ASIAD mất giá vì chuyện ‘chia huy chương’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một nguyên nhân khiến ASIAD (Asian Games) ngày càng mất đi tính hấp dẫn là bởi ở sân chơi tầm cỡ châu lục này vẫn còn tình trạng chia chác huy chương .
ASIAD mất giá vì chuyện ‘chia huy chương’
VĐV Nguyễn Mạnh Quyền đoạt HCĐ môn wushu

Và trọng tài chấm điểm thiên lệch ở những môn thi đấu mà cách tính điểm còn nặng về cảm tính, không rõ ràng...

Hôm qua, đoàn thể thao Việt Nam giành được 1 HCV của nữ võ sỹ Dương Thúy Vy ở môn wushu nội dung biểu diễn kiếm thuật - thương thuật. Đây cũng là lần đầu tiên sau khoảng 20 năm theo đuổi và đầu tư cho môn võ này kể từ thế hệ đầu tiên là cô gái vàng wushu Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Lan Phương cho đến 3 - 4 lớp VĐV sau như Vũ Trà My, Vũ Thùy Linh (con gái Lan Phương), Nguyễn Mai Phương… thì thể thao VN mới có được tấm HCV ASIAD ở môn võ xuất phát từ Trung Quốc.

Điều đáng nói là tất cả những VĐV nữ của nội dung taolu (biểu diễn) kể trên đều là những nhà… vô địch thế giới. Vô địch thế giới là chuyện vô địch thế giới nhưng đến đấu trường chính như ASIAD thì chuyện các đoàn wushu của quốc gia - vùng lãnh thổ khác có lấy được HCV hay không đều phụ thuộc hoàn toàn vào “lòng tốt” của Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc “thương” đoàn nào thì họ sẽ né, không cử VĐV tranh tài nội dung đó và để các VĐV của các đoàn còn lại tự đấu rồi "chia" huy chương với nhau. Tấm HCV của Dương Thúy Vy hôm qua là một trường hợp như thế khi ở nội dung taolu kiếm thuật - thương thuật nữ không có VĐV nào của Trung Quốc dự tranh và Thúy Vy đã thắng VĐV Li Yi (Macao) sát sạt 0,01 điểm (19,71 điểm so với 19,70 điểm).

Ngược lại khi đoàn Trung Quốc đã “ghét” hoặc cố chơi sát ván thì sẽ không chừa chiếc HCV cho wushu Việt Nam. Ví dụ như ở kỳ ASIAD 2010 hay trước đó là ở Olympic Bắc Kinh 2008, dù khi đó wushu chỉ là môn “ngoại khóa” mang tính biểu diễn.

Đây là cái giá phải trả cho tư duy “đi tắt đón đầu” mà đã có một thời cha đẻ của nó là ông Hoàng Vĩnh Giang (nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, PCT kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic VN) từng rất tự hào khi rước môn wushu về Việt Nam.

Không chỉ wushu mà ngay cả ở một môn võ lừng danh khác là karatedo thì việc chấm điểm của môn này cũng mang nhiều yếu tố không rõ ràng, cảm tính ở cả 2 nội dung là kata (quyền) và kumite (đấu đối kháng).

Dù rất nổi tiếng và phổ biến toàn cầu song Karatedo lại là môn võ có cách chấm điểm không rõ ràng. Võ sỹ Nguyễn Hoàng Ngân - người được mệnh danh là "nữ hoàng kata" trong một bài biểu diễn.

Cần nói thêm là so với Judo thì Karatedo được coi là môn võ phổ biến hơn, đông đảo người tập hơn trên toàn thế giới, song người Nhật dù đã vận động rất nhiều cũng không thành công khi đưa Karatedo vào hệ thống thi Olympic như Judo cũng bởi cách chấm điểm Karatedo không rõ ràng. Một điểm không rõ ràng ở nội dung kumite mà ai có chút kiến thức về karatedo cũng biết là “điểm dừng” khi VĐV ra đòn mà nếu quá tay đấm trúng mặt, gây thương tích cho đối phương thì không những được cộng điểm mà còn bị trừ điểm.

Chính vì cách chấm điểm không rõ ràng, thậm chí nặng về cảm tính nên ở đấu trường ASIAD, dù karatedo Việt Nam có những nhà vô địch thế giới, vô địch châu lục như Hoàng Ngân (kata) thì chuyện đoạt HCV đôi khi rất phập phù, song lại gây bất ngờ như trường hợp HCV của Vũ Thị Nguyệt Ánh ở nội dung kumite hạng cân 48kg tại Asiad Doha-Qatar 2006.

Tóm lại, một khi cách chấm điểm đã không rõ ràng, cảm tính thì chuyện xếp đặt kết quả, phân chia huy chương hay thiên vị rất dễ xảy ra.

Trường hợp xếp đặt, chia huy chương “nặng mùi” nhất có lẽ là ở môn thể hình tại 2 kỳ ASIAD 2002 và 2006 – một môn mà cách chấm điểm hoàn toàn cảm tính 100% từ các trọng tài. Đấy lý giải vì sao đến giờ thể hình VN chỉ có mỗi “kiến càng” Lý Đức đoạt HCV hạng 80kg ở ASIAD Busan 2002 trong khi 4 năm sau dù sở hữu lực lượng mạnh hơn với những nhà VĐTG như Phạm Văn Mách (55kg), Nguyễn Văn Lâm (65kg)… thì thể hình VN chỉ toàn về nhì (Lý Đức trong sự nghiệp thành tích cao nhất ở giải VĐTG chỉ là hạng Tư).

Trong khuôn khổ một bài viết, không thể trình bày nhiều chuyện “nhiêu khê” ở sân chơi ASIAD và cũng hoàn toàn không có ý định hạ thấp giá trị thành tích mà các VĐV Việt Nam đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để mang về vinh quang cho tổ quốc. Song, cũng như tấm huy chương nào cũng có mặt trái thì ASIAD và câu chuyện về việc "chia huy chương" sẽ lý giải phần nào lý do vì sao ASIAD ngày trở nên mất giá, bất chấp về danh nghĩa đây vẫn là Đại hội thể thao có quy mô chỉ đứng sau Olympic.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật