Học sinh không phải là chuột bạch để đưa lên bàn thí nghiệm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu Bộ Giáo dục muốn thay đổi, muốn ra một đề án nào đó thì trước hết cần phải thông báo sớm cho học sinh chúng tôi biết, chứ đừng để xảy ra việc năm nay học sinh thi mà đến gần ngày thi mới thông báo.
Học sinh không phải là chuột bạch để đưa lên bàn thí nghiệm
Ảnh minh họa

Tôi là một học sinh chuẩn bị bước vào lớp 12 (sinh năm 1997) và sẽ thi đại học năm 2015 tới. Thời gian gần đây, nghe Bộ Giáo dục đề ra phương án thi mới, đó là gộp chung kì thi tốt nghiệp và đại học lại làm một. Điều này khiến tôi và bạn bè của tôi hết sức hoang mang và vô cùng bức xúc.

Trước giờ, lứa sinh năm 1997 chúng tôi cứ ngỡ năm sau sẽ là năm thi đại học cuối cùng và chúng tôi đang dồn hết tâm huyết vào kì thi đại học này, nhưng có ai nào ngờ tới, quả thật là trớ trêu.

Đất nước ta từ trước tới giờ vẫn theo lối dạy "lối theo lối gió, mây đường mây", giáo viên dạy một lẽ và học trò học theo một lẽ khác. Thử hỏi, nền giáo dục nước nhà quá chú trọng vào lý thuyết, không chú trọng vào thực hành, thì làm sao học sinh có thể phát triển được một cách toàn diện được?

Đấy, chỉ bây nhiêu đó thôi, đó chính là cách dạy của đa số giáo viên hiện nay đã biến những học sinh chúng tôi trở thành những chú vẹt đủ màu sắc. Vậy, tại sao Bộ lại yêu cầu học sinh phát triển toàn diện chứ?

Thật sự là trong cách dạy của giáo viên nước ta ngày nay, hoàn toàn không thể giúp cho học sinh chúng tôi hiểu được hai từ "toàn diện" là gì cả.

Nhiều giáo viên quá phụ thuộc vào lý thuyết. Các thầy cô dạy chúng tôi bằng cách đọc và chép, kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh bằng cách đưa cho chúng tôi một xấp đề cương, nói về nhà học thuộc và sáng hôm sau lên trả bài, chỉ cần đọc đúng hết thì chắc chắn điểm sẽ cao.

Nói thật thì học thuộc thì là một chuyện quá dễ dàng, nhưng học sinh có hiểu bài hay không. Ví dụ, khi lên trả bài môn Văn, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh phân tích một khổ thơ nào đó thì học sinh chỉ có nhiệm vụ là đọc hết tất cả những gì trong vở của mình ra là coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Thế nhưng, học sinh ấy lại hoàn toàn không hiểu được gì từ những tác phẩm đó. Bởi vì sao? Bởi vì những suy nghĩ của bạn sẽ không được giáo viên chấp nhận. Lời văn của bạn ấy sẽ được giáo viên cho là quá trẻ con và giáo viên bắt học sinh của mình phải học theo những gì họ dạy.

Một trường hợp khác, đề ra: "Bạn hãy phát biểu suy nghĩ của bạn về cái đẹp", bạn An sẽ suy nghĩ về cái đẹp theo hướng này, còn bạn Bình thì sẽ suy nghĩ cái đẹp như hướng khác, mỗi người một suy nghĩ. Thế nhưng giáo viên sẽ chốt lại bằng cách dạy chúng tôi viết về cái đẹp bằng cách sau: "Mở bài: Giới thiệu về cái đẹp. Thân bài: Định nghĩa cái đẹp. Kết bài".

Thử hỏi, dạy học sinh bằng cái cách không cho họ nói lên cách diễn đạt của mình, mà gán ép họ vào những khuôn phép, luật lệ không cần thiết vậy thì học sinh có giỏi lên được không?

Không chỉ vậy, giáo dục nước nhà đặt ra quá nhiều môn học cho học sinh mà sau này khi vào đại học, khi vào đời thì những môn học đó dường như là hoàn toàn vô nghĩa. Nó không đáp ứng được gì cho nhu cầu cuộc sống của chúng tôi trong tương lai.

Môn học quá nhiều, trong khi thời gian một ngày chỉ có 24 tiếng, thử hỏi làm sao mà học sinh có thể sống nổi trong không khí ngột ngạt như vậy được? Thời gian đâu mà giải trí, thời gian đâu phụ giúp gia đình? Đâu phải học nhiều là giỏi, điều quan trọng là học ít hiểu nhiều, học tới đâu hiểu tới đó và biết áp dụng vào cuộc sống thì mới hay chứ.

Ví dụ, sau này tôi có ước mơ làm một bác sĩ, mà ngành Y thì đâu có liên quan gì tới Văn đâu? Tôi đồng ý rằng môn Văn- Tiếng Việt là môn của người Việt, bất cứ người Việt nào cũng phải học nó, nhưng mà học cũng chỉ nên dừng lại ở cấp độ trung bình, chứ đâu cần phải hiểu một cách thâm thúy. Không lẽ sau này, khi bác sĩ ra toa thuốc cho bệnh nhân thì bác sĩ làm thơ trong toa thuốc đó phải không ạ?

Còn nữa, tôi thấy môn Giáo dục công dân nghe ra rất vĩ đại nhưng thật sự nó hoàn toàn vô nghĩa. Giáo dục công dân là giúp cho con người trở nên hoàn thiện bản thân, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, đất nước... Thế nhưng, nói là nói vậy thôi chứ cơ bản đó chỉ là những dòng lý thuyết rườm rà và không hề ăn sâu vào tâm trí học sinh.

Giáo dục công dân ra sao mà học sinh cô nào, cậu nấy mở miệng ra toàn là nói tục, chửi thề, vậy có môn học này để làm gì?

Trong Giáo dục công dân có dạy học sinh về tình yêu thương giữa con người với con người, vậy tình yêu thương đó là gì? Tình yêu thương đó được định nghĩa bằng những dòng lý thuyết là xong thôi sao?

Giáo dục công dân giúp cho con người chúng ta hiểu biết thêm về thế giới, về con người, lẽ ra môn học này phải tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc, nói chuyện, chia sẻ với những con người bất hạnh...

Có như vậy chúng tôi mới hiểu được và thấm sâu trong suy nghĩ của bản thân về tình yêu thương giữa người và người là như thế nào. Học thì phải đi đôi với hành, học không hành, làm gì cũng không tới đâu.

Giáo viên nước ta có cách dạy giống ru ngủ tâm hồn học sinh, dạy mà không có một nét gì riêng cho bản thân mình, ai cũng như ai, làm cho không khí tiết học trở nên nhàm chán, không một tiếng cười, thì làm sao mà học sinh tiếp thu tốt được, nhất là giờ Văn, Sử, Địa... Ôi thôi, ai cũng ngủ gà ngủ gật, thật đau lòng.

Không chỉ có vậy, còn môn Toán nữa, tại sao chúng tôi phải học quá nhiều về lượng giác, tích phân, vi phân, đạo hàm, đường cao, các định lý Pitago...? Những điều này làm chúng tôi nhức điên cả đầu, mà thử hỏi, sau này ra đời những điều trên sẽ giúp gì được cho chúng tôi?

Môn Hóa dạy cho chúng tôi một đống chất, đủ dạng phương trình, đủ cách nhận biết chất. Thế nhưng khi chỉ vào chất đó và hỏi đó là chất gì thì tôi dám khẳng định rằng sẽ có tới hơn 90% học sinh hoàn toàn không biết. Có thể thấy khi học thì hay lắm, nhận biết đồ gì dữ lắm, nhưng thật ra chỉ là lý thuyết và lý thuyết thôi.

Tiếng Anh đáng lí ra là phải chú trọng nhiều vào viêc nghe và nói, còn việc dạy tiếng Anh nước mình chỉ chú trọng vào ngữ pháp. Thử hỏi, một người giỏi ngữ pháp chắc gì đã giỏi tiếng Anh? Bạn ấy có thể nói chuyện với người Mỹ, hay hiểu được tất cả những gì họ nói không?

Các bác Bộ Giáo dục ơi! Các bác có thể lắng nghe ý kiến của học sinh chúng tôi được không ạ? Trình độ dạy học của nước nhà thật sự là quá kém, thua rất xa với những nước tiến bộ như Hoa Kỳ, Singapore... Vì vậy, tôi xin mấy bác đừng có bắt học sinh chúng tôi học theo kiểu Việt Nam mà thi theo kiểu Mỹ, kiểu Úc nữa.

Cái gì cũng vậy, nếu muốn học sinh chúng tôi phát triển toàn diện thì trước hết giáo viên phải toàn diện trước đã, có vậy thì mới làm gương cho chúng tôi được. Và xin đừng dạy học theo kiểu chỉ nói mà không làm nữa, có vậy thì học sinh mới phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo của chính mình.

Nếu Bộ Giáo dục muốn thay đổi, muốn ra một đề án nào đó thì trước hết cần phải thông báo sớm cho học sinh chúng tôi biết, chứ đừng để xảy ra việc năm nay học sinh thi mà đến gần ngày thi mới thông báo.

Người ta tổ chức World Cup cũng phải mất hết 4 năm, chúng tôi đã được cha mẹ đầu tư học đại học cũng mất hết gần cả 12 năm, dồn biết bao nhiêu là tâm huyết, nỗ lực để được bước vào ngưỡng cửa ấy. Và, học sinh chúng tôi là những con người chứ không phải là chuột bạch, là vật thí nghiệm để Bộ Giáo dục đưa lên bàn mổ và làm thí nghiệm.

Đi khắp thế gian, không có một đất nước nào lấy công dân, lấy học sinh nước họ ra làm thí nghiệm cả. Vì vậy, tôi mong Bộ Giáo dục đừng làm trái lại với quy luật bình thường đó.

Hy vọng những tâm sự này sẽ đến được với những người đứng đầu ngành giáo dục, tôi mong năm 2015 sẽ thi đại học bình thường như mọi năm. Tôi cảm ơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật