Máy tính bảng giá 900.000 đồng “nghi” thuộc đề án 4.000 tỷ: AIC phủ nhận, Sở im lặng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách trả lời của AIC thì vẫn còn nhiều mâu thuẫn, trong khi đó đơn vị trực tiếp liên quan đến “đề án 4.000 tỷ” thì lại chọn cách im lặng.

Trước thông tin nghi vấn về sự “bắt tay” giữa Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng Sở GDĐT TP.HCM thực hiện Đề án 123 (sắm máy tính bảng cho học sinh lớp 1, 2, 3), PV đã liên lạc để lắng nghe ý kiến từ những người trong cuộc.

Thông tin bịa đặt?

Trước việc bị nghi là đơn vị “xúi giục” Sở GDĐT TP.HCM đưa ra đề án sắm máy tính bảng cho trẻ lớp 1, 2, 3 ở địa phương này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - TGĐ Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - bức xúc cho biết: “Công ty chúng tôi tham dự hội thảo hôm 18.8 với vai trò là khách mời đến tư vấn, giới thiệu các đối tác uy tín cho Sở. Tôi không hiểu vì sao lại có thông tin chúng tôi là đơn vị “xúi” Sở triển khai đề án”.

Ngoài ra, liên quan đến chiếc máy tính bảng giá 900.000 đồng (xuất xứ từ Đài Loan) bị “nghi” là nằm trong đề án 4.000 tỷ, bà Nhàn khẳng định:

“Công ty chúng tôi chưa bao giờ nhập loại máy tính bảng 7 inch nào với giá 900.000đ/chiếc để đưa vào bất cứ dự án giáo dục nào tại TP.HCM hay các địa phương khác. Chúng tôi có mua máy tính bảng và nhập qua cảng Hải Phòng là để phục vụ cho công việc nội bộ của Công ty chúng tôi, để chạy thử các phần mềm thử nghiệm và tặng cho cán bộ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập công ty.

Các loại máy tính bảng được nhập ở cảng Hải Phòng không phải loại 7 inch và cũng không có giá 900.000đ/chiếc như báo chí đưa, tôi không hiểu vì sao lại có thông tin bịa đặt như vậy. Tôi cho rằng đây là hành vi vu khống trắng trợn”- bà Nhàn nhấn mạnh.

Trong khi đó, về phía Sở GDĐT TP.HCM - đơn vị chủ trì đề án 4.000 tỷ lại chọn cách… im lặng. Cụ thể, trước thông tin mà báo chí đăng tải liên quan đến chiếc máy tính bảng giá 900.000 đồng, PVđã nhiều lần liên lạc với ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, sau đó nhắn tin xin được gặp nhưng ông Sơn không trả lời. Sau đó, chúng tôi đã trực tiếp đến Sở GDĐT, tuy nhiên cũng không gặp được ông Sơn.

Sau cùng, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM thì ông Đạt chỉ ngắn gọn: “Vấn đề vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, xin ý kiến”.

Lý giải mâu thuẫn

Liên quan đến cách lý giải của ban lãnh đạo AIC về thông tin máy tính bảng giá 900.000 đồng, nhiều mâu thuẫn đã bộc lộ. Cụ thể, theo lý giải của ban lãnh đạo công ty này trên một tờ báo thì loại máy tính bảng đưa ra tại phòng demo trong hội thảo của Sở GDĐT TP.HCM ngày 18.8 là loại 7,8 inch được nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Nội Bài, số lượng 1.400 chiếc.

Tuy nhiên, trước thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, trong tháng 7.2014, có một lô hàng máy tính bảng nhập từ Đài Loan cập cảng Hải Phòng và được gửi trong kho của Tân Cảng Đình Vũ. Theo tờ khai vận đơn, đơn vị nhận lô hàng là Công ty AIC Advanced International Joint Stock (Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế).

Theo giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, lô hàng này gồm 3.500 chiếc được đóng trong một container 40 feet, đơn vị cung cấp lô hàng này là một công ty của Đài Loan có tên Star Max Technology Ltd.

Ngay sau khi có thông tin này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- TGĐ Công ty CP Tiến bộ Quốc tế lại thừa nhận loại máy mà báo chí đăng là nhập từ cảng Hải Phòng (?).

Ngày 26.8, trước đông đảo báo giới, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Lê Hoài Nam đã nói thêm về đề án này: Đề án mới trong quá trình tổ chức hội thảo lấy ý kiến. Trong hội thảo, Sở cũng đặt ra vấn đề như mục đích, cách làm để mọi người cho ý kiến.

Nội dung đặt ra là chương trình trên SGK điện tử ra sao, trình độ giáo viên, cơ sở hạ tầng CNTT như thế nào cho đồng bộ. Ông Nam cũng cho biết Sở có mời Intel và Samsung sản xuất máy tính bảng, chuyên gia nước ngoài đã triển khai SGK điện tử để chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Lâm Thiếu Quân - Đại biểu HĐND TP.HCM: Nên triển khai thí điểm cho học sinh lớp lớn trước

Theo tôi, không nên cho học sinh tiểu học sử dụng máy tính bảng. Chúng ta biết, một trong những điểm yếu nhất của thanh thiếu niên Việt Nam là kỹ năng giao tiếp. Do đó, con trẻ của chúng ta cần phải phát triển tốt kỹ năng trong giao tiếp với người khác. Máy tính bảng không những không giải quyết được mục tiêu giáo dục này. Thực tế đã cho thấy đứa trẻ nào gắn với máy tính quá sớm sẽ dễ có tâm lý cô lập,  không thể giao tiếp tốt.

Theo tôi, vấn đề cần cải thiện là phương cách truyền đạt trong giáo dục và nên xem máy tính bảng chỉ là một công cụ hỗ trợ tốt, với phương châm nội dung đi trước, công cụ đi sau. Tuy nhiên, không nên áp dụng cho học sinh các lớp 1, 2, 3. Như thế là làm ngược. Nên triển khai thí điểm cho học sinh cấp 3 trước, sau đó thí điểm dần xuống các cấp học dưới. Các nước trên thế giới cũng chưa ai làm như chúng ta. Do đó, cần có các bước thử nghiệm, đánh giá cho đúng.

Trước đây, đã có các vụ lùm sùm về câu chuyện bảng tương tác điện tử. Nghe đâu trị giá khoảng 180 triệu đồng/cái, nhưng các trường lại phản ánh với các đại biểu HĐND là quá tốn kém mà hiệu quả thấp. Đến lượt đề án máy tính bảng  phải cân nhắc cho kỹ. dư luận bức xúc vì nghe qua thì chẳng có ai - từ nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh - thấy được cái lợi gì cả, chỉ thấy trước mắt làm lợi cho công ty bán máy tính bảng mà thôi.

Chưa kể, như báo chí vừa thông tin, loại máy tính bảng được đề xuất trong đề án chỉ có giá chưa tới 1 triệu đồng/chiếc. Có ý kiến cho rằng việc triển khai SGK điện tử giúp tiết kiệm tiền cho người dân trong việc mua sắm SGK. Nhưng theo tôi, cách tiết kiệm hiệu quả nhất là tung nội dung SGK lên mạng, để người dân tự do tải về dùng cho con cái đi học.

Ông Đinh Kim Phúc - Giảng viên môn quan hệ quốc tế, trường Đại học Mở TP.HCM: Công cụ không thể đổi mới toàn diện giáo dục

Các trang thiết bị cho dù hiện đại, tiện lợi đến đâu, như máy tính bảng chẳng hạn, đều chỉ được xem là công cụ mà thôi. Không thể có một nền giáo dục chất lượng cao do được trang bị các công cụ đó. Công cụ không thể “đổi mới toàn diện” được chất lượng giáo dục. Trong khi đó, 3 yếu tố quan trọng để quyết định chất lượng giáo dục, đó là nội dung chương trình, soạn thảo SGK và trình độ giáo viên thì lại chưa được quan tâm đủ.

Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy thời gian gần đây Sở GDĐT TP.HCM liên tiếp có những đề án, đề nghị xôn xao dư luận. Tôi cho rằng các đề án vừa rồi của sở sẽ khó được  thông qua. Nhưng quan trọng hơn là lãnh đạo thành phố cần tìm ra bản chất “đằng sau” đề án này là gì? Nhằm mục đích đổi mới cơ bản giáo dục hay chỉ là để thu chiết khấu phần trăm hoa hồng?

Tại sao cơ quan này lại liên tiếp có những đề án bị dư luận lên án như vậy? Một đề án chỉ nhằm mua sắm trang thiết bị với kinh phí dự kiến lên đến hơn 4.000 tỷ đồng hoàn toàn mang tính áp đặt. Phải làm rõ để phòng ngừa những đề án như vậy của các sở, ngành khác.

Mới đây lại có bằng chứng cho thấy những loại máy tính bảng “tương tự” như loại máy được nêu trong đề án chỉ có giá vài trăm ngàn và chất lượng thì không được kiểm soát chặt. Đề nghị thành phố cho dừng và tiến hành thanh tra toàn bộ đề án này của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật