Gặp đôi vợ chồng già “cháy” với nghề rèn giữa Sài Thành

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vào thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, nghề rèn còn là kế sinh nhai của nhiều gia đình. Khi máy móc công nghiệp dần thay những nhát búa, thanh đe thì nghề rèn cũng dần đi vào quên lãng.
Gặp đôi vợ chồng già “cháy” với nghề rèn giữa Sài Thành
Nhễ nhại mồ hôi, ngày ngày ông Châu vẫn nuôi trong mình đam mê

Tuy vậy, ngày nay, giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội vẫn còn một cặp vợ chồng sống chết với nghề, tiếng búa vẫn vang lên, ngọn lửa yêu nghề vẫn hừng hực cháy trong con hẻm nhỏ…

Một thời vàng son

“Anh đi tìm ông Châu lò rèn hả? Cứ đi thẳng vào chợ, nghe chỗ nào ầm ĩ tiếng đe, tiếng búa là nhà ổng đó”, bác xe ôm chỉ tay vào con đường Nhật Tảo - có cùng tên với khu chợ. Có lẽ do đã tiếp xúc khá nhiều phóng viên đến tìm hiểu, viết bài, ông Châu và vợ nói chúng tôi ngồi chờ một lát vì thanh thép đang đỏ, không thể đợi người đập nghỉ tay búa. Trong căn nhà chưa đầy chục mét vuông, tiếng búa, tiếng đập vang lên nghe đanh đách. Màu lửa vàng rực, màu nắng soi sáng cái xưởng bé tí tẹo bằng những vệt sáng loang lổ, ánh lên những giọt mồ hôi của ông lão tuy đã lục tuần nhưng còn rắn chắc. Ông tên Lê Văn Châu (61 tuổi), còn bà là Nguyễn Thị Minh Nguyệt (52 tuổi) - là cặp vợ chồng hiếm hoi còn theo nghề rèn trên mảnh đất Sài Gòn phồn hoa đô hội.

Nói đến nghề rèn, hẳn trong tâm trí ai cũng nghĩ đó là cái nghề vất vả, thấm đẫm mồ hôi. Ngày nay, phương tiện máy móc hiện đại, mấy ai dùng con dao, cái cuốc được làm bằng tay, lưỡi cày thô kệch. Nhưng lạ lùng là giữa Sài Gòn của thế kỷ 21 vẫn còn một lò rèn và đặc biệt hơn nữa là hàng của vợ chồng ông làm ra bán rất chạy. Có lẽ, vì lý do đó mà lò lửa, cái đe, cái búa vẫn ngày ngày được ông bà dốc sức duy trì suốt hơn 30 năm nay.

Vợ chồng ông Châu – bà Nguyệt bên thanh thép đỏ.

Tắt lửa lò sau khi mẻ sản phẩm cuối ngày được hoàn thành, ông Châu quay lại nói chuyện với chúng tôi. Mấy chục năm trước, nghề này được nhiều người theo vì nhu cầu công cụ lao động rất lớn. Thấy thu nhập có thể nuôi được gia đình, hàng chục lò rèn được lập nên khắp Sài Gòn. Thị trường tiêu thụ lúc ấy không khó tính như bây giờ. Bà con nông dân rất thích những mẫu mã mới, chất lượng tốt do các lò rèn Sài Gòn làm ra – đặc biệt là bà con nông dân miền Tây. Ông Châu vào nghề trễ hơn các bậc tiền bối vì ông vốn là một tay ngang. “Năm đó, tôi chia tay người vợ đầu rồi lao vào nghề thợ xây, sau đó là thợ sơn…, nhưng cuộc sống vẫn quá bấp bênh. Ngày tôi quen bả (bà Nguyệt) rồi sống với nhau như vợ chồng, tôi với bả nghĩ cách kiếm kế sinh nhai. Cha vợ trước của tôi là chủ một lò rèn có tiếng nên bày cho tôi nghề này. Thời đó, hàng làm ra không kịp bán. Lúc cao điểm, tôi phải thuê hơn chục thợ để làm cho kịp, không thì mất mối. Nói thật, chính cái nghề này đã nuôi sống gia đình tôi suốt mấy chục năm nay”, ông Châu bộc bạch.

Những năm hoàng kim đó, ông sản xuất rất nhiều thứ khác nhau, từ cái búa, cái rìu, con dao, cái kéo cho đến những vật dụng chuyên dành cho nghề sửa chữa ôtô, tiểu thủ công nghiệp. Do kỹ tính, nên những sản phẩm ông làm ra đều rất đẹp, độ bền cao và được khách hàng tín nhiệm. Bà con nông dân miền Tây biết sản phẩm ông Châu bền, tốt nên rất thích, một số đại lý ngày nay vẫn còn duy trì mối lấy sỉ từ ông để bán lại. Các tiệm chuyên sửa xe ôtô ở quận 5 gần đó nghe danh ông Châu khéo tay cũng thường xuyên đặt hàng những dụng cụ phục vụ cho nghề. “Thời hoàng kim ấy nay cũng dần xa rồi. Giờ thì máy móc hiện đại, mẫu mã sản phẩm đẹp nên hàng lò rèn bắt đầu hiếm người mua. Ngày trước, mặt hàng dao, kéo được tôi sản xuất, bán ra rất nhiều nhưng nay đã bị hàng Trung Quốc giá rẻ chiếm hết. Giờ tôi chỉ tập trung vào những công cụ lao động phục vụ bà con nông dân nên cũng ít sản xuất những sản phẩm này nữa”, ông Châu thổ lộ bằng giọng buồn buồn.

Vẫn một tình yêu nghề cháy bỏng

Nói như những người hàng xóm thì hiếm có ai yêu nghề rèn như vợ chồng ông Châu. Ban đầu, tiếng đe, tiếng búa khiến họ cảm thấy khó chịu nhưng dần dần họ lại thấy quen. Nhiều hôm, vợ chồng ông có việc, những âm thanh ấy vắng đi khiến họ cảm thấy như thiếu một điều gì đó thân thuộc, như nhịp đập của con phố nhỏ. Suốt hơn 30 năm trời, tuy làm cái nghề có vẻ rất “sức mạnh” nhưng vợ chồng ông chưa bao giờ to tiếng với nhau. Những đứa con của ông cũng vậy, biết thương bố mẹ vất vả nên sống rất ngoan hiền và hiếu thuận. “Bà ấy ngày xưa có biết rèn với giũa gì đâu. Thấy tôi làm, bả cũng xúm vào phụ. Lâu ngày, thấy tôi làm gì thì bả làm theo…, riết rồi thành thợ rèn”, ông cười khi kể về người vợ tần tảo của mình.

Tuy đã hơn 50 tuổi, nhưng bà Nguyệt vẫn còn rất tâm huyết với nghề rèn.

Nhìn người phụ nữ đã hơn ngũ tuần giáng từng nhát bùa chan chát lên thanh thép đỏ rực, chúng tôi không khỏi cảm phục tình yêu nghề của bà. Đến với ông bằng một tình yêu chân chất, bà không ngại gian khổ mà theo ông làm cái nghiệp nặng nhọc này suốt hơn 30 năm. Có lúc, thấy chồng vất vả quá, bà khuyên ông nghỉ tay để có sức làm tiếp nhưng ông vẫn cứ say nghề, hì hục đập, gõ. Ông có thói quen rất lạ là khi nào tắt lửa lò thì mới nghỉ, còn lửa là còn làm, bất kể xung quanh có xảy ra chuyện gì. Hàng xóm kể, ông và bà thương nhau lắm, chưa bao giờ nghe hai người to tiếng với nhau, chỉ chăm chỉ làm lụng nuôi con. Có lúc, thấy hàng xóm có con dao cùn, cái kéo hỏng, ông tự lấy về rèn lại, rồi đưa cho bà con dùng tiếp mà chả lấy một đồng tiền công nào. Nghề rèn vốn gây ầm ĩ, ông biết ý nên chẳng bao giờ đỏ lửa lò vào ban đêm. Thương vợ chồng người thợ rèn chân chất nên nếu khi nào không nghe thấy tiếng búa, tiếng gõ, thì hàng xóm lại đến nhà hỏi thăm vì sợ ông bà có chuyện.

Nhiều lúc thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm bán ra chỉ đủ chi phí cho nguyên vật liệu nhưng ông và bà nhất quyết không bỏ nghề. “Nghề nào cũng có ông tổ chú ạ, nghề rèn cũng vậy. Đã theo nghề, chừng nào nhắm mắt xuôi tay thì tôi mới bỏ chứ còn sức thì còn làm. Nói gì thì nói, cả nhà tôi sống bằng cái nghề này đã mấy chục năm nên tôi biết ơn từng cái đe, cái búa. Tuổi tôi đã già, giờ mà bỏ nghề thì phụ tổ, phụ thầy, lại không biết chọn nghề gì làm tiếp. Thôi thì, còn sức thì còn làm vậy”, ông Châu bộc bạch.

Theo ông, Sài Gòn bây giờ hiếm thấy lò rèn. Hình như ở mấy huyện xa vẫn còn mấy chỗ duy trì nghề này nhưng thị trường lay lắt quá nên họ cũng tính bỏ, chuyển sang nghề khác. “Một con dao tôi làm ra, tính cả chi phí, công sức rồi bán qua đại lý, đến tay người tiêu dùng giá ắt hẳn cao hơn so với những sản phẩm tương tự làm bằng dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn sản phẩm tôi làm vì biết rằng chất lượng sẽ tốt hơn, mặc dù mẫu mã không đẹp bằng. Một số đầu mối ở Long An vẫn thường xuyên lên tôi lấy hàng về bán vì bà con nông dân vẫn mặn mà với cái liềm, con dao, cái kéo của tôi. Điều đó chính là động lực giúp tôi tiếp tục gắn bó với cái nghiệp đe búa này”, ông nói.

Trời đã nhá nhem tối, ông Châu tắt lửa rồi thu dọn đồ nghề, đợi một ngày sản xuất mới. Tiếng cười sảng khoái của ông vang lên trong ngôi nhà xập xệ. Nghề rèn vốn khó để làm giàu nhưng sao ông Châu lại yêu nó đến vậy? Có lẽ vì tình yêu của ông dành cho nghề quá lớn và xã hội vẫn còn những người cần cái tâm của một thợ rèn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật