Áp lực chốt lời bao trùm thị trường

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuần qua, 2 chỉ số tiếp tục giảm điểm do áp lực chốt lời mạnh. Tuy nhiên, cơ hội cho nhà đầu tư vẫn còn khi đây là thời điểm chuẩn bị công bố kết quả kinh doanh quý III và các thông tin kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm.
Áp lực chốt lời bao trùm thị trường
Diễn biến chỉ số VN-Index tuần từ 15/9 - 19/9

Tuần qua, thị trường chứng khoán có diễn biến tương tự tuần trước đó khi lại có 1 phiên điều chỉnh giảm điểm rất mạnh trên cả 2 sàn. VN-Index tuần qua thể hiện rõ việc suy yếu về điểm số và dần bước sang xu hướng giảm điểm khi đóng cửa với sắc đỏ trong cả 5 phiên. Như các công ty chứng khoán đã nhận định thời gian trước, sau giai đoạn tích lũy, HNX-Index hiện đang trong xu hướng tăng điểm, thanh khoản mỗi phiên đều đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 8, thậm chí phiên giảm mạnh ngày 17/9 thanh khoản sàn HNX còn đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Sau hai phiên chốt lời trên diện rộng đầu tuần, thị trường hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/9) nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển sang nhóm cổ phiếu họ Sông Đà khi hầu hết các mã thuộc họ này tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Tuy nhiên, lực bán tháo đã khiến thị trường quay trở lại đà giảm điểm.

Sau đợt tăng dài, nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần qua đã chuyển sang giai đoạn điều chỉnh, tuy nhiên vẫn có lác đác một vài cổ phiếu nhóm này vẫn giữ được trạng thái giao dịch trong sắc xanh. Một số cổ phiếu như DQC, PVT… thậm chí giữ được sắc tím ngay cả trong các phiên thị trường giảm mạnh. Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn chủ yếu giao động đi ngang trong biên độ hẹp. Nhóm các cổ phiếu thủy sản tiêu biểu là FMC, HVG, TS4 tăng khá nóng thời gian qua cũng xuất hiện sự điều chỉnh mạnh.

Điểm nhấn của thị trường trong tuần qua là thanh khoản trên cả 2 sàn, bình quân khoảng 200 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên trên sàn HOSE. Trên HNX, thanh khoản tuần qua cũng luôn ở mức cao, tăng hơn 30% so với tuần trước. Tuy nhiên, thanh khoản có xu hướng giảm dần tại các phiên giao dịch cuối tuần do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đã tăng cao.

Một sự kiện cũng góp phần làm thanh khoản tuần qua tăng đột biến là các quỹ ETFs thông qua hoạt động cơ cấu danh mục đã ’bung hàng’ trong đợt khớp lệnh ATC phiên cuối tuần với lượng dư mua, dư bán khủng đạt hàng chục triệu đơn vị do đây là phiên giao dịch cuối cùng của kỳ cơ cấu này.

Tóm lại, cả 2 chỉ số đều giảm điểm sau tuần vừa qua. Cụ thể, VN-Index giảm 19,21 điểm (-3,04%) xuống còn 613,29 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 19.429 tỷ đồng, tăng 23,85% so với tuần trước.

Trong tuần, khối ngoại cũng bán ròng mạnh trên cả 2 sàn. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 550 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng chủ yếu các mã GMD (332 tỷ đồng), VIC (269 tỷ đồng), DPM (118 tỷ đồng), BVH (107 tỷ đồng) và DXG (100 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối này mua ròng các mã FLC (457 tỷ đồng), KDC (281 tỷ đồng), PPC (113 tỷ đồng), IJC (84 tỷ đồng), và SSI (51 tỷ đồng).

Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng, giảm nhiều nhất trên HOSE

Mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trên HOSE tuần qua là DQC với 4 phiên tăng trần và 1 phiên giảm điểm, khối lượng khớp lệnh cũng tăng nhẹ so với tuần trước. Tuần qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán thành công 3,9 triệu cổ phiếu DQC, hoàn thành việc thoái vốn của SCIC tại công ty này. Việc thoái vốn đã hoàn thành ngày 15/9, khi có 3,8 triệu cổ phiếu DQC được giao dịch thỏa thuận trong phiên này.

TSC là mã hoàn toàn đi ngược lại xu hướng tuần qua khi tăng điểm trong cả 5 phiên. Tuần qua, cổ phiếu TSC được hỗ trợ nhờ thông tin CTCP Đầu tư F.I.T đăng ký mua thêm 2,8 triệu cổ phiếu với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Hiện tại, F.I.T cũng là cổ đông lớn của TSC khi nắm giữ 47,43% vốn điều lệ của TSC. Trong tuần, TSC cũng công bố Nghị quyết HĐQT về việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận không dưới 55 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu trước đó là 14,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của TSC mới chỉ đạt 2,4 tỷ đồng. Có lẽ, thông tin này đã tạo sự hào hứng cho các nhà đầu tư. Mới đây, TSC cũng đã công bố góp vốn thêm 21,35 tỷ đồng vào CTCP Nông dược TSC và thành lập công ty con là CTCP Hạt giống TSC, với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng. TSC sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ của CTCP Hạt giống TSC.

Một mã cổ phiếu nằm trong danh sách trên và khá hot trong phiên giao dịch cuối tuần qua là PPC. Sau thông tin CTCP Cơ điện lạnh (REE) đăng ký bán ra 3,18 triệu cổ phiếu từ ngày 24/9 đến 22/10, PPC đã có phiên tăng trần ngày 19/9 với 5,74 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Cổ phiếu PPC hiện đang có thị giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây, do đó việc cơ cấu danh mục đầu tư này sẽ đem lại khoản lợi nhuận lớn cho REE.

Không nằm trong danh sách trên, nhưng tuần qua, MWG đã có phiên cuối tuần tăng trần từ 154.000 lên 164.000 đồng/cổ phiếu, nhờ thông tin KQKD 8 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm 2014 đạt 9.570 tỷ đồng (+68% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 73% kế hoạch cả năm). LNST của cổ đông MWG đạt trên 423 tỷ đồng (đạt 97% kế hoạch cả năm), tương đương EPS đạt 6.744 đồng.

Cùng với nhóm thủy sản, tuần qua MPC đã để mất 11.500 đồng/cổ phiếu. Ngày 17/9 vừa qua, MPC đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Trên HNX, mặc dù đang trong xu hướng tăng điểm nhưng HNX-Index trong tuần qua cũng đã để mất 0,6 điểm (-0,67%), đóng cửa tại mức 88,89 điểm. Thanh khoản cả tuần đạt 8.132 tỷ đồng, tăng 30,3% so với tuần trước.

Diễn biến chỉ số HNX-Index tuần từ 15/9 - 19/9

Đối với giao dịch khối ngoại, tuần qua, khối này đã bán ròng 310 tỷ trên HNX. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng các mã  VCG (119,3 tỷ đồng), PVS (90,8 tỷ đồng), SHB (48,3 tỷ đồng), VND (41,1 tỷ đồng), và mua ròng các mã BVS (13,7 tỷ đồng), AAA (5,8 tỷ đồng), BCC (5,7 tỷ đồng).

Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại có dấu ấn đậm nét tại PVS, giúp kíc‌h thí‌ch dòng tiền bắt đáy tiếp tục hoạt động khá mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu dầu khí trên HNX, trái ngược hẳn với diễn biến tại nhóm này trên sàn HOSE.

Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng, giảm nhiều nhất trên HNX

Trong 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua, chỉ có BCC là mã có tỷ lệ tăng tốt, thanh khoản cao. Các mã cổ phiếu còn lại đều có khối lượng khớp lệnh thấp, thậm chí một số mã không có giao dịch trong 2, 3 phiên liên tiếp.

Mặc dù trong tuần, BCC không đưa ra bất kỳ thông tin hỗ trợ nào nhưng việc BCC bất ngờ bật tăng trong 3 phiên cuối tuần với thanh khoản tăng mạnh nhiều khả năng là do khuyến nghị "Mua mạnh" của CTCK BSC đối với cổ phiếu này. Theo đó, BSC nhận định BCC sẽ là trường hợp cổ phiếu có kết quả kinh doanh cải thiện đột biến nhờ yếu tố tỷ giá giống như HT1 và PPC. Dự kiến, BCC sẽ hoàn thành việc phân bổ khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá 98,29 tỷ đồng vào đầu năm 2015, EPS năm 2015 sẽ đạt 3.253 đồng/cổ phiếu.

Nhận định thị trường tuần từ 22/9 - 26/9:

Nhà đầu tư mạo hiểm có thể lướt sóng tại cổ phiếu các ngành đang được quan tâm

CTCK BSC

Việc diễn biến xấu đi trong ngắn hạn của thị trường đà được chúng tôi cảnh báo từ đầu tuần, và những nhà đầu tư đã giảm tỷ trọng hoặc cắt lỗ như khuyến nghị của chúng tôi đều đã có sự thuận lợi nhất định. Việc thị trường đứng vững trước áp lực bán được dự báo lớn như phiên 19/9 cho thấy sự chủ động của bên mua. Kịch bản tích cực nhất mà chúng tôi kỳ vọng lúc này là các cổ phiếu dẫn dắt tích lũy trở lại, tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng của thị trường. Việc các cổ phiếu giảm mạnh hay quay lại tăng sốc trong thời gian tới không được chúng tôi đánh giá tốt.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm trong ngắn hạn đã được xác nhận. Nhà đầu tư thận trọng có thể chưa vội tham gia, chờ khi tín hiệu tăng được xác nhận trở lại. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mua dần tại những mức giá thấp, lướt sóng tại các cổ phiếu thuộc các ngành đang được quan tâm như cổ phiếu dầu khí, xây dựng, chứng khoán và bất động sản.

Nhà đầu tư không nên bán tháo bằng mọi giá tại các phiên điều chỉnh mạnh

CTCK SHS

VN-Index cho tín hiệu kĩ thuật khá xấu khi chỉ số này giảm quá vùng hỗ trợ 618 điểm, rơi xuống dưới kênh tăng điểm ngắn hạn được thiết lập từ giữa tháng 5 tới nay. Như vậy xu thế tăng điểm đã chấm dứt và nhiều khả năng thị trường sẽ bước vào xu thế giảm điểm trong các phiên tới. Mức hỗ trợ 609 điểm sẽ giúp khẳng định động lực giảm điểm của xu thế này có mạnh hay không. Nếu lực bán tiếp tục mạnh, VN-Index giảm sâu xuống dưới vùng này ngay trong các phiên đầu tiên của tuần, khả năng xu hướng giảm điểm sẽ kéo dài.

Cũng cần nhớ thời gian này đang bước vào thời kỳ kết quả kinh doanh quý III sắp được công bố, do vậy sẽ có sự phân hóa tăng điểm của nhóm các cổ phiếu có kỳ vọng về kết quả kinh doanh tốt trong quý III, bất chấp xu hướng hiện tại của thị trường. Do vậy cơ hội đầu tư vẫn còn rất nhiều trên thị trường, nhất là khi tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại.

Chúng tôi đánh giá giai đoạn này nhà đầu tư có thể tiến hành tiếp tục chốt lời dần các mã đã có lợi nhuận cao trong danh mục tại các phiên tăng điểm của thị trường. Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên bán tháo bằng mọi giá tại các phiên điều chỉnh mạnh của thị trường khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Cơ hội đầu tư vẫn sẽ xuất hiện tại nhiều mã cổ phiếu có thông tin hỗ trợ, do vậy nhà đầu tư vẫn có thể tiến hành mua vào các mã này trong điều kiện thị trường chung không bị giảm điểm quá mạnh.

Nên kiên nhẫn chờ thị trường giảm về sát vùng 595-600 để có thể xem xét giải ngân

CTCK FPTS

Sau một đợt tăng dài, hầu hết các cổ phiếu trên cả hai sàn đang bị chốt lời khá mạnh, hai chỉ số VN-Index, HNX-Index đều đang bị chi phối bởi mô hình Hai đỉnh ủng hộ cho xu thế giảm giá, nên trong ngắn hạn nhiều khả năng VN-Index sẽ tiến về vùng 600 và HNX-Index sẽ quay trở lại kiểm tra vùng 85-86. Ngoài ra, các thông tin vĩ mô tích cực cũng đã cạn kiệt. Do vậy đối với nhà đầu tư lướt sóng chưa nắm giữ cổ phiếu nên kiên nhẫn chờ thị trường giảm về sát vùng 595-600 để có thể xem xét giải ngân, đối với nhà đầu tư lướt sóng đang nắm giữ cổ phiếu nên tranh thủ các phiên Bulltrap để giảm bớt tỷ lệ nắm giữ. Nhà đầu tư dài hạn vẫn nên chờ đợi thị trường giảm về gần vùng 595-600 để mua được cổ phiếu cơ bản tốt với mức giá hợp lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật