Phước Sang xin trả lại Diều vàng nếu phim không xứng đáng

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau lễ trao Cánh diều vàng 2006, việc có hai giải vàng cho phim truyện nhựa khiến nhiều người thắc mắc. Ban tổ chức giải thích lý do là hai tác phẩm có số phiếu bầu bằng nhau, nhưng vẫn không tránh khỏi bức xúc của người trong nghề. Phóng viên trao đổi với Phước Sang, nhà sản xuất "Áo lụa Hà Đông".
Phước Sang xin trả lại Diều vàng nếu phim không xứng đáng
Đạo diễn Phước Sang cầm trên tay biểu tượng Cánh diều vàng dành cho phim truyện nhựa xuất sắc "Áo lụa Hà Đông"

- Lãnh đạo Hội điện ảnh VN cho biết, trước khi bỏ phiếu, các giám khảo đã thỏa thuận miệng với nhau rằng, chỉ trao giải bạc cho "Áo lụa Hà Đông" chứ không phải giải vàng. Cảm giác của anh ra sao khi biết tin đó?

- Thật khó để nói lên ý kiến của mình về việc này, bởi đó là quyết định của Ban giám khảo. Hơn nữa, tôi chưa được xem Hà Nội - Hà Nội nên không biết nói gì. Giả sử được xem rồi, tôi sẵn sàng bày tỏ ý kiến dứt khoát giải vàng đó xứng đáng hay không xứng đáng. Nếu thực sự là một phim hay, tôi sẵn sàng ủng hộ và hoàn toàn vui vẻ. 

- Vậy trước đánh giá của một số thành viên Ban giám khảo rằng họ cảm thấy bất ngờ khi Ban tổ chức đã thay đổi quyết định để cả hai phim đồng giải vàng, thay vì "Hà Nội, Hà Nội" lẽ ra phải đứng trên "Áo lụa Hà Đông" một bậc, anh thấy sao?

- Phát biểu đó có xuất phát từ cái tâm của người cầm cân nảy mực không, hay chỉ là sự hiềm khích cá nhân? Tôi làm phim không phải cốt để kiếm Cánh diều vàng, mà mục tiêu của tôi là làm phim cho khán giả. Còn về giải thưởng, nếu so Cánh diều vàng với Liên hoan phim Pusan thì bên nào có giá trị hơn? Và phần thưởng Phim được khán giả bình chọn dành cho Áo lụa Hà Đông tại LHP này đã chứng minh giá trị thực của nó.

- Vậy còn chuyện nhiều người tỏ ra bất ngờ trước hai giải vàng được trao thì sao?

- Tôi không cho rằng chuyện này nên nói ra. Bất ngờ về cái gì, tại sao phải bất ngờ? Tôi thấy rằng việc một số giám khảo nhận xét Cánh diều vàng năm nay không bằng các năm trước là cách tư duy hết sức thiếu hiểu biết. Có ai so sánh Oscar năm này với Oscar năm trước, hay Cannes năm 2006 không bằng Cannes 2000 đâu. Phim được trao giải dựa vào mặt bằng phim dự thi của năm đó, là cuộc chơi sòng phẳng, năm nào trao năm đó chứ sao lại so sánh thế.

Với tôi, dù tham gia mà không giành phần thưởng cũng được, tôi chẳng phiền trách, nhưng khi đã trao và công nhận giải thưởng thì phải tôn trọng nó. Tại sao phải bới lông tìm vết khi mọi việc tưởng đã xong xuôi? Như thế là mất hòa khí không chỉ cho tôi. Nếu Ban tổ chức cảm thấy Áo lụa Hà Đông không thực sự xứng đáng, cần thiết tôi xin trả lại giải thưởng.

- Lần đầu tiên làm phim mà đoạt giải thưởng trong nước, sao anh lại chấp nhận "thả tay" chỉ vì những ì xèo?

- Cánh diều vàng là do Hội Điện ảnh tổ chức, nhằm tạo sân chơi công bằng cho những người làm điện ảnh. Tôi tham gia Cánh diều vàng không phải vì sự hơn thua. Được giải, tôi rất vui vì đó là sự khuyến khích, động viên tinh thần cho anh em nghệ sĩ chúng tôi, những người sẵn sàng hy sinh cho công việc. Tôi sẽ hoàn toàn tán thành nếu sau giải, những người làm chương trình cùng nhau ngồi lại rút kinh nghiệm, để từ đó có ý kiến đóng góp cho điện ảnh nước nhà ngày một tiến bộ. Chứ để bàn tán và phê phán như thế này, dù được ưu ái đi chăng nữa thì tôi cũng không khỏi bức xúc.

- Anh nghĩ thế nào về việc tiếp tục tham gia tranh Cánh diều vàng các năm sau?

- Tôi tiếp tục tham gia, nhưng trước đó tôi sẽ hỏi tiêu chí rõ ràng về việc chấm phim, và yêu cầu được công bố thành phần Ban giám khảo. Tôi cũng có kiến nghị, Hội Điện ảnh nên mời người chấm thi là thành viên đến từ các quốc gia có nền điện ảnh phát triển khác như Hàn Quốc, Trung Quốc... Người ngoài cuộc sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, chứ không chỉ những người trong nhà ngồi cãi nhau thế này. Như vậy, giải Cánh diều vừa có thêm uy tín, lại vừa tránh những khúc mắc về giải thưởng sau khi đã trao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật