Biển Đông và lý lẽ của kẻ gây hấn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Học giả Trung Quốc không tham dự Hội thảo quốc tế về biển Đông 2014 mà chỉ gửi tham luận đến để bảo vệ một cách võ đoán cho hành vi xâm chiếm biển đảo của nhà cầm quyền nước này...
Biển Đông và lý lẽ của kẻ gây hấn
Ảnh minh họa

Xâm chiếm có kế hoạch

Sau vụ giàn khoan HD 981, cuối tuần rồi, giới học giả quốc tế đã tụ họp tại TPHCM(*) để bàn thảo các giải pháp quản lý căng thẳng ở biển Đông. Ông S. D. Pradhan, Đại học Chandigarh (Ấn Độ), cho rằng Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thế cân bằng khu vực nhằm tạo một hiện trạng mới có lợi cho họ ở biển Đông.

Theo ông Pradhan, chuỗi hành vi của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua cho thấy họ có kế hoạch và đang từng bước thực hiện việc xâm chiếm và kiểm soát vùng biển này. Cụ thể, sau khi chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974) và một số đảo ở quần đảo Trường Sa (1988) của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục thả cột mốc chủ quyền ở bãi ngầm James (1994) thuộc thềm lục địa đảo Borneo, Malaysia...

Mới đây, đầu tháng 5 đến giữa tháng 7-2014, Trung Quốc đã ngang nhiên mang giàn khoan HD 981 (cùng hơn 100 tàu các loại hộ tống) vào đặt trong vùng biển của Việt Nam. Và, trước đó không lâu, năm 2012, Trung Quốc cũng đưa tàu chiến vào bãi cạn Scarborough (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines) và duy trì sự chiếm đóng ở đó cho đến hôm nay (2014)...

GS. Carl Thayer, Đại học New South Wales (Úc), cho biết ngoài việc phô diễn lực lượng hải quân, Trung Quốc còn đang ra sức xây dựng nhiều công sự trên các đảo và bãi ngầm thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đó cho thấy Trung Quốc không giấu tham vọng thống trị biển Đông: họ thành lập thành phố Tam Sa với bản đồ lãnh hải (chín đoạn) “nuốt chửng” biển đảo của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia...

Ông Ramses Amer, viện An ninh và phát triển chính sách (Thụy Điển), cho rằng cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia của nhiều nước trong khu vực, đặc biệt đối với Việt Nam và Philippines. Theo học giả này, Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế, không tuân thủ với chính những gì họ đã cam kết, ngay cả năm nguyên tắc phát triển hòa bình mà chính họ đã tuyên bố với thế giới.

Lý lẽ ngang ngược

“Chính những hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế đó của Trung Quốc mà khu vực biển Đông hiện chỉ có 60% hòa bình, 40% bất ổn”, GS. Carl Thayer, nói.

Thực tế, những lần “đụng độ” trên biển Đông gần đây (giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và Philippines) đã cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực trong các tranh chấp. Họ điều tàu chiến tham gia và hung hăng theo kiểu “mạnh hiế‌p yếu”, “vô tư” sử dụng “luật rừng”, dù cộng đồng quốc tế phản đối, lên án.

Như khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa của Việt Nam, họ dựa vào sức mạnh hải quân, bắn vòi rồng và cho tàu đâm va vào tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam. Việt Nam cố gắng giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao nhằm giảm nguy cơ dẫn đến chiến tranh, nhưng theo ông Lê Vĩnh Trương, Quỹ Nghiên cứu biển Đông Nam Á, 26 lần Việt Nam đề nghị đối thoại đều bị Trung Quốc phớt lờ.

Sự chiếm đóng của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough cũng vậy. Mặc dù theo thỏa thuận, lực lượng của Philippines và Trung Quốc phải rút khỏi khu vực này nhưng Trung Quốc vẫn cứ chiếm đóng. “Cách hành xử của Trung Quốc ở biển Đông với bản đồ đường chín đoạn của họ đã dồn Philippines vào chân tường, buộc chính phủ chúng tôi phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế”, ông Renato De Castro, Đại học De La Salle, Philippines, nói.

Trong tham luận gửi đến hội thảo, ông Cao Qun (không tham dự), Trung tâm An ninh hàng hải và hợp tác, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc mới đây là không có cơ sở, bằng các lập luận như sau:

(i) Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Philippines muốn kiện Trung Quốc phải “trao đổi trước” với Trung Quốc nhưng Philippines đã không làm động tác này. (ii) Bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc có từ năm 1947 còn UNCLOS có năm 1982 nên không thể hồi tố. (iii) Philippines diễn giải về đường chín đoạn không đúng vì thực tế Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ bản đồ đường chín đoạn đó là gì (và nó luôn thay đổi, từ chín đoạn lên 11 đoạn và mới đây nhất là 10 đoạn - NV), nên việc quy kết của Philippines là không có cơ sở. (iv) Trung Quốc không thừa nhận thủ tục tố tụng tại tòa...

Đáp lại, ông Renato De Castro cho rằng cơ sở Philippines kiện Trung Quốc có đầy đủ trong bộ hồ sơ 4.000 trang. Ông nói: “Suốt 17 năm qua, Trung Quốc luôn làm ngơ trước các yêu cầu cùng thảo luận về vấn đề tranh chấp ở biển Đông với Philippines... Và vì Trung Quốc không nói rõ bản đồ đường chín đoạn của họ là gì nên chúng tôi mới đưa ra tòa để Trung Quốc giải thích... Việc Trung Quốc hung hăng chiếm đảo của Philippines cả thế giới biết nên chúng tôi sẵn sàng nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa trọng tài quốc tế. Và, để coi trong thế kỷ 21 này luật rừng hay luật pháp quốc tế sẽ được áp dụng”.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Ông Ming Wan, Đại học George Mason (Mỹ) cho rằng, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua chưa có giải pháp phù hợp nên hậu quả sẽ còn tiếp diễn... Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan HD 981 nhưng GS. Carl Thayer cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ quay trở lại. Ông Võ Minh Tập, Đại học Quốc gia TPHCM, cũng lo ngại chiêu “một lùi ba tiến” của Trung Quốc.

Theo ông Lê Vĩnh Trương, nếu Việt Nam chỉ cứ theo đuổi giải pháp đàm phán thì có thể sẽ hối tiếc về sau. Vì Tuyên bố về ứng xử giữa các bên về biển Đông (DOC) có sự tham gia của Trung Quốc nhưng trên thực tế họ đã không tôn trọng, cho nên, ông Trương thiên về giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. “Kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển, Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển hay Tòa công lý quốc tế thì cần tính toán nhưng nhất thiết phải kiện càng sớm càng tốt”, ông Trương nói.

GS. Carl Thayer cho rằng nếu kiện Trung Quốc thì cần nghiên cứu kỹ những lập luận của ông Cao Qun trong vụ Philippines. Tất nhiên, cách lập luận của Trung Quốc thiếu cơ sở vững chắc (như bản đồ đường chín đoạn năm 1947 được thực hiện bởi một cá nhân, mà một cá nhân thì không thể xác định cương thổ quốc gia) nhưng “họ có cái lý của họ để kéo dài vụ tranh chấp, đó là UNCLOS cũng có những bất cập cần sửa đổi”.

Để giải quyết những vụ tranh chấp biển đảo bằng luật pháp quốc tế qua con đường tòa án, theo GS. Carl Thayer, phải mất cả thập kỷ. Vì vậy, cùng với việc kiện Trung Quốc ra tòa, ông cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết giữa các nước thành viên ASEAN và một số nước có lợi ích quốc gia ở biển Đông để đàm phán với Trung Quốc sớm có Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Điều mà các học giả quốc tế lo ngại nhất, đó là sự xung đột lợi ích giữa các quốc gia ngay trong khối ASEAN. Học giả Evgeny Kanaev (Nga) lấy ví dụ như tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã làm “mất lòng” Philippines, Brunei, Malaysia. Và, Trung Quốc đã tìm cách khoét sâu một số bất đồng này để làm giảm sức mạnh tiếng nói của ASEAN trong vấn đề tranh chấp biển Đông với Trung Quốc. “Giải quyết được vấn đề chia rẽ hiện tại trong ASEAN, tranh thủ được sự ủng hộ của một số nước lớn như Mỹ, Nga... thì sẽ hạn chế được sự sự leo thang của Trung Quốc ở biển Đông”, ông Evgeny Kanaev nói.

Như vậy, từ phân tích của các học giả tham dự hội thảo quốc tế về biển Đông 2014, có thể thấy, để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, Việt Nam phải cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp, như: tiếp tục nỗ lực đàm phán song phương (với Trung Quốc), đa phương (ASEAN và các quốc gia có lợi ích ở biển Đông với Trung Quốc), chuẩn bị kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế... và kể cả chuẩn bị về sức mạnh hải quân, quân sự để ứng phó với tình huống xấu nhất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật