Chiến lược ngành ô tô Bộ Công Thương vừa công bố đã lạc hậu

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại Hội nghị công bố Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025 tầm nhìn đến năm 2035 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/8, “Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành ô tô” mà Bộ Công thương công bố bị nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước nhận xét đã lạc hậu...
Chiến lược ngành ô tô Bộ Công Thương vừa công bố đã lạc hậu
Ảnh minh họa

Mục tiêu đề ra đối với sản lượng xe ô tô sản xuất trong nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ bằng 50% của Thái Lan hiện tại là quá lạc hậu so với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô các nước khác. Bên cạnh đó, vai trò làm chính sách của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính còn hạn chế, chưa đồng bộ; Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế, còn Bộ Tài chính nhắc đến thuế thì lắc đầu…

Theo ông Dương Đình Giám, viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp (Bộ Công thương), bản quy hoạch phát triển ngành ô tô do viện này xây dựng, được Thủ tướng mới phê duyệt (Quyết định 1211/QĐ-TTg) tháng 7.2014 đặt mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe khách, xe tải thông dụng, một số loại xe chuyên dùng và VN cũng sẽ trở thành nơi cung cấp linh kiện, phụ tùng, một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô của thế giới. Dự kiến, sản lượng xe sản xuất trong nước loại ô tô đến 9 chỗ vào năm 2020 sẽ đạt 114.053 chiếc; năm 2025 đạt 237.900 chiếc; xe ô tô trên 10 chỗ năm 2020 đạt 14.154 chiếc, năm 2025 đạt 29.102 chiếc...

“Bản quy hoạch này tôi e rằng sớm lạc hậu vì nó được soạn trong thời kỳ  2011 - 2013, khi thị trường ô tô đi xuống như năm 2012, thị trường ô tô sụt giảm 15%... nên để mức tăng trưởng có 10 - 15%. Những con số theo mốc trên có thể thấy là rất thấp. Cho đến năm 2030 mà loại xe đến 9 chỗ chưa đạt 500.000 chiếc thì quá thấp. Cứ theo quy hoạch này, cho đến năm 2035, sản xuất ô tô còn chưa bằng tiêu thụ ở Thái Lan hiện nay thì không thực tế “, ông Nguyễn Xuân Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Vinaxuki nhận xét.

Đại diện Công ty Honda VN lại cho rằng các chính sách vẫn thiếu cụ thể. Đơn cử như tiêu chí thế nào là xe “tiết kiệm nhiên liệu”, “thân thiện với môi trường” chưa được làm rõ. Hay việc quy định áp mức trần thuế nhập khẩu ô tô tùy theo chất lượng và số lượng linh kiện, phụ tùng... thì theo Công ty CP 19.8, bản quy hoạch chưa nêu được tiêu chí nào để đánh giá chất lượng...

Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và nhiều nhà đầu tư chưa yên tâm với chính sách được nêu ra. “Để xây dựng được ngành ô tô trong nước cần phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích lâu dài, nhất quán thì mới thu hút được đầu tư. Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay còn rất cao, nên có lộ trình giảm. Phát triển công nghiệp phụ trợ cũng phải có chính sách cụ thể, thực tế hơn để thu hút nhà đầu tư vào các dự án lớn để giảm giá thành. Nếu không làm nhanh những điều này, không có ngành công nghiệp ô tô đâu...”, ông Dương nói.

Đại diện một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (VAMA) nhận định lộ trình giảm thuế, phí, giảm chênh lệch chi phí (hiện nay là 20%) giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc  (CBU) chưa rõ ràng; chính sách phát triển ngành ô tô giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương chưa nhất quán... tất cả đã khiến ngành công nghiệp ô tô VN, nói như ông Nguyễn Xuân Huyên là vẫn còn “ở trên giấy”.

Trả lời những ý kiến trên, ông Lê Dương Quang - Thứ trưởng Bộ Công thương và ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng đều cho biết Bộ Công thương sẽ tiếp tục trao đổi với các bộ liên quan để soạn thảo, trình Chính phủ các chính sách cụ thể.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật