Bầu Kiên và con đường thành đại gia

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bầu Kiên là con nhà giáo, học quân sự, khởi nghiệp với nghề dệt may, nhưng lại bật lên hàng những đại gia có tiếng từ nghiệp ngân hàng với khối tài sản khổng lồ.
Bầu Kiên và con đường thành đại gia
Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên)

Nguyễn Đức Kiên (được biết đến nhiều nhất với biệt danh "bầu Kiên", "Kiên Bạc") sinh ngày 13/4/1964  trong một gia đình nhà giáo và lớn lên tại Gia Lâm, Hà Nội.

Năm 1980, ông thi đậu vào Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), khóa 15 (B5- C 156- Đại đội 156).

Sau một năm học tại Học viện, đạt kết quả xuất sắc, ông được chọn vào Đại đội 156, có gần 200 người được đi du học tại trường Đại học Kỹ thuật quân sự Zalka Maté Hungary ngành thông tin, vô tuyến điện.

Sau khi về nước, Nguyễn Đức Kiên ra ngoài làm kinh doanh. Ông tham gia nhiều ngành nghề như may mặc, ngân hàng, bóng đá...

Ông Kiên có vị trí trong Hội đồng quản trị của ngân hàng Á Châu (ACB) từ 1994, khi mới 30 tuổi và đến ngày 17/10/2006 đã nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu ACB, vợ ông nắm 4,5 triệu cổ phiếu ACB, 3 người em của ông Kiên nắm 10,7 triệu cổ phiếu ACB (Tổng khối lượng lưu hành của ACB lúc này là hơn 110 triệu đơn vị, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng vốn điều lệ).

Đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng Nguyễn Đức Kiên và ba em của ông nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB. Trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và bà Đặng Ngọc Lan- vợ ông Kiên nắm giữ 4,11%.

Ngoài ra, ông Kiên còn có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long bank, Vietbank, Đại Á, Techcombank. Nguyễn Đức Kiên đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex và Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam.

Trong lĩnh vực du lịch, Nguyễn Đức Kiên Kiên có "ghế" trong hội đồng quản trị của CTCP dịch vụ Du lịch Chợ Lớn (cùng với ông Phạm Trung Cang) và CTCP Du lịch Thiên Minh.

Theo báo cáo thường niên năm 2010 của Ngân hàng ACB thì hiện nay ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu. Công ty này thành lập năm 2009, có trụ sở chính tại số 57B Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Năm 2010, ông Kiên lọt vào danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam với tài sản 805,9 tỷ đồng, ít hơn năm 2008 gần 200 tỷ. Còn tổng số tài sản của gia đình ông Kiên (tính theo thị trường chứng khoán năm 2010 là khoảng 2.000 tỷ đồng).

Nói về tài sản của bầu Kiên người ta chỉ biết đến bề nổi là biệt thự lung linh của ông ở Hồ Tây hay xe Bentley trị giá hơn 10 tỷ đồng, xe Rolls-Royce Phantom phiên bản Rồng... khi ông đến sân Hàng Đẫy xem CLB Hà Nội thi đấu, còn thực hư khối tài sản của người đàn ông này đến nay vẫn là một ẩn số.

Cuối năm 2011, ông Nguyễn Đức Kiên là người khởi xướng sự thành lập của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF.

Có thể nói, bầu Kiên đóng vai trò then chốt trong việc thành lập VPF, nó giúp các ông chủ các đội bóng thực sự làm chủ cuộc chơi và đẩy VFF về hậu trường. Cú áp phe đầu tiên của VPF chính là cuộc chiến bản quyền truyền hình với AVG, điều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực.

Ông Kiên cũng được biết đến trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần viễn thông và truyền thông An Viên (AVG). Ông Kiên đã tự ý cho các đài truyền hình vào sân tác nghiệp tự do.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thanh tra bản hợp đồng giữa VFF và AVG. Ngày 16/2, thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố kết luận bản hợp đồng này hợp pháp, dẫn tới thất bại của VPF và ông Kiên.

Ngày 20/4/2012, ông tuyên bố VPF đã có được bản quyền truyền hình từ tay AVG.

Chiều tối ngày 20/08/2012, ông Kiên bị bắt giữ để làm rõ hành vi "cố ý làm trái" liên quan đến các hoạt động kinh tế.

Cụ thể, Nguyễn Đức Kiên có liên quan tới sai phạm của 3 công ty con do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (3 công ty gồm công ty đầu tư thương mại B&B, công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và công TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội). Điều này dẫn đến cổ phiếu nhiều ngân hàng lao dốc, trong đó có ACB, Eximbank, Sacombank.

Nguyễn Đức Kiên bị viện KSND tối cao truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Ngày 09/06/2014, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng về tội Trốn thuế, 20 năm về tội lừa đảo, 18 năm do Cố ý làm trái, cấm đảm nhiệm các chức vụ về tài chính, ngân hàng. Tổng hình phạt chung cho 4 tội danh bị cáo phải chấp hành là 30 năm (mức tối đa theo luật định); nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật