Biện pháp mạnh, quyết tâm “phi thường”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH) chỉ đạt 16 DN trong năm 2011, 13 DN năm 2012, 74 DN năm 2013 và 64 DN trong 9 tháng đầu năm 2014.
Biện pháp mạnh, quyết tâm “phi thường”
Ảnh minh họa

Để đẩy nhanh tiến trình CPH hơn nữa, theo các chuyên gia, Việt Nam cần thay đổi luật chơi, áp dụng các biện pháp mạnh hơn.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- mục tiêu của tái cơ cấu DNNN trong các đề án của Chính phủ là áp đặt ngân sách cứng, tức là áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như các DN khác. Nhưng đến nay chưa có chuyển biến về tư duy, nhận thức khi DNNN chưa thực sự “lời ăn, lỗ chịu”- một nguyên tắc cơ bản của thị trường. Chính phủ đi vay, cho DNNN vay lại, chưa buộc DNNN phải tiếp cận vốn theo đúng các nguyên tắc và điều kiện thị trường vốn quốc tế. Không nộp được thuế thì DNNN được Chính phủ cho giảm, gia hạn nộp, thậm chí khoanh nợ…

Về việc áp dụng quản trị theo thông lệ quốc tế, nhiều DNNN vẫn chưa công khai và minh bạch hóa thông tin như niêm yết; chưa thực hiện nâng cao vị trí, vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm, tính độc lập của hội đồng quản trị; còn rất xa so với thông lệ quốc tế về chế độ đãi ngộ người quản lý theo nguyên tắc thị trường...

“Thể chế đối với DNNN nhìn chung chưa khác biệt so với trước. Cách thức phân bố và sử dụng nguồn lực trong khu vực DNNN chưa thay đổi. DNNN chưa thể cải thiện về năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh”- ông Cung nhấn mạnh.

Liên quan tới câu chuyện thoái vốn, tính đến hết tháng 7/2014, các DNNN đã thoái vốn ngoài ngành 7.139 tỷ đồng, bằng 28,8% tổng vốn đầu tư cần phải thoái (21.797 tỷ đồng). Tiến trình thoái vốn cũng chậm hơn so với mục tiêu đề ra.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc thoái vốn chưa đi vào thực chất vì đa số là chuyển giao trong nội bộ khu vực nhà nước và DNNN. Đối với chuyển giao vốn trong nội bộ, khó có thể gọi là thoái vốn.

Đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến trình CPH giai đoạn 2014-2015, theo ông Cung, Việt Nam cần thực hiện mạnh mẽ, thậm chí mang tính áp đặt từ trên xuống; cho phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, nhưng có trách nhiệm rõ ràng từ người quản lý, bộ trưởng hay chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng với đó, hầu hết các ngành nghề đều nên CPH và thoái vốn toàn bộ. Riêng công nghiệp chế tạo, với nhóm ngành có đặc tính độc quyền hoặc độc quyền nhóm mà các DNNN đang nắm vai trò chi phối, Chính phủ nên cân nhắc đó có phải là ngành có lợi ích chiến lược quốc gia hay không?

Chia sẻ quan điểm với TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển - cũng khẳng định: Cần đẩy nhanh cải cách DNNN như: Bán hết phần vốn trong các DN mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần; đổi mới quản trị DN mà nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối, coi đây là nội dung chủ yếu của tái cơ cấu DNNN.

Thực tế, dù số lượng DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 DN đầu những năm 90 của thế kỷ trước xuống còn khoảng hơn 1.000 DN hiện nay, nhưng việc hình thành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với nhiều công ty “con, cháu, chắt” đã làm cho tỷ trọng của DNNN trong GDP vẫn ở mức rất cao, chiếm đến 32%, tỷ trọng dư nợ tín dụng và nợ xấu còn cao hơn.

“Việt Nam phải đẩy mạnh CPH DNNN theo hướng nhà nước không giữ phần vốn chi phối ở đa số DN và kiên trì nguyên tắc giá thị trường khi bán DNNN”- ông Tuyển nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật