Sản xuất ODM, OBM trong dệt may: Tự lượng sức mình

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá trị có thể tăng tới vài lần nhưng cũng có thể đẩy doanh nghiệp (DN) tới phá sản, phương thức sản xuất ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất), OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối) buộc DN dệt may phải thận trọng và có chiến lược dài hơi.
Sản xuất ODM, OBM trong dệt may: Tự lượng sức mình
Ảnh minh họa

Sau 20 năm tập trung cho sản xuất gia công, ngành dệt may Việt Nam bước đầu chuyển sang phương thức sản xuất ODM, OBM. Đây là mục tiêu ngành theo đuổi đã nhiều năm nhằm thoát khỏi bóng “công xưởng gia công” và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.

Ông Hoàng Vệ Dũng- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - phân tích: Sản xuất ODM, DN nhận lại phần ý tưởng thiết kế từ phía đối tác, trên cơ sở đó phát triển thành mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất lại do đối tác duyệt và thành phẩm mang tên thương hiệu của đối tác. Với sản xuất OBM, DN phải tự thiết kế, lựa chọn nguyên phụ liệu, sản xuất và phân phối bằng thương hiệu của chính DN. “Phương thức sản xuất này rất khó, hiện mới chỉ áp dụng được tại thị trường nội địa. Không riêng Việt Nam mà cả Trung Quốc, Nhật Bản cũng chưa thành công khi đưa sản phẩm OBM ra nước ngoài” - ông Dũng nói.

Theo ông Hoàng Vệ Dũng: Tham gia sản xuất ODM, OBM, DN phải chịu nhiều rủi ro, thường là bị khách hàng phạt bởi khâu làm mẫu chưa chuẩn, cung ứng không kịp dẫn tới chất lượng hàng hóa không bảo đảm, ảnh hưởng tới thời hạn giao hàng. Ngoài ra, DN cũng phải chịu áp lực từ chất lượng lao động, năng lực làm maketting. Trong sản xuất phải đối mặt với vấn đề cung ứng nguyên vật liệu cho đúng với yêu cầu.

Bà Đặng Phương Dung- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cũng chỉ ra rằng: Chi phí vốn quá cao, DN làm gia công thì không vấn đề gì, nhưng nếu chuyển sang sản xuất ODM, OBM, DN không có tích lũy, phải vay vốn với lãi suất cao sẽ rất bất lợi trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới.

So với làm hàng gia công, sản xuất ODM, OBM thực sự rất hấp dẫn khi giá trị tăng thêm có thể tăng từ 30-40%. Thế nhưng, trong cấu trúc các loại hình sản xuất của ngành dệt may hiện nay, sản xuất OBM chỉ chiếm 1%, ODM 9% và sản xuất gia công vẫn chiếm tới 70%. Cũng có nghĩa, DN dệt may chưa chuẩn bị tốt cho việc chuyển sang phương thức sản xuất mới.

Ông Hoàng Vệ Dũng khẳng định: Vinatex rất ủng hộ các DN trong nước áp dụng phương thức ODM, OBM. Tuy nhiên, DN nào có điều kiện theo đuổi hãy làm, bởi khi áp dụng phương thức sản xuất mới, DN sẽ đối đầu với rất nhiều khó khăn, vì thế phải thận trọng, tự lượng sức mình, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của khách hàng.

Bà Đặng Phương Dung khuyến cáo: DN trong nước còn thiếu kinh nghiệm thị trường, kinh doanh thương mại, nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ... Vì vậy, để làm ODM, OBM, DN phải có thời gian phát triển đội ngũ thiết kế, xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường nội địa…

Phương thức sản xuất ODM, OBM thực sự là mục tiêu khó của DN dệt may Việt Nam. Thế nhưng, hiện đã có DN mở rộng mạng lưới tiêu thụ, phân phối sản phẩm bằng chính thương hiệu của DN sang một số thị trường trong khu vực như: Lào, Campuchia. Đây là mục tiêu khó nhưng không phải không thực hiện được của DN dệt may Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật