Bộ trưởng Tài chính: Ai chi sai, người đó phải chịu trách nhiệm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tinh thần của dự luật Ngân sách sửa đổi sắp tới là “ông nào tiêu ngân sách, ông đó có trách nhiệm giải trình”.
Bộ trưởng Tài chính: Ai chi sai, người đó phải chịu trách nhiệm
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Ông Dũng nói tại Hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công có chủ đề: “Kế hoạch hoạt động Nhóm đối tác tài chính công và Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước” do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì tổ chức ngày 20-8-2014.

Ông cho biết, Bộ trưởng Tài chính chỉ là người đưa ra chính sách, và thổi còi khi bên dưới làm sai. Còn nếu địa phương đầu tư hay chi tiêu sai, thì đã có hội đồng nhân dân giám sát, thổi còi.

“Thiết kế luật như vậy thì minh bạch hơn nhiều, để làm rõ trách nhiệm cá nhân. Người quyết định chi tiêu phải chịu trách nhiệm”, ông nói.

Ông cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm giám sát khi các dự án đầu tư công bị đầu tư dàn trải.

Có mặt tại hội thảo, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa khuyến cáo Việt Nam cần công khai ngân sách một cách minh bạch hơn để người dân được biết.

“Việt Nam cần công khai thông tin ngân sách với công chúng một cách tốt hơn. Thông tin đã có sẵn, nhưng lại chưa được truyền thông tốt”, bà  nói tại hội nghị.

Bà nhận xét, các khoản phí, lệ phí do các đơn vị sự nghiệp thu cần phải được báo cáo số thu ròng. Hơn nữa, các đơn vị này không nên được trao quyền để giữ lại các khoản phí, lệ phí này để tự chi tiêu vì ảnh hưởng tới minh bạch nguồn thu ngân sách.

Bà cũng cảnh báo tình trạng một số tỉnh vay nợ quá nhiều cho đầu tư, và vượt cao hơn so với khả năng trả nợ của họ.

Bà Kwakwa cho rằng, cải cách tài chính công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống, an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tái cấu trúc lại nền kinh tế của Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng trung bình khoảng 18%/năm trong cả thập kỷ 2004-2013.

Tham dự cuộc họp có khoảng 150 đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội (Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Đối ngoại); Kiểm toán Nhà nước; các cơ quan của Chính phủ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng); các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển (WB, ADB, EU, IMF, JICA, SECO...), đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác tài chính song phương với Bộ Tài chính (Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Luxembourg, ...).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật