Trường ĐH không tấc đất, kê khống giảng viên

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kết luận thanh tra của UBND thành phố Hà Nội vừa công bố cho thấy năng lực hết sức yếu kém trong hoạt động của trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, rất cần Bộ GD&ĐT xử lý dứt điểm, khắc phục thiệt hại gây ra cho học sinh, sinh viên…

Vi phạm điều hành, quản lý nhân sự

Đoàn thanh tra phát hiện từ khi thành lập đến nay, Chủ tịch HĐQT nhà trường bổ nhiệm 8 phó hiệu trưởng (4 người đã thôi giữ chức vụ và 1 người được công nhận hiệu trưởng). Hai phó hiệu trưởng là ông Hoàng Anh Tuấn và bà Nguyễn Bạch Dương không làm việc tại trường từ nhiều năm nay nhưng không có quyết định thôi giữ chức vụ.

Việc bổ nhiệm ông Phạm Thành Trí thực hiện khi chưa họp Hội đồng cổ đông, chưa đề xuất UBND thành phố ra quyết định công nhận. Việc bổ sung thành viên HĐQT, bổ nhiệm phó hiệu trưởng vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục.

HĐQT đã không giám sát công tác lãnh đạo, điều hành của hiệu trưởng và ban giám hiệu để đảm bảo cho mọi hoạt động của trường được triển khai thực hiện theo đúng quy định dẫn đến việc điều hành của hiệu trưởng và ban giám hiệu thời gian qua mắc nhiều sai phạm.

Hiệu trưởng của trường hiện tại là ông Nguyễn Văn Thường nhưng từ tháng 1/2013, ông Nguyễn Văn Thường đã không làm việc và không có tên trong bảng lương của nhà trường là vi phạm Quyết định 61/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Việc Chủ tịch HĐQT bổ nhiệm ông Đỗ Doãn Hải khi đã 79 tuổi giữ chức vụ Phó hiệu trưởng là sai quy định…

Kê khống số lượng giảng viên

Đoàn thanh tra của thành phố đã xác định, một số ngành học nhà trường đã đăng ký và được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo như kỹ thuật phần mềm, vật lý học, vật lý kỹ thuật, khoa học vật liệu nhưng hiện không có giảng viên.

Trong khi đó, nhà trường đã tự kê khai đội ngũ giảng viên cơ hữu tại bản đăng ký các điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 ngày 3/3/2014 không chính xác nên việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 của trường lên tới 800 là đã vượt quá năng lực đào tạo của trường.

Hồ sơ của một số cán bộ, giảng viên đang làm việc tại trường lưu trữ không khoa học, không đầy đủ (một số không có hồ sơ, lý lịch, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đã hết hạn).

Tình trạng năng lực ảo của trường còn thể hiện trong việc sau nhiều năm hoạt động đến nay vẫn chưa có đất thuộc sở hữu, vi phạm quy định của Chính phủ về điều kiện, thủ tục thành lập.

Tỷ lệ diện tích đất vẫn là 0 m2/sinh viên. Diện tích sàn xây dựng thuê mượn là 988 m2, trực tiếp phục vụ đào tạo là 256m2 đạt tỷ lệ 0,8m2/sinh viên, vi phạm các quy định tại Thông tư 57/2011 của Bộ GD&ĐT.

Cơ sở vật chất thuê làm trường học thực chất là nhà ở của dân cải tạo thành lớp học, thiếu sân chơi, khu giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. Trang thiết bị dạy học phục vụ các khoa ngành không có; cơ sở vật chất không đủ điều kiện đảm bảo hoạt động dạy và học theo quy định.

UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần tạm đình chỉ tuyển sinh từ năm học 2014-2015 đến khi trường khắc phục được những hậu quả như nêu trên; Xem xét, kiểm tra, xử lý đối với các ngành trường đã mở nhưng từ năm 2009 đến nay không tuyển sinh; tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên môn đối với nhà trường…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật