Ca sĩ Hồng Nhung sốc khi tận mắt thấy tê giác bị giết

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tê giác bị chặt mất sừng, xác bị bỏ trong bụi rậm, những dòng máu đỏ tươi vẫn còn chảy thấm đẫm vào cát trắng“, ca sĩ Hồng Nhung không nén nổi cảm xúc khi chứng kiến cảnh tượng tê giác ở Nam Phi bị giết hại.
Ca sĩ Hồng Nhung sốc khi tận mắt thấy tê giác bị giết
Hồng Nhung cảm thấy đau xót khi chứng kiến cảnh tê giác bị sát hại. Ảnh: ENV.

Ca sĩ Hồng Nhung đã có mặt ở Nam Phi từ ngày 8/9 với tư cách là một đại biểu của đoàn Việt Nam sang quốc gia này để tìm hiểu nạn thảm sát tê giác và những hậu quả của nhu cầu tiêu thụ sừng tê tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong ngày làm việc thứ 5, Hồng Nhung đã di chuyển trên máy bay trực thăng vào sâu bên trong vườn quốc gia Kruger, Nam Phi. Vừa đặt chân đến đây, nữ ca sĩ đã bắt gặp thực tế nghiệt ngã của nạn buôn bán sừng tê bất hợp pháp. Đó là xác một tê giác đã bị những kẻ săn trộm bắn chết, chặt mất sừng và bỏ lại trong bụi rậm. Một cán bộ kiểm lâm của đội chống săn trộm chỉ rõ cách mà bọn săn trộm chặt sừng tê tàn nhẫn như thế nào, thậm chí chúng chặt sừng ngay cả khi tê giác vẫn còn sống.

"Tôi cảm thấy rất sốc trước cảnh tê giác bị sát hại dã man và bị chặt mất sừng, những dòng máu đỏ tươi vẫn còn chảy, thấm đẫm vào cát trắng. Đây là hiện trường tội ác ghê ghớm nhất mà tôi từng chứng kiến trong cuộc sống", Thông cáo của Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV dẫn lời ca sĩ Hồng Nhung.

Xác con tê giác được các cơ quan chức năng của Vườn quốc gia Kruger phát hiện ngày 13/9 là cá thể thứ 758 bị giết hại trong năm nay tại Nam Phi.

"Cần phải chấm dứt nạn thảm sát tê giác. Chúng ta cần thực hiện trách nhiệm của mình ở Việt Nam, đó là hãy xóa bỏ nhu cầu tiêu thụ sừng tê để không còn cá thể tê giác nào bị giết hại nữa", nữ ca sĩ kêu gọi.

Hồng Nhung vẫn không thể rời mắt khỏi xác cá thể tê giác xấu số khi rời khỏi hiện trường. Ảnh: ENV.

Ông Andrew Paterson, đơn vị tổ chức chuyến thăm và làm việc của đoàn Việt Nam tại Nam Phi cho rằng, để chấm dứt tình trạng săn bắn và buôn bán sừng tê cần nỗ lực của cả hai mặt trận, trong đó Nam Phi cần phải ngăn chặn và giải quyết nạn săn trộm tê giác một cách triệt để, còn các nước như Việt Nam cần chấm dứt nạn tiêu thụ sừng tê giác, và làm sao để cộng đồng biết rằng đây là hành động tiếp tay cho mạng lưới tội phạm toàn cầu.

Theo bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong thập kỷ qua. Ở Việt Nam, một bộ phận người giàu có sử dụng sừng tê để thể hiện đẳng cấp, một bộ phận khác lại mù quáng tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, thậm chí là ung thư.

Theo thống kê của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (EWT), chỉ trong 40 năm qua, lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25 nghìn con trong tự nhiên. Nam Phi sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới, nhưng riêng năm 2013, đã có ít nhất hơn một nghìn con tê giác bị thảm sát để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Các nhà bảo tồn cho biết, nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chỉ trong 6 năm nữa, các loài tê giác trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật