Tạo sự đã rồi bằng mọi cách

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dư luận đang quan tâm tới chuyến công du Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice sẽ hội đàm với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ, cố vấn cấp cao về đối ngoại của Trung Quốc.
Tạo sự đã rồi bằng mọi cách
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam (trái) và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa

Về cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 11, bên lề diễn đàn APEC.

Trước đó, ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ vào cuối tháng 9. Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Bắc Kinh của bà Susan Rice sẽ mang lại cơ hội để ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình tiếp tục cuộc thương đàm đã diễn ra ở Sunnylands, California hồi tháng 6-2013. Ngoài ra, bà cố vấn An ninh quốc gia cũng muốn làm rõ vụ va chạm máy bay giữa 2 nước.

Gia tăng bành trướng

Ngày 6-9, tờ Tin tức Thanh Đảo cho biết, việc Trung Quốc đang ra sức xây dựng nhiều công trình tại Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi động thái này sẽ giúp Bắc Kinh khống chế một cách bất hợp pháp gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa. Tin tức Thanh Đảo thừa nhận, trước năm 2013 Gạc Ma và Tư Nghĩa chỉ là bãi đá nhỏ, nhưng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng nên Hạm đội Nam Hải đã điều quân và chỉ trong 25 ngày đã đưa 3 tàu đổ bộ cải trang thành tàu dân sự để xây nên đảo nhân tạo ở đây. Và một khi chiến đấu cơ J-11 được bố trí tại đây, toàn bộ khu vực Biển Đông sẽ nằm trong phạm vi tác chiến của nó.

Giới phân tích cảnh báo, nếu kế hoạch xây đảo nhân tạo (phi pháp) ở bãi đá Chữ Thập thành công, chỉ 10-15 năm nữa cục diện Biển Đông sẽ thay đổi toàn bộ. Tạp chí Quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada) cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo đất trên bãi đá Gạc Ma đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước hữu quan và lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực này. Cách đây không lâu, 2 quan chức cấp cao quân đội nghỉ hưu của Trung Quốc cho rằng, nỗ lực bảo vệ hải lộ tàu ngầm của nước này trên Biển Đông có thể không dừng ở việc khiêu khích máy bay quân sự Mỹ, mà còn tiến tới thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này.

Ngày 4-9, trang mạng quân sự sina.com của Trung Quốc cho rằng, khói lửa ở Biển Đông sắp nổi lên khi Bắc Kinh lấn biển, xây đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc lo ngại trước việc Philippines mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 phiên bản cải tiến tác chiến, trị giá 420 triệu USD của Hàn Quốc. Trước đó, Philippines ngoài việc nhập khẩu 2 tàu tuần tra lớp Hamilton của Mỹ, còn có kế hoạch mua 12 máy bay chiến đấu F-16 cũ của nước này.

Ngày 5-9, Hãng Bloomberg dẫn tuyên bố của Tham mưu trưởng Quân đội Philippines, Tướng Gregorio Pio Catapang nhấn mạnh, Manila sẽ bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia cho dù Philippines ở trong tình thế võ sĩ hạng gà đối chọi với võ sĩ hạng nặng (ám chỉ Trung Quốc). Tướng Gregorio Pio Catapang cho biết, quân đội cần ít nhất 4 tỉ peso để xây dựng một căn cứ hải quân, một đường băng và tăng số binh sĩ ở vịnh Ulugan lên 1.000 người.

Cũng trong ngày 5-9, tờ Thời báo Đài Bắc đưa tin, sự hiện diện của ông Ngô Sỹ Tồn, viện trưởng viện Nghiên cứu Biển Đông tại triển lãm “Lịch sử Trung Hoa dân quốc với các vùng lãnh thổ phía nam” tổ chức tại Đài Loan đã thu hút sự quan tâm của giới học giả Đài Loan. Bởi họ cho rằng, Bắc Kinh đang tận dụng cơ hội này để thu thập thông tin có thể được sử dụng để biện minh cho yêu sách của Bắc Kinh trước Tòa án quốc tế về Luật Biển vào cuối năm nay (theo đơn kiện của Philippines).

Điểm cao chiến lược

Ngày 6-9, giới truyền thông Đài Loan dẫn bình luận của ông Lâm Trung Bân, sĩ quan cao cấp của quân đội Đài Loan cho rằng, việc đảo hóa trái phép tại 6 bãi đá ở Trường Sa (với quy mô lớn chưa từng có và chi phí khủng) là nước cờ nguy hiểm - hóa tốt thành xe, âm mưu tăng cường đáng kể khả năng khống chế và kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Bởi các loại chiến đấu cơ thuộc biên chế quân đội Trung Quốc như J-11 và J-16 có bán kính tác chiến khoảng 1.500km và khi chúng cất và hạ cánh tại 6 bãi đá kể trên thì phạm vi tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ bao trùm toàn bộ Đông Nam Á. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể lắp hệ thống radar cùng thiết bị nghe trộm tại các địa điểm này, và những quốc gia liên quan như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines đều nằm vào tầm ngắm của Trung Quốc.

Ngô Sỹ Tồn, viện trưởng viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra

Ông Lâm Trung Bân cảnh báo, việc “đảo hóa” 6 bãi đá ở Trường Sa sẽ giúp Bắc Kinh tạo ra gần 10 “điểm cao chiến lược” ở Biển Đông, theo cách ví mới nhất của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy Trung ương Tập Cận Bình. Ngày 29-8, Trung Quốc tổ chức đợt học tập tập thể lần thứ 17 và tại đây, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đưa ra khái niệm “điểm cao chiến lược” - lợi ích “nối dài hợp lý” của Trung Quốc ở hải ngoại. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình còn cho rằng, thông tin hóa và tác chiến tổng hợp là trào lưu quân sự chủ yếu trong tương lai, do đó quân đội Trung Quốc cần tập trung xây dựng thực lực thực chiến. Điều này đồng nghĩa với tính cấp bách của “cải cách quân đội” - đây là một sự phát triển quan trọng về đối ngoại khi nhấn mạnh, sáng tạo quân sự cũng nhằm đối phó với uy hiế‌p trong tương lai. Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tới khái niệm thực chiến trong xây dựng quân đội trên cơ sở tư tưởng “toàn quân 1 bàn cờ, toàn quốc 1 bàn cờ”. Việc coi trọng phát triển sức mạnh quân sự ở hải ngoại theo chỉ thị của ông Tập Cận Bình về “bảo vệ các điểm cao chiến lược ở hải ngoại là lợi ích nối dài hợp pháp của Trung Quốc” đang khiến giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.

Cũng trong ngày 6-9, tờ Phượng Hoàng dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Từ Quang Dụ xuyên tạc về vấn đề Biển Đông khi cho rằng, những quyền lợi và tranh chấp trên biển ở khu vực này không liên quan đến Nhật Bản. Trong khi đó, Biển Đông là một nơi trọng yếu đối với tuyến đường năng lượng của Nhật Bản, tuyến đường và khu vực này rất quan trọng đối với lợi ích của Tokyo. Thiếu tướng Từ Quang Dụ cho rằng, Nhật Bản muốn “nam tiến” nên phải đi qua Biển Đông và Tokyo muốn can dự vào tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này để kiếm lợi. Theo ông Từ Quang Dụ, sau khi rút khỏi thị trường hơn 1,34 tỷ người Trung Quốc, Nhật Bản muốn nhảy vào thị trường 1,28 tỉ dân Ấn Độ. Và đây là nhất cử lưỡng tiện, một công nhiều việc, nhưng động thái của Nhật Bản đang ảnh hưởng đến tuyến hàng hải của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, cũng như cản trở âm mưu độc bá Biển Đông của Bắc Kinh khi Tokyo hỗ trợ các nước có tranh chấp với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cùng ngày 6-9, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin về cái chết của 2 phi công khi bay thử nghiệm chiến đấu cơ J-15 (còn gọi là cá mập bay) trên boong hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này. Ngày 5-9, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã ký lệnh trao tặng danh hiệu danh dự cho tất cả phi công của phi đội đầu tiên thực hiện các cuộc thử nghiệm cất, hạ cánh trên boong tàu sân bay Liêu Ninh.

Muốn làm rõ nguồn cơn

Ngày 5-9, Hãng Kyodo của Nhật cho rằng, ông Thang Bản Uyên, cựu tham tán công sứ Trung Quốc ở Nhật Bản, đang bị chính quyền Bắc Kinh điều tra vì bị nghi ngờ đã “chuyển” các thông tin nhạ‌y cả‌m cho Tokyo. Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo và Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận thông tin này. Được biết, ông Thang Bản Uyên đã về nước từ cuối năm 2013 và làm việc tại Trường Đảng trung ương, nhưng không ai liên lạc được với nhà ngoại giao này từ tháng 4. Tờ Jiji Press cho biết, khi là công sứ ở Tokyo, ông Thang Bản Uyên phụ trách việc phát triển các mối quan hệ với những thành viên trong các đảng chính trị của Nhật Bản. Cũng trong ngày 5-9, tờ The Japan Times đưa tin, cựu tham tán công sứ Thang Bản Uyên có thể đã bị bắt vì “tiết lộ thông tin cho Nhật Bản”.

 

Ông Thang Bản Uyên, cựu Công sứ Trung Quốc ở Nhật Bản

Ngày 2-9, trang tin quân sự Strategy Page của Mỹ nhận định, nhiều tướng lĩnh Trung Quốc tin rằng có thể thắng Mỹ trong một cuộc tấn công bất ngờ, chớp nhoáng ở phía tây Thái Bình Dương. Bởi Trung Quốc đã phát triển khả năng tấn công bất ngờ từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bố trí lực lượng tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn có sức công phá lớn dọc theo bờ biển với Đài Loan và Nhật Bản. Và tới nay, Trung Quốc đã có hơn 1.000 tên lửa đạn đạo kiểu này cùng khoảng một chục tên lửa về lý thuyết có thể bắn trúng và tiêu diệt tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, các phi đội chiến đấu cơ Trung Quốc cũng tăng cường bài tập tấn công trên biển và lực lượng tàu ngầm đang là mối đe dọa đáng kể đối với tàu chiến Mỹ… Washington cho rằng, Bắc Kinh đã đánh giá quá thấp sức mạnh của hàng chục tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ được bố trí tại Thái Bình Dương, cũng như những gì hạm đội tàu ngầm này có thể gây ra đối với hạm đội tàu chiến và tàu buôn của Trung Quốc.

Nguyệt san Quốc phòng (Mỹ) số tháng 9 cảnh báo, những ngày tháng tốt đẹp đang kết thúc, và thời đại xung đột giữa các đối thủ cạnh tranh có thực lực tương đương sắp diễn ra. Mỹ có ít nhất 2 loại máy bay không người lái mới đang nghiên cứu sắp ra đời, với khả năng tàng hình đủ tránh được radar đối phương và cất cánh từ tàu sân bay. Trung Quốc được coi là đối thủ của Mỹ khi phát triển các loại vũ khí chống hạm.

Ngày 6-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina ở Dhaka, sau đó tiếp xúc với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapakse tại Colombo (8-9) để thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh với 2 quốc gia kể trên, cũng như làm đối trọng với Trung Quốc tại khu vực này. Bởi Bangladesh và Sri Lanka nằm dọc tuyến đường biển giữa các nguồn tài nguyên phong phú ở Trung Đông và Đông Á và Trung Quốc đã giúp xây dựng hải cảng cho các nước dọc theo tuyến đường vận chuyển quan trọng này. Chuyến thăm Bangladesh và Sri Lanka đã nâng tổng số các nước mà ông Shinzo Abe đã tới thăm lên 49 nước, kể từ khi chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 12-2012. Tối 3-9 (sau lễ nhậm chức), tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto đã cam kết tăng cường sức mạnh quốc phòng bởi điều này cần thiết để thích ứng với môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt, cũng như nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh của Trung Quốc.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Akinori Eto

Tại sao không muốn hòa bình

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã kết thúc chuyến thăm chính thức tới Singapore (từ 2 đến 4-9) theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Tony Tan Keng Yam. Việc này diễn ra sau khi 2 nước đạt được nhất trí về thỏa thuận Phân định ranh giới trên biển ở phía Đông Eo biển Singapore. Bởi thỏa thuận này không những đảm bảo ngăn chặn tranh chấp lãnh thổ trong tương lai, mà còn là hình mẫu cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp, bất đồng tương tự giữa các nước láng giềng trong khu vực theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 5 năm trước (2009-2014), Indonesia và Singapore đã ký thỏa thuận phân định biên giới ở phía tây Eo biển Singapore.

Trước đó (3-9), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa đã ký thỏa thuận về biên giới trên biển giữa hai nước trước sự chứng kiến của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Tony Tan Keng Yam và Thủ tướng Lý Hiển Long. Cùng ngày 3-9, các nghị sĩ Nhật Bản và Philippines đã nhất trí thúc đẩy giải pháp hòa bình cho tranh chấp hàng hải ở châu Á trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời tìm cách thành lập một “Liên minh các nghị sĩ về an ninh hàng hải ở châu Á”. Và các nhà lập pháp Nhật Bản, Philippines đã ký thỏa thuận không chính thức lần thứ 4 tại Manila để thành lập một cơ quan quốc tế nhằm thúc đẩy các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo, Manila đã đề nghị Bắc Kinh giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua Tòa án Quốc tế như cách Ấn Độ và Bangladesh đã áp dụng. Giới chuyên môn thắc mắc, tại sao Trung Quốc không tham khảo bài học phân định tranh chấp biển Ấn Độ và Bangladesh khi 2 nước đều coi phán quyết của tòa là chiến thắng của họ. Thái độ sẵn sàng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình và chấp nhận phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế đã nâng cao uy tín của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc ở Nam Á. Theo chuyên gia Sam Bateman, đây là mô hình Trung Quốc có thể tham khảo để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật