ASEAN ưu tiên giảm căng thẳng biển Đông

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nỗ lực hành động giảm căng thẳng ngày càng leo thang ở biển Đông là mục tiêu hàng đầu của ASEAN tại Hội nghị Ngoại trưởng (AMM) lần thứ 47 khai mạc hôm nay (8-8) ở Myanmar.
ASEAN ưu tiên giảm căng thẳng biển Đông
Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam

Theo Kyodo, tại cuộc họp này, Ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ kêu gọi “hành động kiên quyết” nhằm giảm căng thẳng đang ngày càng leo thang ở biển Đông trong bối cảnh những sự kiện gần đây làm gia tăng mức độ hoài nghi và nguy cơ xảy ra xung đột không mong muốn.

Ngoài hội nghị này, ngày 10-8 tới, Myanmar đăng cai Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - hội nghị đề cập đến vấn đề an ninh tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với sự tham dự của 27 quốc gia, trong đó có Mỹ và Triều Tiên.

CẦN CHẤM DỨT CÁC HÀNH ĐỘNG GÂY BẤT ỔN

Đặc biệt, phía Philippines nhấn mạnh sự cần thiết phải “chấm dứt các hành động gây bất ổn tại biển Đông và giải quyết các tranh chấp dựa trên nguyên tắc hòa bình và luật pháp quốc tế”, ám chỉ những hành động trong thời gian qua của Trung Quốc.

Ngoài ra, ASEAN sẽ một lần nữa hối thúc Trung Quốc khởi động các cuộc đối thoại để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải tại khu vực này. 3 năm sau khi các ngoại trưởng ASEAN thông qua hướng dẫn thực hiện Tuyên bố cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) trong đó có việc phê duyệt COC tại Bali, Indonesia, các cuộc đàm phán chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu.

Các quan chức cấp cao ASEAN gặp phía Trung Quốc hôm 6-8 tại thủ đô Naypyitaw nhưng không thể tìm kiếm một cam kết cụ thể từ Bắc Kinh về COC. “Bắc Kinh treo lơ lửng không chỉ là củ cà rốt mà là cà rốt cực kỳ ngọt” một nhà ngoại giao ASEAN có mặt tại cuộc họp nói với Kyodo. “Chúng ta cần khẩn trương đạt được COC”, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia nói đồng thời nhấn mạnh, “hành động khiêu khích và đơn phương” gần đây của Trung Quốc vi phạm tuyên bố chính trị năm 2002. Bắc Kinh một lần nữa mời các quan chức cấp cao ASEAN gặp nhau tại một thành phố nghỉ mát ở Trung Quốc vào tháng tới để “nói nhiều hơn nữa”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục bảo thủ với tuyên bố chủ quyền hung hăng, khả năng đạt được đột phá là rất khó.

Ngoài vấn đề biển Đông, gỡ rối cho biển Hoa Đông cũng nằm trong chương trình ASEAN trong bối cảnh căng thẳng Trung-Nhật leo thang. Trung Quốc hôm 7-8 cáo buộc các máy bay Nhật Bản bay vào Vùng Xác định phòng không (ADIZ) của Bắc Kinh vốn bao trùm cả biển Hoa Đông.

MỸ SẼ NÓI GÌ?

Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng sẽ gặp những người đồng cấp Nhật, Trung, Hàn và Mỹ tại bàn ARF, bàn về những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là Mỹ sẽ nói gì tại hội nghị này khi có sự tham dự của Ngoại trưởng John Kerry. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry sẽ nêu lên những quan ngại ở biển Đông, tạo áp lực lên Bắc Kinh. Ngoài ra, Washington cũng nỗ lực xoa dịu căng thẳng vốn bùng phát do việc Trung Quốc gần đây kéo giàn khoan Hải Dương -981 vào vùng biển Việt Nam. Nhà Trắng cũng sẽ kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cần tự nguyện có những bước đi để xoa dịu căng thẳng; yêu cầu ngừng các hành động nhằm thay đổi hiện trạng như chiếm đóng các đảo hoang hay khai hoang đất đai – các động thái mà Bắc Kinh vẫn đang tiến hành trong thời gian qua.

ASEAN có kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015 để thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề.  Nhưng, căng thẳng chưa thể giải quyết ở biển Đông có thể làm suy yếu nỗ lực thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật