Lúa gạo, mía đường đang... thụt lùi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo nghiên cứu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), nếu các loại nông sản như sắn, cà phê, cao su đang được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam.
Lúa gạo, mía đường đang... thụt lùi
Ảnh minh họa

Thì lúa gạo, mía đường - những mặt hàng nông sản trọng yếu lại bị đánh giá là có tiềm năng thấp, đang thụt lùi.

Sắn, cà phê, cao su đang dẫn đầu tiềm năng xuất khẩu
Theo báo cáo “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương” do Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) hỗ trợ và Cục Xúc tiến thương mại thực hiện, các loại nông sản như sắn, cà phê, cao su... là những mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam đạt 1,37 tỉ USD trong năm 2012 và 1,1 tỉ USD năm 2013. Điều đáng nói, thị phần của sắn Việt Nam trên thị trường thế giới chiếm 27,3%. Thị trường sắn xuất khẩu cũng ngày càng được mở rộng, từ 59 nước và vũng lãnh thổ năm 2009 đã gia tăng lên đến khoảng gần 100 nước và vũng lãnh thổ vào năm 2012. Tuy nhiên, cần phải nói thị trường nhập khẩu sắn chủ yếu của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu ngành sắn nước ta.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn trong thời gian tới, Việt Nam cần phải ưu tiên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Để làm được việc này, ngoài những nỗ lực về xúc tiến thương mại đến các thị trường khác, cần tăng cường hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ cho ngành sắn, đặc biệt là cho chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn. Ngoài ra, để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành sắn, Nhà nước và các doanh nghiệp cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường (do ngành này có nguy cơ gây ô nhiễm cao và làm xói mòn đất).
Cùng với ngành sắn, cà phê là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao thứ hai, khi hướng đến lượng xuất khẩu chiếm 95% sản lượng sản xuất. Sản lượng xuất khẩu cà phê trong những năm qua đã không ngừng tăng cao, đến năm 2012 đã đạt trên 1,5 triệu tấn cà phê xuất khẩu với tổng kim ngạch là 3,5 tỉ USD, tăng 25,7% về lượng và 19% về kim ngạch so với năm 2011.
Việt Nam hiện đang là nước xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, cà phê Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao nhờ điều kiện môi trường và khí hậu ưu đãi, chi phí sản xuất thấp, sản lượng thuộc hàng những nước cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng chất lượng cà phê Việt Nam vẫn còn tương đối thấp do trang thiết bị chế biến, sấy khô nghèo nàn, công nghệ thu hoạch lạc hậu. Bên cạnh đó, cà phê Việt Nam chưa có thương hiệu và các nhà xuất khẩu ở Việt Nam còn hạn chế về kỹ năng marketing. Theo Bộ NN&PTNT, 90% sản phẩm cà phê vẫn là sản phẩm thô, có giá trị gia tăng thấp. Mặc dù vậy, cà phê vẫn được đánh giá là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng.
Cao su cũng là một trong những mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu cao. Hiện nay, cao su chủ yếu được sản xuất phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Với khoảng 90% sản lượng dành cho xuất khẩu, Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất trên thế giới, và là một trong 3 nước có năng suất cao su lớn nhất trên thế giới.
Theo viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, nếu vào đầu những năm 1990, năng suất cao su trung bình của Việt Nam chỉ đạt mức 700-800 kg/ha thì hiện tại cao su Việt Nam có năng suất trung bình 1,720 kg/ha, ngang bằng với năng suất của Thái Lan và chỉ đứng sau Ấn Độ.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ cao su cũng chưa xứng với tiềm năng do công nghệ chế biến còn kém phát triển và các ngành công nghiệp phụ trợ sử dụng sản phẩm cao su ở Việt Nam chưa phát triển đúng mức để tăng thêm giá trị cho ngành. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cao su không lớn và Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu ròng hầu hết các sản phẩm cao su.
Lúa gạo, mía đường đang... thụt lùi
Trái ngược với sự phát triển của các mặt hàng sắn, cà phê, cao su thì nhóm ngành lúa gạo và mía đường lại đang được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu thấp.
Mặc dù xuất khẩu gạo tăng liên tục về sản lượng trong những năm qua nhưng giá trị thu được từ xuất khẩu gạo lại chưa tăng tương xứng. Cùng với đó, thị trường gạo thế giới đang ở mức dư thừa dự trữ cộng với sự có mặt của nhiều nhà cung cấp mới nên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong những năm tới. Do vậy, dù vẫn tiếp tục xem xuất khẩu gạo là mặt hàng nông sản chiến lược, song tiềm năng xuất khẩu gạo vẫn được các chuyên gia đánh giá là thấp.
Để giảm thiểu rủi ro và nâng cao lợi nhuận, các chuyên gia cho rằng cần phải chọn phân khúc thị trường gạo chất lượng cao và đặc sản cho xuất khẩu trong thời gian tới, đồng thời chú trọng vào việc chế biến đa danngj hóa các sản phẩm từ lúa gạo.
Cũng bị đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu thấp, kim ngạch xuất khẩu đường của Việt Nam trong những năm qua vẫn còn hạn chế. Việc xuất khẩu đường vẫn chủ yếu thông qua tiểu ngạch, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (cửa khẩu Bản Vượt - Lào Cai), vì vậy lượng đường xuất khẩu còn ít và chưa có thương hiệu, chỉ phần nào tháo gỡ đầu ra cho ngành mía đường khi cung đường trong nước tăng cao.
Do kim ngạch xuất khẩu của ngành đường không ổn định và phụ thuộc lớn vào các quyết định của Nhà nước nên thành tích xuất khẩu của ngành không cao. Năng lực sản xuất còn hạn chế nên lượng đường sản xuất ra chủ yếu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Năm 2013 thị trường đường thế giới được đánh giá là đã có dấu hiệu thừa cung, giá đường thế giới giảm cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước đang dư thừa đường khiến xuất khẩu đường của Việt Nam gặp khó khăn hơn. Đó cũng là nguyên nhân mà ngành đường bị đánh giá là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu thấp.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật