Trai nhà quê nghèo lừa gái Hà Nội có bầu để ép cưới

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi lấy chồng được gần 10 năm nay, 2 vợ chồng cùng làng (thuộc Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) nên khá hiểu nhau và luôn bảo nhau chịu khó làm ăn.
Trai nhà quê nghèo lừa gái Hà Nội có bầu để ép cưới
Ảnh minh họa

Thế nhưng, nhà chồng tôi lại quá nhiều chuyện éo le ảnh hưởng tới đời sống của gia đình riêng của vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi có 3 mặt con, tôi làm việc kinh doanh buôn bán còn chồng làm xây dựng. Nhà tôi có 6 phòng cho thuê trọ nhưng mẹ chồng tôi quản lý hết. Mặc dù vợ chồng tôi ở riêng nhưng mọi chi phí, ăn uống, sinh hoạt hai ông bà vợ chồng tôi đều phải chi trả. Người ngoài nhìn vào đều nói vợ chồng tôi sung sướng vì được tự do nhưng khó khăn về mặt tài chính thì cũng khổ chẳng kém gì sự ràng buộc. Nếu chỉ đơn giản chi phí ăn uống và tiền sinh hoạt cho bố mẹ chồng thì có lẽ tôi không đến mức phải kêu than mà vì cô em chồng vốn là "cục nợ" của gia đình.

Em chồng tôi không học hành tử tế nên cũng không có nghề nghiệp gì đàng hoàng. Năm cô ấy 20 tuổi có quen một chàng trai ở Hà Nam và định tính chuyện lâu dài. Chàng trai này thường xuyên về nhà tôi chơi và giúp đỡ gia đình tôi những việc vặt khi cần thiết. Thời gian đầu, cả gia đình tôi rất quý cậu ấy và khi cậu ta đặt vấn đề với cô ấy chúng tôi cũng vừa lòng. Ngay lúc đó, chúng tôi có nhắc tới chuyện thăm nom gia đình thì cậu ta nói muốn cho cô em chồng tôi về thăm nom trước, sau đó sẽ sắp xếp ngày để cả 2 gia đình gặp nhau sau. Bẵng đi khoảng 3 tháng, cô em chồng báo tin đã có bầu hơn 1 tháng và phải làm đám cưới gấp. Nhưng hỏi ra thì cô ấy cũng vẫn chưa được về ra mắt nhà chồng tương lai bởi cậu ta luôn nhùng nhằng bận việc.

Nhưng sự đã rồi, gia đình tôi không thể chần chừ thêm được nữa, đành sắp xếp để hai họ gặp nhau, thời điểm đó, cậu ta có vẻ rất hăng hái chuẩn bị cho chuyến đi. Khi 2 gia đình gặp nhau, những người trong dòng họ nhà chồng tôi và ngay cả cô em chồng đều suýt té xỉu. Ngay từ khi xe lăn bánh vào đường làng, chúng tôi đã hoang mang nhìn quanh quất chỉ thấy những cây cối, ao tù, vườn tược còn nhà cửa thì lưa thưa nhỏ xíu. Khi chiếc xe dừng lại nơi một cánh cửa cổng, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Gọi là cửa cổng nhưng thực chất chỉ là những cành cây rào lại. Căn nhà nhỏ có lẽ chưa nổi 3 gian, không có buồng, đồ đạc cũ kỹ, nền nhà gạch xưa đen xì vì cáu bẩn. Nhà chàng trai ấy, vẫn đi vệ sinh "cầu tõm", bếp lợp mái ngói phía trên còn quẳng rất nhiều rơm rạ. Và điều làm tôi hoảng nhất đó là họ vẫn dùng gầu múc nước, thứ nước đục đục, lợn cợn.

Bữa cơm gặp mặt 2 gia đình hôm đó, họ nhà gái không ai nuốt nổi, cô em chồng tôi nhiều lần tức tưởi chạy ra ngoài khóc lóc. Nhưng nhìn mọi người trong gia đình họ lại có vẻ ăn uống rất say sưa, ngon miệng. Có lẽ với họ đó là bữa ăn ngon, thịnh soạn mà phải lâu lắm họ mới có được.

Chuyện đã xảy ra cách đây vài tháng nhưng nói thật, cứ mỗi lần nghĩ lại tôi cũng không khỏi ái ngại cho cô em chồng.

Vì đã lỡ mang thai và vì tin rằng chàng trai đó yêu mình thật lòng, em chồng tôi đã chấp nhận cuộc hôn nhân này. Mẹ chồng tôi vì thương con gái nên đã không nỡ để cô về sống ở căn nhà quê kiểng ấy 1 ngày nào. Bà cho 2 vợ chồng cô một căn phòng khang trang nhất của dãy nhà trọ và cưu mang cả gia đình cô ấy.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nữa, nếu như cậu em rể của chồng tôi biết phấn đấu làm ăn, ngoan ngoãn, biết nghe lời. Ngay sau khi lấy được vợ Hà Nội và được sắp xếp chỗ ăn ở đàng hoàng, cậu ta lộ rõ bản chất của một kẻ ăn bám, lười nhác. Cậu ta kết thân với một nhóm người có tiền án tiền sự trong làng thường làm những việc như trộm chó, doạ đánh người để moi tiền, cờ bạc ... rồi sau đó nhậu nhẹt và quay ra đánh lộn nhau. 2 tháng trước khi em chồng tôi chuẩn bị lên bàn đẻ thì nghe tin chồng bị bắt vì tội trộm cướp, đánh người và mọi gánh nặng của gia đình cô ấy lại đổ hết lên vai của vợ chồng tôi. Chúng tôi vừa phải cấp dưỡng cho người chồng "rẻ rách" của cô ấy và cũng phải lo lắng cho cô em lâm bồn an toàn. Đến nay, em chồng tôi đã sinh được hơn 1 tháng, vụ án của bố đứa trẻ đã xử xong. Sẽ phải 30 tháng sau, bố con họ mới được nhìn mặt nhau. Nhưng trong quãng thời gian này, tôi và chồng mình sẽ phải nai lưng ra để chu cấp cho gia đình cô ấy. Bởi lẽ, trọng trách đó mẹ chồng tôi đã giao, chúng tôi không thể thoái thác. Bà thường nói: "Là anh, là chị, anh chị không lo cho bố mẹ thì cố gắng lo cho em. Con dại cái mang, nhưng bố mẹ già yếu rồi, anh chị phải thay cho bố mẹ". Nhưng công lao và mồ hôi nước mắt của vợ chồng chúng tôi gần như không được ghi nhận, không biết rằng khi kẻ "khố rách áo ôm" kia được mãn hạn tù có biết cải tà quy chính và biết ơn công lao của anh chị hay không? Còn hiện tại, hàng ngày mẹ chồng tôi vẫn đây nghiến: "Cô cho chúng nó được cái gì mà suốt ngày cô kể công?, may mà cái thân tôi cô không phải lo chứ bằng không chắc cô cũng bắt tôi phải ơn huệ".

Tôi thực sự mệt mỏi và nhiều lần tự hỏi, tại sao gia đình của người em rể có thể bỏ mặc cậu ta mà tôi lại phải lao tâm khổ tứ vì một người dưng nước lã? Nghĩ vậy nhưng ngày mai, vợ chồng tôi lại phải khăn gói đến Hoả Lò cấp dưỡng cho cậu ta vì nếu không đi chúng tôi sẽ chẳng sống yên ổn dưới những lời nhiếc móc của mẹ chồng và em chồng thì van lơn, khóc lóc.

Tôi không biết mình sẽ cố gắng sống như thế này được bao lâu? Xin các chuyên gia hãy cho tôi một lời giải đáp, một lối thoát trong sự co kéo này.

Chào chị Mây,

Đọc những tâm sự của chị thực sự chúng tôi cũng cảm thấy khó gỡ rối. Nhưng vấn đề của câu chuyện lại nằm ở chỗ chị, nếu bản thân chị có thể có những quyết định độc lập thì tôi tin rằng mọi việc sẽ ổn thoả.

Trường hợp thứ nhất: Chị có khả năng chu cấp cho gia đình em chồng nhưng chị không muốn làm việc đó thì chị không nên cố gắng làm. Chị đang tự dằn vặt bản thân rằng chị phải làm việc đó vì mẹ chồng nhiếc móc, em chồng van lơn nhưng bản thân chị lại không muốn thực hiện, nghĩa là chị cảm thấy mình không có trách nhiệm trong chuyện này. Nếu chị đã cảm thấy vô can như thế thì chị cũng hoàn toàn có thể bỏ ngoài tai những lời của mẹ chồng và em chồng. Từ đó giải thoát chính bản thân mình. Trong câu truyện, chúng tôi không thấy chị nhắc đến ý kiến của chồng mình, dường như, chồng chị khá đồng lòng với chị hay nói cách khác là anh hoàn toàn nhất trí với sự chỉ đạo của chị?

Trường hợp thứ hai: Chị muốn chu cấp cho gia đình em chồng nhưng chị không có khả năng về mặt kinh tế? Vậy chị cần đàm phán với mẹ chồng, em chồng và cả chồng chị về việc chia sẻ này. Chị nói bố mẹ chồng chị có 6 căn phòng cho thuê trọ, vậy hẳn là ông bà luôn có thu nhập dư giả để có thể giúp chị. Còn nếu mẹ chồng và em chồng chị không đồng ý việc hỗ trợ, chị hoàn toàn có thể buông xuôi vì trên thực tế chị và người em rể kia có khoảng cách xa nhất, nếu chị buông xuôi, hẳn là sự ảnh hưởng sẽ ít nhất.

Trường hợp thứ ba: Chị có khả năng tài chính, chị muốn giúp vợ chồng cô em nhưng chị cần mọi người biết ơn và biết rõ về những hi sinh của chị? Nếu chị muốn như vậy thì e rằng sẽ rất khó. Bởi, mỗi người mỗi tính, bản chất của con người khác nhau, chị là người trong cùng gia đình, chị hiểu rõ những người đó sẽ cư xử ra sao khi chị hành động. Người đời vẫn nói "làm ơn há để mong người trả ơn", nếu chị thực sự muốn làm ơn cho người khác thì hãy cứ làm vì thành tâm của mình chứ không nên vì hai chữ "hàm ơn". Và ngược lại, nếu chị muốn người khác hàm ơn khi mình làm việc tốt mà họ lại chẳng hề có ý nghĩ đó thì chị chẳng nên cố gắng làm việc thiện làm gì để rồi lại quay sang đau khổ, trách móc.

Chị Mây thân mến, mọi chuyện đều có hướng giải quyết, nó chỉ khó giải quyết khi sự rắc rối ấy lại chính từ bản thân mình mà ra. Chị nên suy xét kỹ để có quyết định cho bản thân mình chứ không phải là gỡ những cái rối rắm xung quanh mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật