Thế giới 2008: Năm của biến động và khủng hoảng

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2008 qua đi trong không khí nặng nề của những biến động tồi tệ về kinh tế, khủng hoảng về B.L. Hậu quả của nó như một căn bệnh dịch hạch đang lan rộng khắp toàn cầu, tiếp tục tác động xấu và lâu dài tới nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của hàng loạt quốc gia trên thế giới….
Thế giới 2008: Năm của biến động và khủng hoảng
chiến tranh luôn đi cùng đói nghèo, bệnh tật...
Cơn địa chấn Phố Wall

Bước vào những tháng đầu năm 2008, kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu chững lại, thế nhưng người ta vẫn khá lạc quan về sự vững chãi của một nền kinh tế siêu cường. Không có một cảnh báo nào được đưa ra vào thời điểm này, còn cảnh báo trước đó của chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thì không đủ sức để các cơ quan tài chính Hoa Kỳ có biện pháp phòng vệ cần thiết.

Tháng 2, lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua một vài biện pháp kinh tế, tuy nhiên những biện pháp này nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế đang chậm lại, hơn là các biện pháp tài chính thực sự, đủ để đối phó với ẩn hoạ cơn bão tài chính sau này.

Thực ra không phải đến những tháng đầu năm 2008, nền kinh tế Mỹ mới đứng trước bờ vực của sự nguy hiểm. Năm 2001 dư nợ các khoản vay dành cho thị trường nhà đất tại Mỹ là 160 tỉ USD, năm 2004 là 540 tỉ USD và chỉ 3 năm sau, năm 2007, nó đã lên đến 1.300 tỉ USD. Con số các khoản dư nợ cho vay đó đã cho thấy sự bùng nổ đầy bấp bênh của thị trường bất động sản Mỹ. Quả bong bóng bất động sản ngày càng phình to hơn, kéo theo hàng loạt các thương vụ cho vay dưới chuẩn, bất chấp quy tắc. Trong men say của sự bùng nổ nóng, người ta có lẽ không để ý nhiều đến sự kiện tháng 8/2007, tập đoàn tài chính chuyên cho vay thế chấp địa ốc của Mỹ - Country Financial bị phá sản do nợ xấu (Ngân hàng này sau đó được Bank of America mua lại với giá 4 tỷ USD vào tháng 1/2008).
 

Phố Wall tan tác...


Sự tắc trách, kiêu ngạo đó đã phải trả giá!

Nhiều ngân hàng tiếp tục không quan tâm tới khả năng chi trả của khách hàng. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của cơn khủng hoảng tài chính tại Mỹ và tiếp đó là nhiều quốc gia khác sau này.

Cho đến cuối quý III năm 2008, theo ước tính, có đến một nửa giá trị thị trường nhà đất tại Mỹ là tiền đi vay, trong đó có tới 1/3 là nợ xấu. Thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng. Để cải thiện tình hình, các ngân hàng đã mua lại những hợp đồng thế chấp, biến đó thành tài sản để phát hành trái phiếu ra thị trường. Giải pháp này lúc đó đã được xem như một cứu cánh, thậm chí nhiều công ty bảo hiểm như AIG còn sẵn sàng ký tên bảo lãnh. Tuy nhiên, trái với mong muốn ban đầu, giảm rủi ro cho những khoản vay đầu tư vào bất động sản, phương án trên đã tạo ra sự sụp đổ dây chuyền, rủi ro bị đẩy lên cao hơn. Cuộc khủng hoảng bất động sản nhanh chóng lan sang thị trường tín dụng, và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Đến những ngày đầu tháng 9/2008 thì cơn địa chấn tài chính đã thực sự tàn phá nền kinh tế Mỹ. Ngày 7/9, Chính phủ Mỹ phải chi tới 200 tỉ USD để tiếp quản ngân hàng Freddie Mac và Fannie Mae, tránh cho  hai "đại gia" chuyên cho vay cầm cố khỏi nguy cơ phá sản. Một tuần sau (ngày 15/9), tiếp đến Lehman Brothers, ngân hàng Đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ  phải tuyên bố phá sản sau gần 160 năm tồn tại. Ngày 16/9, Chính phủ Mỹ cấp tốc bơm tới 85 tỉ USD vào AIG, tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới, nhằm trấn an và tránh cho thị trường tài chính có một kết cục tồi tệ. Tuy vậy, cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt, 10 ngày tiếp theo, gã khổng lồ Washington Mutual đã ghi danh mình vào lịch sử với vụ phá sản ngân hàng có tổng giá trị tài sản thiệt hại lên tới 307 tỷ đôla.

Ben Bernanke, Chủ tịch FED đã có một năm đầy vất vả.
 
Cuối tháng 9, gần 30 ngàn doanh nghiệp Mỹ phá sản. Nhật Bản, EU rồi Nga công nhận suy thoái kinh tế. Tại Iceland, thị trường bất động sản tê liệt, các ngân hàng phá sản hàng loạt. Tại Hàn Quốc đồng won mất giá tới hơn 40%. Tại Hungary, Ukraine tình trạng cũng tương tự…Các ngân hàng Trung ương của Mỹ, Nhật, EU, Anh đồng loạt cắt giảm lãi suất nhằm khơi thông dòng vốn. Nhiều quốc gia hối hả bơm tiền để đảm bảm tính thanh khoản cho hoạt động tài chính. Đầu tháng 10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tung khoản tiền khổng lồ 700 tỷ USD mua lại nợ xấu của các ngân hàng. Cũng trong tháng này, các quốc gia Châu Âu tiếp sức nhiều ngân hàng bằng gói giải pháp hỗ trợ kinh tế lên tới 2.300 tỷ USD…

Trong khi cơn bão tài chính chưa kịp lắng dịu thì đến những tháng cuối năm, vụ lừa đảo mang tên Benard Madoff  như một cú bồi khiến nền tài chính Mỹ và EU chao đảo. Với chiêu thức khá đơn giản, dùng tiền gốc từ nhà đầu tư sau trả lãi cho nhà đầu tư trước, "bố già" Madoff đã thực hiện hàng loạt phi vụ lừa, với tổng số tiền lên đến 50 tỉ USD. Hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản trên toàn thế giới đã tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước tăng cao, người dân đã phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu.

Quý III và IV trở thành những tháng ngày đen tối nhất của nền kinh tế Mỹ và Thế giới. Giá dầu lửa trồi sụt thất thường, giá lương thực, thực phẩm leo thang từng ngày. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới không ngại ngần so sánh tình hình kinh tế hiện tại với cuộc đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước…
 
B.L và những đổ vỡ về chính trị

Tháng 2/2008, Kosovo tuyên bố độc lập, động thái này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ và châu Âu. Ngay lập tức Nga đã lên tiếng chỉ trích, cho đó là hành làm châu Âu bất ổn, kích động trào lưu ly khai ở khu vực và lục địa này. Mối quan hệ giữa Nga - Mỹ, đằng sau đó là Nato và EU trở nên căng thẳng.

Nối gót Kosovo, chiến sự đã xảy ra tại Nam Ossetia. Đêm 7/8, quân đội Gruzia đã tấn công vào nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia, khu vực đã ly khai từ những năm 90. Những người dân ở Nam Ossetia phần lớn mang quốc tịch Nga, do đó quân Nga đã phản kích tức thì, đánh bật quân đội Gruzia ra khỏi thành phố Tskhinvali và tiến vào nội địa Gruzia. Cuộc chiến kết thúc sau 5 ngày với thoả thuận ngừng bắn do Pháp làm trung gian.

Chỉ 5 ngày, nhưng cuộc chiến đã đẩy những bất bất đồng giữa Nga với Mỹ và Nato lên một nấc cao hơn. Hành động trả đũa quân sự của Nga được đánh giá như đòn đánh chặn, ngăn cản ý đồ của Mỹ và Nato muốn vươn bàn tay sang phía Đông, điều mà Moscow coi là mối nguy hại cho an ninh của họ. Sau cuộc chiến này, Nga đã ráo riết nối lại các hoạt động tuần tra bằng máy bay chiến lược trên không, phái các hạm đội tới Đại Tây Dương và vùng Caribe, thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, lập kế hoạch đối phó với kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ.
 

Cuộc chiến Nga-Gruzia xung quanh vấn đề Nam Ossetia


Về phía Mỹ, ngay khi cuộc chiến nổ ra, gã "sen đầm" quốc tế tức thì ra nhiều tuyên bố phản đối hành động quân sự tấn công vào Gruzia. Tuy một mặt tuyên bố loại trừ khả năng đưa quân đội đến vùng ngoại Kavkaz này, nhưng một mặt Mỹ đã phái lần lượt 3 chiến hạm tới Gruzia, trong vai trò chuyển hàng…cứu trợ. Cùng với Mỹ, tàu của Nato cũng xuất hiện ở Biển Đen.

quan hệ của Nga - Mỹ đã xuất hiện những khoảng trống không thể hàn gắn, tuy không đến mức như thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng đó là mối quan hệ đã rất giá lạnh. Với thế giới phương Tây, sự kiện Gruzia quả là một bài toán khó tìm lời giải. Một mặt không thể kêu gọi Gruzia nhượng bộ, mặt khác cũng không thể quá "sỗ sàng" với Nga bởi cho đến nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp năng lượng cho nhiều nước ở châu Âu. Sự dè dặt này xảy ra ngay cả với Mỹ. Tuy là đồng minh thân cận của Gruzia, nhưng các ông chủ Nhà trắng cũng không dám quá lộ liễu trong việc bảo vệ bảo vệ nước này, đối đầu với Nga. Dễ hiểu thôi bởi "chú Sam" cũng không dại gì mà chơi canh bạc mạo hiểm, trong khi vấn đề Iran vẫn còn đó.

Nước Nga đã có một vị thế khác, sau bao năm "âm thầm" chịu đựng, họ đang vươn mình đứng dậy, chứng tỏ sức mạnh của một cường quốc, một người "cầm trịch" an ninh khu vực. Người Nga không muốn ai áp đặt luật chơi cho mình.

Trong khi cuộc chiến ở Gruzia còn chưa hết mùi thuốc súng thì ngày 14/8, sau 18 tháng, bất ngờ Ba Lan chấp nhận thoả thuận triển khai một phần của kế hoạch lá chắn tên lửa Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan. Thoả thuận này khiến sự mẫu thuẫn giữa Nga với Mỹ và một số nước đồng minh của Liên Xô trở dần đi đến đỉnh điểm.

Tất nhiên người Nga cũng rất biết mình phải làm gì. Trong khi Mỹ và Nato liên tục khẳng định vai trò ở những quốc gia láng giềng gần Nga, thì phía Nga cũng nhanh chóng có những cuộc "trao đổi" với nguyên thủ một số nước thuộc Mỹ La tinh, nơi được coi là "cửa sau" của Mỹ. Đầu tháng 9/2008, phía Nga tuyên bố trong tháng 11, Nga và Venezuela sẽ tập trận chung trên vùng biển Caribe. Trung tuần tháng 9, Nga cử hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 sang Venezuela, tiến hành cuộc tuần tra dọc bờ biển Nam Mỹ. Từ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ George Bush đã quyết định huỷ bỏ Thỏa thuận hợp tác hạt nhân hoà bình Mỹ - Nga. Tuy nhiên hành động đó cũng không làm người Nga e ngại. Trước đó, ngày 26/8, Tổng thống Dmitry Medvedev đã công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia…

Trong khi sự căng thẳng giữa Nga - Mỹ, Nato ngày càng lên cao ở khu vực Biển Đen và một số quốc gia ở Đông Âu, thì ở nơi được mệnh danh là "lò lửa" chiến tranh tại Iraq, các vụ đánh bom liều chết vẫn diễn ra. Ngày 28/7, một nhóm những kẻ đánh bom liều chết tại Iraq, trong đó có ít nhất 3 phụ nữ đã gây ra 3 vụ nổ nhằm vào người Shiite và người Kurd  hành hương ở Baghdad, Kirkuk, khiến 57 người thiệt mạng. Ngày 30/8, cô bé Rania 15 tuổi đã bị cảnh sát Iraq bắt giữ khi trên người quấn đầy bom. Máu chưa chảy có lẽ là do may mắn, hơn là sự tinh nhuệ của lực lượng cảnh sát. Chỉ hơn 20 ngày sau (20/9), một vụ đánh bom đẫm máu khác tại Pakistan đã khiến 60 người thiệt mạng. Chiếc xe tải gài bom đậu ở khách sạn Marriott (Islamabad) đã được kẻ đánh bom cho phát nổ sau Asif Ali Zardari, tân tổng thống của Pakistan tuyên bố nhậm chức tại tòa nhà quốc hội, cách khách sạn trên vài trăm mét. Tiếp theo là Afghanistan, ngày 27/11, một kẻ đánh bom lại cho nổ tung chiếc xe gần sứ quán Mỹ tại thủ đô Kabul khiến 4 người thiệt mạng.

Chỉ trước đó 1 ngày (26/11) tại thành phố Mumbai (Ấn Độ), quân khủ‌ng b‌ố đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 thường dân vô tội. Vụ khủ‌ng b‌ố này khiến quan hệ giữa giới Hồi giáo và Hindu giáo Ấn Độ, giữa Pakistan - Ấn Độ ngày càng căng thẳng.
Thế giới bước về những ngày cuối của năm 2008, thế nhưng các vùng đất thuộc dải Gaza vẫn vô cùng nóng bỏng. Suốt từ 27 đến 29/12, chiến đấu cơ của Israel dồn dập oanh tạc vào các mục tiêu Hamas. Hơn 300 người đã thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương. Phía Palestine đã tuyên bố ngừng lại các cuộc đàm phán hoà bình với Israel để phản đối hành động không kích vào dải Gaza. Vậy là tiến trình hoà bình Trung Đông, một từ được nói đến quá nhiều, đã không còn có cơ hội tiến triển.

2008 cũng là năm mà nạn cướp biển hoành hành dữ dội chưa từng có tại Đông Phi. Những tên hải tặc đã thực hiện hàng trăm phi vụ cướp táo tợn ngoài khơi Somali. 35 tàu hàng cỡ lớn, hơn 600 thuỷ thủ của nhiều nước đã bị bắt giữ. Bọn cướp ngang nhiên đòi những khoản tiền chuộc khổng lồ, đến mức Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải thông qua nghị quyết cho phép truy bắt cướp biển bất cứ nơi đâu, cả trên biển lẫn đất liền. Nhiều nước đã cử chiến hạm tới vùng biển Somali để tiễu trừ hải tặc, hoạt động này cũng có một số kết quả, tuy nhiên vẫn có những con tàu tiếp tục bị cướp…
 
2009 - Tương lai ảm đạm
 
Theo dự đoán năm 2009 sẽ có 1 tỷ người trên thế giới lâm vào cảnh đói nghèo.
 
Một năm trôi qua với những sự kiện đáng lo ngại, hứa hẹn những điều chẳng mấy sáng sủa vào năm 2009. Ngày 21/12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cho rằng trong năm tới, các nền kinh tế mạnh trên thế giới sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái, các nền kinh tế còn lại sẽ giảm mạnh tăng trưởng. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) thì nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2009 sẽ giảm còn 0,9% (năm 2008 là 2,5%). Còn kết quả điều tra của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) vừa qua cho biết, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tăng giá lương thực, hiện thế giới có tới 925 triệu người sống trong nghèo đói cần cứu giúp. Theo dự đoán thì trong năm 2009, số người nghèo đói toàn thế giới sẽ lên đến 1 tỷ người.

Trong khi những dự báo về kinh tế thế giới khá bi đát, thì những bóng ma chiến tranh vẫn ám ảnh lương tri nhân loại. Đánh bom liều chết ở Iraq, Pakistan, Afghanistan, chiến sự ở dải Gaza, vấn đề hạt nhân ở Iran, những xung đột tại Biển Đen và Đông Âu…tất cả chỉ nói lên một điều, hoà bình cho các vùng đất này chỉ tồn tại trong lời nguyện cầu của những goá phụ và những đứa trẻ mồ côi…


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật