Mỹ nối lại chương trình nhận con nuôi người Việt Nam sau 6 năm gián đoạn

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo trang Travel.state.gov của Cục Các vấn đề lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Chương trình nhận con nuôi đặc biệt (SAP) sẽ chính thức có hiệu lực từ 16.9. Điều này đánh dấu sự kết thúc của lệnh cấm kéo dài 6 năm do những cáo buộc liên quan đến việc buôn bán trẻ sơ sinh.
Mỹ nối lại chương trình nhận con nuôi người Việt Nam sau 6 năm gián đoạn
Ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie nhận nuôi bé Pax Thiên từ Việt Nam vào năm 2007 (Ảnh Just Jared)

Theo Đại sứ quán Mỹ, từ tháng 1.2006 đến tháng 4.2008, đã có 1.403 trẻ mồ côi VN được cấp thị thực sang Mỹ làm con nuôi. Tuy nhiên, vào tháng 9.2008, Mỹ không gia hạn hiệp ước về con nuôi với VN do các lo ngại liên quan đến tình trạng buôn người hoặc nhận con nuôi không có sự chấp thuận của bố mẹ đẻ.

Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc trên nhưng vẫn đồng ý đình chỉ việc nhận con nuôi với Mỹ.

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước Hague về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong vấn đề nhận con nuôi giữa các quốc gia. Quốc hội Việt Nam cũng đã sửa đổi Luật nuôi con nuôi, có hiệu lực từ năm 2011.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết: “Mỹ hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện các vấn đề chăm sóc trẻ em và nuôi con nuôi”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, 2 tổ chức của Mỹ gồm Dillon International và Holt International Children’s Services sẽ được cấp giấy phép nhận con nuôi ở Việt Nam nhưng chương trình này chỉ áp dụng với trẻ em trên 5 tuổi, trẻ có các anh chị em và có nhu cầu đặc biệt.

Hiện nay, có tổng cộng 36 đơn vị nhận con nuôi ở nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Italia và Thụy Điển.

Trước khi lệnh cấm được ban hành, chỉ có khoảng 5% trẻ em được nhận nuôi từ 5 tuổi trở lên trong hầu hết các trường hợp được nhận nuôi là trẻ em dưới 2 tuổi.

Ông Tad Kincaid, nhà sáng lập quỹ Orphan Impact ở thành phố Hồ Chí Minh hoan nghênh việc tái khởi động chương trình nhận con nuôi đi kèm với các quy định hạn chế là “một bước đi đúng đắn”.

Ông Kincaid cho rằng, những vấn đề như lừa đảo, tham nhũng, thiếu giấy tờ đã gây cản trở tới chương trình nhận con nuôi giữa Việt Nam và Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, việc hạn chế giấy phép nhận con nuôi cho 2 đơn vị của Mỹ thay vì hàng chục đơn vị như trước đây sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát hoạt động này và ngăn ngừa tham nhũng.

Người Mỹ đã quan tâm đặc biệt tới việc nhận con nuôi ở Việt Nam sau khi ngôi sao điện ảnh Angelina Jolie nhận nuôi bé Pax Thiên từ Việt Nam vào năm 2007.

Theo quỹ Kincaid Orphan, thống kê về số lượng trẻ em mồ côi tại Việt Nam là rất khác nhau, từ khoảng 143.000 trẻ đến 1,5 triệu trẻ mồ côi./



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật