Thị trường hàng tiêu dùng Đà Nẵng: Những dấu hiệu đáng lo ngại

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phố buôn vắng khách, ế ẩm, kinh doanh thua lỗ buộc phải cắt giảm, đóng cửa hoặc treo biển sang nhượng lại quán để vớt vát thua lỗ..., đó là điều đáng lo ngại đang diễn ra ở Đà Nẵng.
Thị trường hàng tiêu dùng Đà Nẵng: Những dấu hiệu đáng lo ngại
Ảnh minh họa

ĐIỆN MÁY XUỐNG ĐÁY

Hàng điện máy trên thị trường Đà Nẵng tiếp tục hứng chịu xu thế suy giảm mạnh về doanh số so với những năm về trước. Các "đại gia" như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Phan Khang, Viettronimex... đang tiến thoái lưỡng nan vì sức mua yếu kém, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Trong số trên phải kể đến các siêu thị Ebest Outlet Đà Nẵng. Ít ai nghĩ rằng, siêu thị điện máy Ebest Outlet được đầu tư một cách bài bản, công phu nhưng sau một thời gian cầm cự đã âm thầm đóng cửa làm nhiều người không khỏi bất ngờ.

Không những thế nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy, điện lạnh khác trên địa bàn cũng đã thu hẹp quy mô trưng bày, thu hẹp cửa hàng để giảm lỗ. Điển hình như Điện máy Hoàng Linh, Quốc Hương,... đều thu hẹp bớt từ 1 đến 2 cửa hàng. Ông Lê Văn Nên, Giám đốc Điện lạnh Hoàng Linh, một trong những DN đầu tiên trong lĩnh vực bán lẻ điện lạnh Đà Nẵng cho biết, kinh doanh điện máy, điện lạnh bây giờ vô cùng khó khăn hoạt động kinh doanh chỉ để "cầm cự qua ngày" hy vọng nền kinh tế sớm phục hồi người tiêu dùng lại tiếp tục mua sắm. Đồng quan điểm ông Trần Minh Dõng, Tổng Giám đốc Viettronimex Đà Nẵng cho hay, trong những năm gần đây kinh doanh điện máy chỉ cầm cự, không bị lỗ là giỏi rồi chứ chưa thể nói đến tăng trưởng.

Hàng tồn kho tăng cao, nhiều siêu thị, cửa hàng đã phải thực hiện xả hàng tồn kho, chấp nhận thua lỗ, trong đó có nhiều chiêu khuyến mãi giảm giá rất sâu như giảm giá 20% - 50% cho từng sản phẩm, giảm giá thêm cho khách hàng mua online, vận chuyển miễn phí để câu khách các vùng xa...  Tuy khuyến mãi khủng nhưng vẫn ảm đạm giới kinh doanh cho rằng điện máy, điện lạnh đang trong thời kỳ xuống đáy.

NHÀ HÀNG- CÀ-PHÊ RẦM RỘ SANG QUÁN

Đà Nẵng được nhiều người ví là thiên đường của quán cà-phê và quán nhậu, trong những năm qua hàng loạt nhà hàng, quán cà-phê ồ ạt ra đời trên tất cả các nẻo đường, góc phố. Tuy nhiên, giờ đây, dạo dọc các con phố có thể thấy hàng loạt nhà hàng để bảng sang quán, sang vật dụng hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh. Có quán đầu tư cả tỷ đồng nay chỉ để giữ xe. Điển hình, tại nhà hàng - cà-phê Indovina với diện tích hơn 1.300m2 nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường Thái Phiên với khẩu hiệu to tướng “Ngon nhất phố - giá rẻ nhì Đà Nẵng” nhưng chỉ hoạt động được hơn 2 tháng buộc phải đóng cửa treo bảng sang quán, thanh lý dụng cụ hơn 2 tháng nay vẫn không có ai thuê.

Hiện toàn bộ mặt bằng đầu tư hơn 1 tỷ đồng chỉ là bãi đỗ xe máy và ô-tô với giá giữ xe ô-tô 5.000 đồng/xe còn xe máy 2.000 đồng/xe. Ông chủ quán tên A. cho hay, để mở quán ông A. đã đầu tư vào đây hơn 1 tỷ đồng tiền thiết kế nội thất, bàn ghế, trang thiết bị, cây xanh, chưa kể thuê nhân viên quản lý, phục vụ, tiền điện nước... Số tiền đầu tư lớn là vậy nhưng doanh thu mỗi ngày của quán không đáng là bao, đành đóng cửa.

Tương tự, nhà hàng Hàn Quốc trên đường Phạm Văn Đồng cũng được đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng nay chỉ còn lại một ngôi nhà hoang. Dọc đường Phạm Văn Đồng, đường Hồ Nghinh, Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông hàng loạt quán xá cũng chịu cảnh phải đóng cửa để bảng sang quán. Đặc biệt, giới nhậu Đà Thành đều biết đến quán Hùng Mập trên đường Hồ Nghinh một thời khách vào ra tấp nập nhưng nay cũng phải đóng cửa dẹp quán vì không có khách...

THỜI TRANG TIẾP TỤC ĐUA “SALE OFF”

Dạo một vòng các trục đường buôn bán chính của Đà Nẵng, có thể thấy nhan nhản bảng hiệu sang quán, thanh lý, "sale off" treo trước các nhà hàng, quán cà-phê, cửa hàng áo quần, giày dép, điện tử... Điều này cho thấy, khi thị trường ế ẩm, hàng hóa tồn đọng, vốn không được quay vòng, người ta phải tìm mọi cách để "đẩy" hàng bằng các "chiêu" khuyến mãi, như quà tặng, mua 1 tặng 2, bốc thăm trúng thưởng... Trong những cách ấy, giảm giá được xem là giải pháp thu hồi vốn nhanh nhất, tác động vào tâm lý "ham rẻ" của khách hàng khiến cho họ mua hàng theo quán tính, nhiều khi không cần thiết vẫn cứ mua. "Sale off" 50%, 70%, 80%... là mức giảm giá hiện nay của các chủ cửa hàng đưa ra, nhằm thu hồi vốn đầu tư hoặc trả nợ ngân hàng.

Một cửa hàng thời trang được đầu tư khá quy mô trên đường Hùng Vương
đang thu dọn đồ đạc để... đóng cửa.

Chủ shop áo quần H. trên đường Phan Châu Trinh than thở, mặc dù giảm 20-40% nhưng có nhiều ngày, cửa hàng không có một khách đến thăm chứ chưa nói là mua hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc phải chuyển nhượng hoặc giảm giá hơn nữa để dọn dẹp, giao trả mặt bằng. Không những ở mặt phố, các shop trong trung tâm thương mại như Dragon, Đà Nẵng Square, Siêu thị Đà Nẵng... cũng từng đua nhau sale off và đóng cửa từ lâu do kinh doanh ế ẩm...

Rõ ràng, thị trường Đà Nẵng đang tiếp tục gánh chịu những thiệt hại khá nặng nề trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đặt ra những thách thức trực diện với người kinh doanh, chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng của thành phố. Chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp. Thiết nghĩ, giờ đây sự hỗ trợ đó cần trực tiếp, cụ thể hơn nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật