Con dấu doanh nghiệp: “Nếu bỏ thì phải chỉ ra được nó gây cản trở điều gì”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Nếu con dấu doanh nghiệp giúp các bên tin tưởng hợp tác làm ăn với nhau thì không nhất thiết phải bỏ. Còn nếu bỏ thì phải chỉ ra được con dấu gây cản trở điều gì”.
Con dấu doanh nghiệp: “Nếu bỏ thì phải chỉ ra được nó gây cản trở điều gì”
TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu quan điểm như vậy khi trả lời câu hỏi của BizLIVE rằng nên hay không nên bỏ con dấu doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Du Lịch, bên cạnh vấn đề niềm tin, thói quen và tâm lý có con dấu như là một “dấu thông hành” để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục mang tính pháp lý trong hoạt động hợp tác, ký kết, sản xuất kinh doanh.

“Khi đã là thói quen thì không thể nói bỏ là bỏ ngay được. Nhưng tôi cho rằng yếu tố niềm tin của con dấu là rất quan trọng. Nếu con dấu doanh nghiệp giúp các bên tin tưởng hợp tác làm ăn với nhau thì không nhất thiết phải bỏ. Còn nếu bỏ thì phải chỉ ra được nó gây cản trở điều gì”, TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với BizLIVE, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại có cái nhìn khác. Theo ông Châu, nếu bỏ con dấu thì mọi thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn nhiều.

“Tôi lấy ví dụ, chữ ký của ông Tổng Giám đốc của doanh nghiệp nào đó có tính pháp lý cao nhất. Ông đang cần phải ký một hợp đồng quan trọng trong chuyến công tác đột xuất mà quên mang theo con dấu. Như vậy nếu bỏ con dấu thì chỉ cần chữ ký của ông Tổng Giám đốc này là đủ rồi. Không nhất thiết đi đâu cũng mang con dấu theo”, ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng cho nhận định của mình.

Cũng theo ông Châu, hiện tại chữ ký điện tử đã có giá trị pháp lý thì việc bỏ con dấu doanh nghiệp cũng là bước đi phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.

“Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý để bỏ con dấu thì cũng cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai là có thể bỏ được”, ông Lê Hoàng Châu giải thích thêm quan điểm của mình.

Trao đổi với BizLIVE, ông Lê Hoàng Châu đưa đề xuất có thể để doanh nghiệp tự do đăng ký con dấu của mình. Qua đó, doanh nghiệp nào thấy cần thì đăng ký con dấu, còn luật định sẽ không bắt buộc.

“Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn. Nếu họ thấy có con dấu là cần thiết thì họ dùng nó như là một thủ tục trong các hoạt động kinh doanh. Quy định như vậy tạo ra hướng mở, linh hoạt không cứng nhắc”, ông Lê Hoàng Châu lý giải.

Chia sẻ với BizLIVE, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ đều cho rằng, nếu nhà nước không quy định có con dấu trong các thủ tục của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cố níu giữ con dấu để làm gì.

Tuy nhiên, chủ một số doanh nghiệp thường xuyên có các hợp đồng lớn cho rằng, nếu ký một hợp đồng giá trị mà không có con dấu thì cảm giác vẫn “chưa thông”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật