Cuộc đời bí ẩn của danh nhân Hàn Thuyên

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàn Thuyên là một danh nhân nổi tiếng của Việt Nam thời nhà Trần. Hiện nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh…, nhiều trường học, nhà xuất bản cũng mang tên ông. Tuy nhiên, tiểu sử và cuộc đời của ông đến nay vẫn là một ẩn số.
Cuộc đời bí ẩn của danh nhân Hàn Thuyên
Đền thờ của danh nhân Hàn Thuyên tại quê hương của ông.

Trong chuyến công tác về quê hương của Hàn Thuyên, khi tiếp cận với hậu duệ của ông, chúng tôi được biết nhiều thông tin mới cần tiếp tục được các nhà nghiên cứu làm rõ.

Ông tổ văn nôm và bài văn tế đuổi cá sấu kỳ lạ

Men theo triền đê sông Đuống đến địa phận xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi về thăm quê hương của danh nhân Hàn Thuyên. Theo tài liệu lịch sử ghi lại, tên thật của ông là Nguyễn Thuyên sinh ngày 15.2, mất ngày 17.5 (hiện chưa rõ năm sinh và năm mất), người làng Lão Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách (nay là Lai Hạ, Lương Tài, Bắc Ninh). Nguyễn Thuyên là cháu gọi cụ Nguyễn Dương là ông nội. Cụ Nguyễn Dương là võ cử làm quan thời nhà Lý được phong Thái Bảo - Quận công. Năm 1151, cụ Nguyễn Dương bị gian thần hãm hại. Sau sự kiện đó, con cháu cụ Nguyễn Dương, trong đó có Nguyễn Thuyên phải sống ẩn dật. Năm Đinh Tỵ 1248, nhà Trần mở khoa thi Đại Tỵ lấy Đại học sĩ, Nguyễn Thuyên tham gia thi và đỗ Tiến sĩ, làm đến chức quan Hình bộ Thượng thư.

Một trong những đóng góp lớn nhất của Hàn Thuyên đối với đất nước chính là việc phát triển chữ nôm. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam văn học sử yếu, cho rằng: "Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên có thể coi là ông tổ của văn nôm”. Tập thơ nổi tiếng của ông đó là tập “Phi sa giản tập”. Đây là tập thơ được nhiều người khen ngợi. Phi sa giản tập viết về làng cảnh, thiên nhiên, đa phần là thơ cách luật. Thơ nôm theo kiểu Đường luật từ Hàn Thuyên, về sau được nhiều người hưởng ứng làm theo như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly... Và vì ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường làm thơ Nôm nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật (Hàn: Hàn Thuyên) là để ghi lại công trạng này.

Nói về danh nhân Hàn Thuyên, người ta thường nói nhiều đến bài văn tế đuổi cá sấu kỳ lạ. Theo Việt sử cương mục, tháng 8 năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282), đời Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên đang là Hình bộ Thượng thư, theo vua đến sông Phú Lương (nhà nghiên cứu Dương Đình Khuê, Dương Quảng Hàm cho là sông Hồng hiện nay nhưng cũng có ý kiến cho rằng là sông Lô) thì gặp cá sấu nổi lên trước thuyền. Vua sai ông làm bài văn vứt xuống sông. Cá sấu bỏ đi. Vua Trần cho việc này giống Hàn Dũ bên Trung Hoa nên ban cho ông họ Hàn. Bài thơ này về sau được một số người nhắc đến vì ngoài việc sử dụng chữ Nôm khá thành thạo còn có nội dung tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Hiện, tại đền thờ của ông ở Lai Hạ vẫn treo bài thơ này.

Viên sỏi hình trái tim được thờ cùng với tượng Hàn Thuyên.

Những ẩn số chờ giải đáp?

Trong hành trình tìm hiểu về vị danh nhân độc đáo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dính là trưởng họ Nguyễn ở Lai Hạ (thuộc dòng dõi cụ Nguyễn Thuyên). Theo ông Dính, cụ tổ của dòng họ chính là danh tướng Nguyễn Bặc, một khai quốc công thần đời Đinh Bộ Lĩnh. Trong những năm chiến tranh chống thực dân Pháp họ của ông mất gia phả nên không rõ di chuyển về đây từ bao giờ. Kể về Nguyễn Thuyên, ông xác nhận là người của dòng họ mình và Lai Hạ vốn là nơi sinh ra của ông. Tiếp nối câu chuyện về bài văn tế đuổi cá sấu của Nguyễn Thuyên, ông Dính cho biết, dòng họ ông vẫn lưu truyền lại nhiều tình tiết về cuộc đời Hàn Thuyên sau bài văn này.

Ông Dính cho biết, sau khi Nguyễn Thuyên làm bài văn tế và có công đánh đuổi cá sấu trên dòng sông Phù Lương, về triều, vua Trần có hỏi ý ông muốn được ban thưởng gì? Nguyễn Thuyên mỉm cười và bảo: Đời ông sống thanh bạch đã quen, không màng gì đến vàng bạc châu báu. Nhưng dân làng ông, vốn làm nghề chài lưới cuộc sống còn nhiều khó khăn, vì thế ông đã xin nhà vua ban cho dân làng Lai Hạ được đặc ân đánh bắt cá. Vua nghe xong khen ông là người nhân nghĩa nên đã ân chuẩn cho dân làng được độc quyền đánh bắt cá ở một khúc sông lớn trên dòng sông Đuống và không phải đóng bất cứ một khoản phí nào. Vì thế người làng ông xưa có câu: “Đại giang là của Đông Giàng/ Tiểu giang là của riêng làng Lai Hạ”.

Ông Nguyễn Hữu Dính - trưởng dòng họ Nguyễn ở Lai Hạ đang trao đổi với phóng viên.

Nhưng rồi chính những ngày cuối đời, Nguyễn Thuyên lại gặp phải muôn vàn sóng gió. Khi về hưu, ông về lại ngôi làng của mình như một người ở ẩn. Tuy nhiên, có một điều khó hiểu mà đến nay vẫn chưa được làm rõ. Là sau khi về hưu, ông xây nhà theo kiểu “nội công ngoại quốc”, trong nhà sắm nhiều đồ giống như ngai vàng, bát bộ… Việc đến tai một số kẻ nịnh thần trong triều. Những tên quan này đã tâu lên vua cho rằng ông có ý định làm phản. Vua tức tốc phái quan khâm sai đến để tìm hiểu thực hư.

Viên quan này đến, Nguyễn Thuyên thật thà cho rằng ông lập nhà như vậy là để thờ Phật, còn việc thờ phụng những đồ giống như cung điện là muốn tỏ ý trung thành, một lòng vẫn hướng về nhà vua và đất nước. Ông không hề có ý làm phản vì trong nhà đâu có kho tàng vũ khí, ông cũng không hề chiêu binh mãi mã… Những lời nói của ông đã thuyết phục được sứ giả và ông thoát khỏi kiếp nạn tai ương. Tuy nhiên, ông vẫn nhận ra mối nguy hiểm rình rập mình. Rồi vào một đêm, ông cùng gia quyến bí mật ra đi và để lại 3 chữ: “Dân nại tri” (nghĩa là một lời từ biệt của ông với dân làng). Hiện 3 chữ nôm này vẫn được treo ở đền của ông.

Từ khi ông đi, không ai biết được tông tích của ông nữa. Phải đến năm 2013 (sau gần 800 năm sau), có một người thanh niên ở Thái Bình đã đến tìm ông Dính cho biết, anh chính là con cháu của cụ Nguyễn Thuyên đến xin nhận lại họ hàng. Anh thanh niên cho biết, hiện mộ của danh nhân Nguyễn Thuyên được chôn ở Thái Bình và đề nghị được công nhận. Tuy nhiên, do sự việc chưa rõ ràng nên dòng họ ông Dính chưa dám quả quyết chuyện này. Thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, ông bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu hãy vào cuộc làm sáng tỏ để dòng họ ông được nhận lại nhau và để phần đời còn lại của cụ Nguyễn Thuyên được người đời biết đến.

Văn tế cá sấu

Ngặc ngư kia hỡi! Mày có hay!

Biển Đông rộng rãi là nơi này

Phù Lương đây thuộc về thánh vực

Lạc lối đâu mà lại đến đây

Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa

Dân quen chài lưới chẳng tay vừa

Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy

Xuống nước giao long cũng phải chừa

Thánh thần nối dõi bản triều nay

Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay

Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh

Biển lặng sông trong mới có rày

Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy

Nhân vật đều yên đâu ở đấy

Ta vâng đế mạng bảo cho mày

Hãy vào biển khơi mà vùng vẫy...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật