương.
Để cho các cơ quan chức năng để ý hơn tới nguyện vọng của mình, phụ huynh có con em đang theo học tại trường mầm non và tiểu học của xã Hương Bình cũng không cho học sinh tới lớp.

Hàng trăm người dân tham gia cuộc đối thoại. Ảnh: Văn Quý.

Tính đến chiều 12.10, toàn xã Hương Bình vẫn còn 575/717 học sinh các bậc mầm non và THCS chưa đến lớp học. Cụ thể, trường mầm non Hương Bình mới chỉ có 30/215 em đến lớp, trường tiểu học Hương Bình có 29/255 em, trường THCS Hương Bình sát nhập sang cơ sở mới cũng chỉ có 30/247 em đến trường. Một số em được bố mẹ chuyển đi nơi khác học.

Tại buổi đối thoại, nhiều phụ huynh cho biết họ không đồng tình với chủ trương sát nhập trường vì con em xã Hương Bình sẽ phải đi xa hơn so với trường cũ trên 5 km, đường sá đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Thứ hai, hai xã Hòa Hải và Phúc Đồng vốn là vùng “rốn lũ” của huyện Hương Khê nên không an toàn vào mùa mưa lũ, dễ xảy ra đuối nước.

Ông Trần Văn Phúc (người dân thôn Bình Hà) cho rằng việc sát nhập trường người dân không được tham gia ý kiến. Ảnh: Văn Quý.

Các phụ huynh cũng cho rằng trường THCS Hương Bình có bề dày truyền thống, cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học, điểm trường thuận lợi, không bị ngập lũ.

Ông Nguyễn Văn Cung (người dân thôn Bình Thành) cho rằng, trường THCS Hương Bình là ngôi trường có bề dày truyền thống, lại là trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay, cơ sở vật chất còn rất tốt thì bị sát nhập một cách vô lý.

Còn ông Dương Danh Phong (thôn Bình Trung, xã Hương Bình) bức xúc nói: “Sát nhập trường là một chủ trương lớn thế nhưng chính quyền huyện, xã lại không cho dân tham bàn bạc, đóng góp ý kiến. Hơn nữa, nếu học trường THCS Hòa Hải, một em học sinh lớp 6, lớp 7 phải đạp xe tới 12 km (cả đi và về là 24 km) nên sẽ ảnh hưởng tới việc học”.

Có chính sách ưu đãi cho học sinh Hương Bình

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc sát nhập trường là đúng với chủ trương của Đảng, nhà nước và của tỉnh; có ý nghĩa kết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong điều kiện của xã Hương Bình hiện nay.

Ông Bình cho hay, tỉnh đang triển khai thi công đường vượt lũ từ Hương Bình đến Hòa Hải để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách và học sinh không phải đi ngang qua đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trung ương và địa phương đã có các chính sách ưu đãi đối với các em học sinh Hương Bình như miễn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện nhà ở nội trú, hỗ trợ gạo, xe đạp…

Bà Trần Thị Xuân (thôn Bình Minh) mong muốn con cháu được học tại trường THCS Hương Bình. Ảnh: Văn Quý.

Theo ý kiến của nhiều người dân, việc sát nhập trường THCS Hương Bình là một quyết định vội vàng. Họ cũng nghi ngờ việc sát nhập trường có uẩn khúc đằng sau. Đồng thời, cơ sở ngôi trường này đã được bán cho một doanh nghiệp, giờ không thể lấy lại được.

Trước việc này, ông Hà Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Hương Khê giải thích, việc sát nhập trường là theo chủ trường của tỉnh, không có uẩn khúc gì phía sau cả. Còn cơ sở của trường sẽ do xã quản lý chứ không phải bán đi như thông tin mà người dân phản ánh.

Theo ông Hùng, mong muốn giữ lại trường THCS Hương Bình của người dân là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, vì quy mô của trường quá nhỏ (8 lớp với 247 học sinh, theo quy định là 16 lớp) để đảm bảo việc dạy và học nên phải sát nhập.

“Đối với việc học sinh đi học xa vất vả, sẽ có trường nội trú cho những học sinh này. Ngoài ra sẽ hỗ trợ gạo, phương tiện đi lại cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về mùa lụt thì cả huyện Hương Khê bị ảnh hưởng chứ không riêng gì xã Hòa Hải và Phúc Đồng; khi ấy, học sinh sẽ được nghỉ học để đảm bảo an toàn”, ông Hùng nói.

Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ còn 144 trường THCS/262 xã phường, thị, trấn (giảm 43 trường so với trước khi thực hiện đề án).
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật