“Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam rất thấp so với khu vực”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Việt Nam nên chú trọng xuất khẩu dịch vụ giao thông vận tải, du lịch… bởi đây là lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng rất lớn.
“Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam rất thấp so với khu vực”
Ảnh minh họa

Hiện xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực”, ông Alain Chevalier, Cố vấn Kỹ thuật cao cấp của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” khuyến cáo.

Ông Alain Chevalier cho rằng, để nâng cao năng lực xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa bằng nhiều hoạt động cụ thể. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải được hỗ trợ về vốn, hỗ trợ cung cấp và phân tích thông tin, cần được tập huấn…Và quan trọng hơn nữa là phải nhận biết được đâu là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng để tập trung hoạt động.

Theo quan sát của ông Alain Chevalier, Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng về thương mại dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ giao thông vận tải và du lịch. Nhưng hiện xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam vẫn dưới tiềm năng có được.

“Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan năm qua đã đạt được 30 tỷ USD xuất khẩu dịch vụ, Malaysia cũng xuất khẩu được 20 tỷ USD…”, ông Alain Chevalier dẫn chứng.

Phân tích từ các số liệu trong Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu Quốc gia cho thấy tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2008-2012 đạt 17,85%, là mức tăng khá ấn tượng so với mức tăng chưa tới 3% của du lịch toàn thế giới. Xét trong nội địa, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở vị trí 80/140 về chỉ số cạnh tranh ngành du lịch trên thế giới, thứ 16/25 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Trong các chỉ số thành phần, tài nguyên văn hóa, tự nhiên và con người là những thế mạnh và điểm yếu là cơ sở hạ tầng, chính sách…

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tư vấn trưởng Đánh giá tiềm năng xuất khẩu nhận định, tiềm năng xuất khẩu của dịch vụ du lịch là cao. Thời gian tới cần chú trọng hơn tới xu thế du lịch. Năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch bằng các công cụ cập nhật theo đời sống hiện đại cũng cần được nâng cấp- sử dụng các mạng mobile, mạng xã hội như Twitter…

“Đây là lần đầu tiên Báo cáo đề cập tới đánh giá ngành dịch vụ nên việc thu thập số liệu rất khó khăn, mặc dù đây là lĩnh vực khá tiềm năng của chúng ta. … Đáng lẽ ra đây sẽ là cơ hội cho chúng ta khai thác dịch vụ song thực tế lại cho thấy rằng,khách du lịch đến đông nhưng con số quay trở lại lần 2 là rất ít, chi tiêu của khách du lịch vào việc mua sắm, khách sạn, giải trí… cũng không nhiều”, bà Hằng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Trí Thành cho rằng, các nước đang phát triển, thương mại dịch vụ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng và du lịch.

“Trước đây, dịch vụ du lịch truyền thống gồm 3 chữ “S”: shopping (mua sắm), se‌ּx (tình cảm), sun (tắm biển, nhưng bây giờ đã đến lúc phải thay đổi. Việt Nam cần tập trung phát triển các hình thức dịch vụ du lịch mới mẻ, đang được ưa chuộng như: Du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh… Nói về dịch vụ, cần quan tâm đến vấn đề “con người và thông tin”. Để phát triển, chúng ta cần học hỏi các tập đoàn lớn, tạo thế và mạng giao diện”, ông Thành khuyến cáo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, thương mại dịch vụ hiện là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam.

“Ở các nước phát triển bao giờ % thương mại dịch vụ cũng cao và ngược lại. Hiện Chính phủ cũng đang làm việc với Bộ Công Thương để đẩy mạnh lĩnh vực này”, ông Hải cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật