Máy tính bảng và cuộc thí điểm… hình thức

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đầu năm học 2014, ngành giáo dục tạo ra nhiều sự cố, sự kiện đẩy dư luận vào tình trạng rối như tơ vò như bỏ một trong hai kỳ thi. Trong số đó, có chuyện TPHCM đột nhiên thiếu sách giáo khoa cho học sinh cấp 1.
Máy tính bảng và cuộc thí điểm… hình thức
Ảnh minh họa

Và chỉ vài hôm sau, là cái dự định “chưng hửng” từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 cần sắm một máy tính bảng theo đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014 - 2015”.

Theo “sáng kiến thí điểm” này, thì toàn bộ nội dung sách giáo khoa được số hóa, đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D với mục đích là gia tăng sự tương tác, hỗ trợ âm thanh, hình ảnh và nhất là giải quyết vấn đề học sinh phải mang vác quá nặng khi tới trường...

Theo dự trù, chi phí thực hiện “cuộc thí điểm” này là không hề ít: 4.000 tỉ đồng. Như vậy, trừ 5.334 học sinh thuộc diện chính sách được thành phố hỗ trợ, thì mỗi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 còn lại phải mua một “máy tính bảng giáo khoa” này với giá từ 3 đến 5 triệu, tùy cấu hình và kích thước.

Thứ nhất, phải nhìn vào tính mục đích của đề án thí điểm này, đó là gia tăng tính tương tác, hỗ trợ hình ảnh, âm thanh cho sách giáo khoa. Thực ra, ba mục tiêu này có quan trọng đến mức như thế hay không khi đặt dưới ánh sáng của khoa học sư phạm và tâm lý lứa tuổi? Trong khi xã hội đang cảnh báo tình trạng trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ tương tác nhiều sẽ gây nghiện, ảnh hưởng đến thị lực và nhất là tạo thói quen xao lãng, mất tập trung. Sự cung cấp đầy đủ về phương diện “nghe nhìn” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tưởng tượng của học sinh qua các bài học.

Còn nếu giải quyết vấn đề trọng lượng, thì phải nhìn vào bản chất của sự quá tải trong học trình để giải quyết, tức là phải có giải pháp cho nội dung chương trình học tinh gọn và đi vào cốt lõi của giáo dục. Không nên chuyển hóa cảm giác bất lực trong cải cách chương trình nội dung giáo khoa sang phương tiện vật chất và yên tâm rằng đã giải quyết được vấn đề.

Thứ hai, những người soạn và ký tên dưới bản đề án này có vẻ như không đoái hoài gì đến những xáo trộn, sự phản ứng và hệ lụy xã hội sẽ nảy sinh. Một trong những hệ lụy có thể thấy được đó chính là cuốn sách giáo khoa trở thành một thứ sản phẩm biểu hiện của phân biệt giàu nghèo ngay trong trường học, ở những lớp học đầu tiên trong đời một con người.

Chắc chắn vì thu nhập thấp, rất nhiều phụ huynh là người lao động có mức sống dưới trung bình khó lòng bỏ một lúc 3-5 triệu đồng cho một bộ sách giáo khoa mà vì điều kiện và nhận thức riêng, chính họ không kiểm soát hay thấy hết bên trong nó thực sự có gì.

Sau đó, sự hoang mang của chính người học, là học sinh khi trong cùng một lớp học, sẽ có những em được cha mẹ sắm cho cuốn sách giáo khoa cấu hình cao, chất lượng tốt, trong khi đó có những em chỉ xài được những chiếc máy ở mức độ tối thiểu. Hố ngăn cách giàu nghèo bấy lâu được đào sâu qua tình trạng xuất hiện “lớp VIP”, “trường VIP” trong các trường học nay được “xới” thêm ở ngay công cụ chính của quá trình học tập – thiết bị sách giáo khoa.

Thứ ba, sự thay đổi sách giáo khoa truyền thống bằng sách giáo khoa điện tử liệu có giải quyết được vấn đề "cơ bản và toàn diện" của sự tụt hậu giáo dục hay không? Có thể dễ dàng nhận thấy ngay, là không. Xã hội đang cần đến một nền giáo dục đề cao tính nhân văn và tri thức, sự cải tiến hiệu quả trong nội dung học trình thì những gì mà các nhà hoạch định chính sách giáo dục, hưởng lương của dân để lo “quốc sách” lại mang đến những sản phẩm đặt nặng tính phương tiện, hình thức và đẩy mạnh độc quyền trong tiêu dùng giáo dục qua những cuộc thí nghiệm tai hại dưới cái chiêu thức ỡm ờ muôn thuở: “thí điểm”.

Trước một đề án không đặt trên cơ sở khoa học chuyên môn sư phạm, trên yêu cầu hiểu dân, hướng dân của chính sách, trên mục tiêu cốt lõi của cải cách giáo dục, cho nên người dân có quyền nghi ngờ về tính minh bạch phía sau đề án 4.000 tỉ đồng đang gây xáo trộn không nhỏ đến đầu tư giáo dục cho con cái họ.

Cuối cùng, một trong những điều cơ bản mà người thầy được dạy trong các trường sư phạm đó là: sản phẩm của giáo dục là con người vì thế giáo dục không được phép tạo ra những phế phẩm. Vậy thì tại sao các nhà quản lý giáo dục có thể dễ dàng đi từ những “thí điểm” này đến “thí điểm” khác trên người học, trên tương lai của đất nước, trên niềm tin của người dân một cách trêu ngươi, thách thức và thí… mạng đến như vậy?!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật