12,4 tỷ USD nhập máy móc, vật tư nông nghiệp: “Bán mồ hôi” với giá rẻ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngoài việc nhập khẩu phần lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), máy nông nghiệp, nước ta còn chi tới hàng tỷ USD để nhập thức ăn chăn nuôi, cây - con giống, phân bón... mỗi năm.
12,4 tỷ USD nhập máy móc, vật tư nông nghiệp: “Bán mồ hôi” với giá rẻ
Ảnh minh họa

Vì vậy, nói không quá thì ngoài mảnh đất và con người, hầu hết đầu vào của sản xuất nông nghiệp nước ta đều là nhập khẩu.

Chi phí tăng vì nguyên liệu nhập

Qua tìm hiểu của phóng viên trên thị trường, thuốc BVTV có nguồn gốc từ nhập ngoại (gồm cả nhập khẩu hoạt chất, nguyên liệu và thuốc thành phẩm) thường có giá cao hơn hẳn thuốc gắn “mác” nội địa. Ví dụ thuốc trừ sâu Regent 800WG của Công ty Bayer Việt Nam có giá 5.500 - 6.000 đồng/gói, trong khi sản phẩm cùng loại của Công ty CP quốc tế Hòa Bình bán giá 4.000 đồng/gói.

Đang phun thuốc trừ sâu bệnh cho mấy luống rau cải xanh và cải bắp, chị Trần Thị Tâm ở phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) than thở: Lứa rau nào gia đình tôi cũng phải phun thuốc trừ sâu, mà càng ngày càng phải phun nhiều sâu mới chết. Ví dụ như thuốc trừ sâu ăn lá Regent 800WG, tôi phải mua của đại lý với giá 10.000 đồng/gói, phun được 1 sào.

Hay thuốc Starner 20WP gói 10gam (đặc trị bệnh bạc lá lúa, thối nhũn bắp cải của Công ty Sumitomo Chemical Việt Nam, nhập từ Nhật Bản – PV), có giá 14.000 đồng/gói, phải phun 2 gói mới đủ 1 sào rau. “Thuốc nhập khẩu bao giờ giá cũng đắt hơn. Cũng là dòng trị nấm trên rau và bạc lá lúa, nhưng thuốc Sat 4SL do Cô

ng ty TNHH Nam Bắc (TP.HCM) phân phối lại chỉ bán với giá 9.000 đồng/gói 10ml. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn cắn răng mua thuốc ngoại vì chủng loại rất đa dạng và hiệu quả hơn so với thuốc nội” – chị Tâm nói.

Chị Hoàng Thị Hiền - nông dân xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: “Mỗi vụ gia đình tôi cấy hơn 2 mẫu lúa. Cách đây khoảng 3-4 năm, chi phí cho thuốc trừ sâu bệnh, thuốc trừ cỏ chỉ hết khoảng 60.000 – 70.000 đồng/sào/vụ, nhưng hiện nay, giá thuốc trừ sâu bệnh các loại đều tăng nên chi phí đã tăng lên khoảng 100.000 - 120.000 đồng/sào/vụ. Đầu tư nhiều mà giá lúa tăng giảm thất thường nên chúng tôi làm gần như không có lãi”.

Chị Hiền cũng cho hay, nếu chỉ dùng thuốc BVTV ngoại, chi phí còn cao hơn nữa, nhưng hầu như ai cũng thích dùng thuốc ngoại vì hiệu quả nhanh. Ví dụ như thuốc trừ nấm bệnh Anvil 5SC dung tích 1 lít/chai của Syngenta có giá gần 200.000 đồng, nhưng thuốc có cùng hoạt chất và dung tích do các công ty trong nước sản xuất, đóng gói như An Nông, Ngọc Tùng, Hòa Bình... thì giá chỉ 90.000 đồng/chai.

Tương tự, trong lĩnh vực máy nông nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Phát triển đầu tư Việt Phú (Hà Nội) cho biết: “Máy trong nước sản xuất tuy sẵn thật đấy, nhưng giá cả không chênh lệch nhiều so với máy nhập ngoại, trong khi lại nhanh hỏng, công năng sử dụng thấp, ít chủng loại nên chả tội gì mà nông dân phải mua máy nội.

Ví dụ, máy gặt đập liên hợp nhập từ Trung Quốc có giá gốc là 5.800 USD/chiếc, khi về Việt Nam khoảng 7.500 USD/chiếc (khoảng 160 – 170 triệu đồng), tới tay nông dân là 175 triệu đồng, tương đương máy sản xuất trong nước. Bởi trên thực tế, máy gặt đập liên hợp gắn mác nội song vẫn phải nhập khẩu động cơ từ nước ngoài, hoặc sử dụng động cơ cũ, lạc hậu và nhanh hỏng”.

Phụ thuộc thành... quen?

Lý giải về việc vì sao máy nông nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản đang “thống trị” thị trường máy nông nghiệp nước ta, đại diện viện Nghiên cứu nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, ở thị trường nội địa, doanh nghiệp có thịphần lớn nhất là Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) chiếm khoảng 40% thị phần của các nhà sản xuất máy nông nghiệp trong nước. Còn lại đa số cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam là xưởng cơ khí địa phương, nhỏ lẻ, vì vậy kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo bị hạn chế, các chi tiết máy chất lượng thấp dẫn đến làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa, từ đó nông dân không ưa chuộng. “Chính vì không bán được hàng nên các cơ sở, doanh nghiệp trong nước càng ngại đầu tư cho khâu nghiên cứu, chế tạo và lâu dần trở thành bị phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu” – ông Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Máy nông nghiệp Việt Trung (Hải Dương) nói.

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc nhập khẩu đến 60% máy móc thiết bị để giúp cơ giới hóa nông nghiệp là điều bắt buộc hiện nay.

“Để chế tạo được các loại máy móc nông nghiệp phải có nhiều sản phẩm phụ trợ, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ của ta chưa đáp ứng được nên phải lệ thuộc vào nhập khẩu. Trên thực tế, chúng ta cũng đã bắt đầu xuất khẩu một số loại máy tách, cắt vỏ hạt điều sang châu Phi. Tuy nhiên, để làm chủ công nghệ này, ban đầu Việt Nam cũng phải nhập máy móc từ các nước, trên cơ sở đó các doanh nghiệp, cơ sở chế tạo mới sáng tạo ra máy cắt, tách vỏ hạt điều gắn mác “made in Vietnam” để xuất khẩu”.

Về việc những năm gần đây nước ta nhập khẩu ngày càng nhiều vật tư nông nghiệp, PGS - TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trên thế giới rất khó tìm được quốc gia nào có thể chủ động được mọi công đoạn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng cũng chưa thấy quốc gia nào đứng trong tốp đầu về xuất khẩu nông sản mà lại phải đi mua vật tư nông nghiệp nhiều như Việt Nam.

“Khi nhập về, các loại vật tư phải chịu nhiều loại thuế, rồi qua nhiều khâu trung gian rồi mới đến tay nông dân, vì vậy giá cả đã bị đội lên rất cao so với giá gốc. Người nông dân dành dụm được đồng nào lại đi mua vật tư nông nghiệp của nước ngoài để phục vụ sản xuất, dẫn đến giá thành sản phẩm làm ra luôn cao. Tuy xuất khẩu số lượng nhiều, song lợi nhuận bà con thu được rất thấp, chẳng khác nào bán mồ hôi với giá rẻ” – ông Bộ nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật