Tàu chiến Trung Quốc đến Iran tập trận

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai tàu chiến Trung Quốc lần đầu cập cảng ở Iran để cùng hải quân chủ nhà tiến hành một cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày, đài truyền hình nhà nước Iran ngày 21-9 đưa tin.
Tàu chiến Trung Quốc đến Iran tập trận
Ảnh minh họa

Biên đội tàu hộ tống số 17 của Hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu khu trục tên lửa Trường Xuân đã tới cảng Bandar Abbas của Iran hôm 20-9, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức nước này. Cuộc tập trận quân sự giữa hai bên bắt đầu vào ngày 22-9, tập trung vào huấn luyện cứu hộ cứu nạn trên biển. Trước đó, trang web của Hải quân Trung Quốc có đưa tin về chuyến viếng thăm đầu tiên đến Iran song không đề cập đến bất kỳ cuộc tập trận chung nào.

“Thảo luận và nghiên cứu về các hoạt động cứu hộ và tập trận giữa hải quân hai nước, cùng đối phó với các vấn đề và tai nạn xảy ra trên biển, cùng đạt được sự chuẩn bị cần thiết về mặt kỹ thuật là một số nội dung mà Iran sẽ tập luyện cùng quân đội Trung Quốc” - Đô đốc Amir Hossein Azad cho biết hôm 20-9.

Chuyến thăm của Hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh lo ngại thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran có thể dẫn đến một sự cải thiện trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, theo Saeed Laylaz - một nhà kinh tế người Iran. “Sự việc này cho thấy người Trung Quốc muốn giữ quan hệ kinh doanh béo bở với Iran, chứ không phải là họ sẵn sàng bảo vệ chúng ta” – ông Saeed Laylaz nói.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông không xem Trung Quốc là mối đe dọa với Ấn Độ, thay vào đó là một đối tác tiềm năng. Ấn Độ có chính sách ngoại giao đủ rộng để thích ứng với cả Mỹ và Trung Quốc, 2 nước vốn xem nhau như mối đe dọa chiến lược. Phát biểu này được Thủ tướng Ấn Độ đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN trước thềm chuyến công du tới Mỹ, dự kiến diễn ra trong tuần này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không xem Trung Quốc là mối đe dọa với Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times

Khi được hỏi về sự quả quyết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tuyên bố yêu sách phi pháp trên biển Đông và Hoa Đông khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, Modi trả lời rằng quan điểm của Ấn Độ hơi "khác biệt".

“Chúng tôi không thể điều hành đất nước của mình nếu lo lắng về mọi điều nhỏ nhặt. Đồng thời chúng tôi cũng không thể nhắm mắt cho qua mọi vấn đề. Chúng ta không phải sống ở thế kỷ 18. Đây là kỷ nguyên của sự hợp tác. Tất cả các nước sẽ phải tìm kiếm và mở rộng sự giúp đỡ lẫn nhau” - ông Narendra Modi nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật