’Sài Gòn nhật thực’ - bội thực chuyện ’bán mình’

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phim được tuyên bố "là một bước ngoặt đưa VN đến với ngành công nghiệp điện ảnh chất lượng cao", sau buổi ra mắt tại TP HCM vào 15/5, có khán giả thở phào vì... phim hết, có người bức xúc vì cách nhìn lệch lạc về nạn mua bán phụ nữ. Giới làm điện ảnh lắc đầu trước một tác phẩm quá cẩu thả.
’Sài Gòn nhật thực’ - bội thực chuyện ’bán mình’
Diễn viên Trương Ngọc Ánh và đạo diễn Othello Khanh. Ảnh: T.L.

Bắt đầu với những tuyên bố rình rang về kinh phí thực hiện và dàn diễn viên tầm vóc quốc tế, nhưng thực tế, phim càng quay càng "đuối" về tiền bạc lẫn nội dung. Sài Gòn nhật thực đã làm một việc chưa từng xảy ra trong điện ảnh Việt Nam: diễn viên phải diễn một cảnh ít nhất 2 lần, nhưng không phải vì lý do quay hỏng hay diễn xuất chưa đạt, mà là để lấy hình cho... trọn vẹn vì từ quay bằng 3 máy, 2 máy đến cuối cùng phim chỉ còn quay bằng một chiếc máy duy nhất.

Ngay cả những diễn viên của đoàn phim cũng thở dài ngao ngán, nhưng đã bị đặt trong cảnh không thể quay đầu. Họ nhắm mắt, bấm bụng để đi đến cùng của bộ phim này với tâm trạng... lo lắng.

Chuyện phim được đạo diễn, tác giả kịch bản công khai trước khi bấm máy: "là một tác phẩm phỏng theo cuộc đời của Kiều", và chi tiết chính được khai thác là Kiều bán mình để chuộc cha. Nhưng thê lương hơn cả "Kiều xưa", "Kiều nay" rơi vào tay xã hội đen vì cha dượng máu me cờ bạc, còn mẹ thì... mê tiền.

Cả 2 người đàn ông trên phim - một phải bán vợ, một phải bán con của vợ, đều từ nguyên nhân thua bạc. "Đỏ đen" dẫn đến bán người, rồi có cứu người, ẩu đả, rượt đuổi, súng ống... Cuối cùng, đạo diễn có được bộ phim nhiều tình tiết, tiết tấu nhanh, hiện đại, nhưng thực tế xã hội hiện đại Việt Nam bị đẩy đến chỗ thành một "vũng lầy" của xã hội đen, gái gọi, dân chơi... Xã hội chẳng còn thấy mặt phải, những mặt trái thì được lột trần một cách... mê say.

Chuyện bán mình của những cô gái Việt Nam được miêu tả một cách hết sức bình thản. Đó là người phụ nữ lúc nào cũng tỏ ra đoan chính - khó chịu khi con gái tỏ ra thân mật với người yêu - nhưng lại dễ dàng gả bán con cho một tay buôn người để có tiền trả nợ cho chồng. Đó là một bà già quê lấy tay cháu gái của mình đặt lên tay một Việt kiều ngay lần đầu gặp mặt. Tệ hơn là hình ảnh của những cô gái từ ăn mặc kiểu cave đến áo dài đều xếp hàng hàng lớp lớp để được... bán mình. Người được cho là bản lĩnh nhất trên phim, nhân vật Kiều, kiêu hãnh, tự tin đến mức nghĩ rằng: "Tôi có thể được mời đóng phim ở Hollywood" thì cũng như một con thiêu thân trước số phận, chỉ còn biết khóc lóc cho cuộc đời mình. Đa phần những người phụ nữ trong phim này hoặc là bị đưa đẩy, hoặc chủ động đều có chuyện... bán mình. Phim ghi nhận, phản ánh, tuyên ngôn nhưng cuối cùng... phải chọn cái chết của nhân vật làm tiếng nói đồng cảm, sẻ chia.

Điều mà nhiều người trong buổi ra mắt bất bình trong câu chuyện "nhiều bề nổi thiếu chiều sâu" trên là cách nhìn ngô nghê của đạo diễn trước thực tế của xã hội Việt Nam. "Chưa nói đến việc nhiều chi tiết trên phim là những mảnh cắt không điển hình để phản ánh một thực tế, làm thành một bức tranh bôi nhọ xã hội Việt Nam, nó còn làm nhiều người xem cảm thấy buồn cười khi được cắt gọt, tỉa tót đến mức nhân vật như con rối. Đạo diễn bảo tham tiền là phải tham tiền, bảo yêu là phải yêu, bảo ghét là nhất định sẽ ghét...", một đạo diễn nói.

Sự bất nhất về ngôn ngữ thể hiện trong tác phẩm này cũng làm người xem rối tai gai mắt. Với ý định phát hành ra thị trường nước ngoài, khi quay, các diễn viên thoại bằng tiếng Anh. Nhưng sau đó, phát hiện ra yêu cầu "phim nước nào phải nói tiếng nước đó", nhà sản xuất cấp tốc thực hiện một việc (cũng chưa từng xảy ra trong lịch sử điện ảnh): lồng tiếng Việt vào khẩu hình đang thoại bằng tiếng Anh. Chính những diễn viên tham gia như NSND Như Quỳnh, Trương Ngọc Ánh, Dustin Nguyễn phải đứng ra để làm công việc... "bẻ miệng" của mình trên màn ảnh.

Nhiều người trong nghề đã tỏ ra tiếc rẻ trước những tên tuổi lớn như: NSND Như Quỳnh, Trương Ngọc Ánh, hay các diễn viên Việt kiều như Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn vừa tạo ấn tượng khá đẹp trong Dòng máu anh hùng, lại quá nhạt nhòa trong tác phẩm này. Đất diễn đã hẹp, họ còn phải chịu sự áp đặt quá lớn của đạo diễn.

Những diễn viên trong phim. Ảnh: L.H.

Cách nhìn về những thực tế trên phim được thể hiện qua ánh mắt của một cô Việt kiều nói tiếng Việt lơ lớ, vừa kịp có những ấn tượng về cảnh đẹp của quê hương. "Thế giới quá xấu xa như thế, trong một tác phẩm điện ảnh được làm nhếch nhác như thế, liệu có góp thêm được gì cho thực tế của chuyện mua bán phụ nữ ở Việt Nam. Chẳng biết đó có phải là cách nhìn của những người lắm tiền về phụ nữ chúng ta hiện nay?", chị Hải, một khán giả TP HCM, bức xúc.

Đỗ Duy

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật