Cây đa ‘dự báo thời tiết’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở tổ dân phố số 2, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có một cây đa ba gốc được biết đến như là một ’nhà dự báo thời tiết đại tài’ của ngư dân.
Cây đa ‘dự báo thời tiết’
Cây đa 'dự báo thời tiết'

Rễ chuyển màu là trời mưa

Theo quan sát, cây đa này có đường kính bóng mát khoảng 30m, cao khoảng 50m, nằm ở ngã ba đường, nơi có rất đông người qua lại. Theo những bậc cao niên trong vùng, mỗi khi trời sắp mưa, những chùm rễ của cây đa sẽ tự động chuyển sang màu trắng. Khi thấy dấu hiệu này, ngư dân trong vùng sẽ cho tàu thuyền nằm bờ nhằm hạn chế tai nạn xảy ra.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban quản lý khu di tích cây đa Vạn Giã, nơi chăm sóc cây đa, cho biết: “Khả năng dự báo thời tiết khi trời sắp mưa của cây đa được người trong vùng khẳng định từ lâu nay. Ngư dân ai cũng tin vào điều đó. Họ cho rằng, nhờ người địa phương làm nhiều việc tốt trời mới ban cây đa về đây với bà con, phù hộ cho bà con. Còn về độ tuổi của cây, dùng phương pháp siêu tra, suy sâu, tức là hỏi từ những ông cố, ông sơ trong vùng thì biết rằng cây đã có từ cách đây 400 năm”.

Ngư dân Nguyễn Hữu Cường (SN 1968, người địa phương), cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, rồi quanh năm gắn bó với nghề đi biển. Theo sự quan sát và kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm của tôi thì mỗi lần ngọn của những chùm rễ cây đa bắt đầu lóng lánh những vệt trắng vàng là y như rằng thời tiết ở khu vực này bắt có sự thay đổi. Vài ngày sau, thế nào trời cũng mưa một trận tầm tã. Biết trước được điều đó nên dù tôi có đi biển thì cũng bảo vợ con ở nhà thường xuyên theo dõi rễ cây đa, nếu chuyển sang màu trắng vàng thì gọi điện liền, để tôi cho thuyền cập bến an toàn, tránh những ngày trời mưa, biển động”.

Từ những bậc cao niên đến lớp thanh niên mới đi biển được vài ba năm cũng đinh ninh phải tin vào sự thần kỳ của “nhà dự báo thời tiết” này. “Một lần, buổi chiều bạn biển chuẩn bị ra khơi thì sáng hôm đó chủ thuyền đến cây đa xem, thấy rễ nào cũng trắng hết nên bảo chuẩn bị có đợt mưa, chờ ít bữa nữa hãy ra khơi. Lúc đó, thấy trời nắng như đổ lửa nên tôi bảo làm gì có chuyện đó. Ngay sáng sớm hôm sau, trời nổi cơn giông rồi mưa tầm tã cả ngày. Chủ thuyền đùa, nếu hôm đó mà nghe lời tôi, ra khơi thì lỗ ít nhất vài chục triệu rồi”, anh Nguyễn Văn Thi (SN 1993, người địa phương) cười nhớ lại.

Việc “dự báo thời tiết” của cây đa không chỉ giúp ngư dân mà còn giúp bà con nông dân ở đây trong trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Trần Thị Biển (SN 1972, người địa phương), cho hay: “Nhà tôi quanh năm trồng rau đem bán ở chợ nên cũng nhờ vào sự giúp đỡ của cây đa này lắm. Mỗi lần gieo hạt mà thấy cây đa có dấu hiệu báo trời mưa là ngưng liền. Vài lần cố tình thử “trái lời”, lần nào cũng mất tiền giống, tiền phân bón. Đến khi thu hoạch đem bán cũng vậy, ngày nào tôi cũng ra xem thời tiết qua cây đa để biết sáng hôm sau mưa hay không. Nếu trời mưa thì cá biển ít, bà con mua rau nhiều, mình thu hoạch nhiều để đi bán, còn trời không mưa thì bán như bình thường”.

Những chuyện thêu dệt

Hình thù ba gốc và sự độc đáo “dự báo thời tiết” nên cây đa là “nhân vật đặc biệt” ở địa phương. Qua thời gian, với sự thêu dệt, quanh cây đa ba gốc này có những giai thoại kỳ bí và có phần ma mị.

Các bậc cao niên trong làng kể lại, cách đây khoảng 300 năm có một người đàn ông tên Đinh Tùng Chí tỏ thái độ khinh thị đã lấy búa chặt vào thân cây đa, lạ lùng là lưỡi búa lại dội ra trúng vào đầu làm ông Chí chết tại chỗ. Từ ngày ấy, người “yếu bóng vía” đi ngang qua cây đa lúc 12h đêm đến 2h sáng đều thấy một bóng người màu trắng ở chính giữa thân cây hú gọi, có khi còn lùa tay xuống níu tóc người. Những trai trẻ nhát gan trong làng, lỡ đi chơi đêm về quá muộn, đành nghỉ chân đâu đó, chờ qua “giờ ma trêu” mới dám lò dò về.

Một số đối tượng mê tín dị đoan đã nhân đó thần thánh hóa, tán tụng rằng cây đa có thể “trục xuất tà khí”, chữa các chứng bệnh nan y quái ác y học bó tay. Có mặt tại cây đa một ngày cuối tháng 9/2014, chúng tôi gặp chị Trần Thị Mến (SN 1982, ngụ thị xã Ninh Hòa) đến đây... cầu xin thần linh phù hộ cho mẹ. Chị Mến cho biết: “Mẹ tôi thường bị đau lưng, cột sống, chân dạo này yếu hẳn, đi lại rất khó khăn, mắt mờ, đã đi điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn chưa đỡ. Khi nghe nói về cây ba gốc có thể gửi gắm vận hạn cho con người, tôi đã đến đây khấn nguyện, mong cho mọi phiền muộn, bệnh tật trong người của mẹ tôi sẽ tan biến”.

Chưa hết, quanh gốc đa ngày nào cũng có người đến cúng bái với một mục đích cầu tài cầu lộc, cầu cho bệnh tật tiêu tan. Thật khó tìm cơ sở hay những trường hợp thực tế để chứng minh cho điều này. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền giải thích. Ông Mai Văn Thái, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, cho biết: “Trước giờ không có bất cứ tài liệu nào cho rằng cây đa ba gốc này có tác dụng chữa bệnh, loại bỏ xui rủi. Đó thực chất chỉ là lời đồn thổi mang tính thêu dệt của những người mê tín dị đoan, rồi từ đó nhiều người đến đây cúng bái. Để hạn chế tình trạng này, nhiều lần chính quyền phối hợp với Ban quản lý khu di tích tuyên truyền cho người dân hiểu được thực tế, tránh vướng vào những chuyện mê tín dị đoan”.

Các phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày nay cho phép dự báo mưa với độ chính xác cao và tin cậy. Tuy nhiên, vẫn có những cách dự đoán mưa theo kinh nghiệm dân gian, theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Chuyện rễ đa chuyển sang màu trắng khi trời sắp có cơn mưa, hầu như ở vùng quê Bắc Bộ nào, nông dân nào cũng biết.

Có nhiều kinh nghiệm dự báo mưa từ các hiện tượng sinh học (từ quan sát côn trùng, cây cối, động vật...) và từ các hiện tượng tự nhiên (mây, gió, sấm chớp...). Những kinh nghiệm dân gian luôn được nhắc đến trong dự báo mưa là các chú công nhảy múa, chuồn chuồn bay thành đàn hàng giờ, những chú sâu róm vội vã tìm nơi trú ngụ... Độ cao của tổ chim sâu cũng là một kinh nghiệm thú vị. Nếu tổ chim sâu ở vị trí cao thì lượng mưa thường dồi dào và ngược lại.

Theo dõi chuyển động của côn trùng, chẳng hạn như kiến di chuyển thành đàn và mang theo cả trứng hay sự tăng số lượng các con mối trên cây, là kinh nghiệm dự báo chính xác lượng mưa. Lý do là các loài động vật có thể cảm nhận được sự thay đổi của luồng gió, độ ẩm và áp suất không khí, khiến hành vi của chúng cũng biến chuyển theo.

Khi độ ẩm tăng cao, các chú dê cảm thấy khó chịu và thường vẫy tai, các chú cừu rúc vào nhau và loài cú thường kêu lên bồn chồn. Trong khi đó, những chú ếch sẽ nhảy ra khỏi hốc đá và cất tiếng ộp ộp khi áp suất không khí thay đổi.

Thực vật cũng có cách dự đoán mưa của riêng mình. Các nhà nghiên cứu cho biết sự đổi thay của cây cối cũng là một kinh nghiệm dự đoán thời tiết chính xác. Khi hoa muồng bắt đầu nở rộ thì chính xác 45 ngày sau đó sẽ có mưa, và khi cây xoan Ấn Độ nở hoa thì mưa to sẽ tới.

Trong những năm qua, tình hình khí hậu diễn biến thất thường với sự thay đổi mạnh mẽ của các mùa, những cơn mưa ngày càng trở nên khó dự đoán.

Những biến đổi này nhiều khi khiến cả giới động thực vật “bối rối” trong việc tìm cách thích nghi với loại hình thời tiết mới. Vậy nên, phương pháp dự báo thời tiết kết hợp giữa dân gian truyền thống với khoa học hiện đại sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn - giới chuyên môn kết luận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật