Thủ tướng: Tự chủ sẽ giúp nâng chất lượng giáo dục ĐH

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thực tiễn đã chứng minh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho trường đại học là đúng đắn, phù hợp với thực tế, do đó nên phát huy để tạo điều kiện cho các trường phát triển.
Thủ tướng: Tự chủ sẽ giúp nâng chất lượng giáo dục ĐH
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại họcc. Ảnh: VPCP.

Sáng 26/8, tại Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường đại học; dự thảo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT là ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TP HCM; ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội.

Là một trong những trường được tự chủ hoàn toàn từ năm 2008, lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, cơ chế tự chủ đã giúp trường có trên 1.000 cán bộ giảng dạy chất lượng, tạo ra tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.

Lãnh đạo nhiều ĐH danh tiếng như Bách khoa, Ngoại thương, Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc giao quyền tự chủ cho các trường. Những vị này đề nghị, cần nghiên cứu để có đề án về tài chính, để các trường thực sự tự chủ chứ không còn phải thí điểm.

Ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc ban hành nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học sẽ thực sự là một bước đột phá cho giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực vì tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng. “Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè dù đúng”, ông nói.

Về vấn đề tự chủ tài chính, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung thông tin, Bộ đang chủ trì sửa đổi Nghị định 43 về quy chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các cơ sở công lập sẽ được tạo điều kiện chuyển hẳn sang mô hình quản trị doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho hay, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, quyết định để giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ với giáo dục đại học, mà cả trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học… Giai đoạn thí điểm, vì thế sẽ nhanh chóng được đánh giá tổng kết để thực hiện tự chủ cho toàn bộ đơn vị.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, trường đại học, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục đại học phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, song nhận thức chung cho thấy việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Thừa nhận việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học còn chậm, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về đào tạo, bộ máy tổ chức... cho các trường đại học. Học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên đại học công lập, đồng thời Nhà nước hỗ trợ trực tiếp học phí cho sinh viên nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số...

"Chúng ta đã có chủ trương, các văn bản quy định, thực tế cũng chứng minh về kết quả và tính đúng đắn, do đó cần tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những khiếm khuyết, mạnh dạn hơn nữa để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, tạo điều kiện cho các trường phát triển", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, các trường để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ cho các trường đại học đưa ra thảo luận và quyết định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật