Nhà nước bán, Nhà nước mua!

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đầu tư ngoài ngành đang chịu áp lực phải bán vốn rẻ để đạt mục đích thoái vốn nhanh.
Nhà nước bán, Nhà nước mua!
Lợi thế của SCIC là được chọn chỗ tốt, bán chỗ xấu

Theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, thì cũng có DNNN khác lại nghiên cứu cơ hội mua lại những phần vốn ngoài ngành.

Đó là thông tin về việc Tổng Công ty (TCT) Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự tính mua lại vốn đã đầu tư ngoài ngành của 12 tập đoàn, TCT. Theo đó, tại báo cáo ngày 24/7, SCIC cho biết trên cơ sở thông tin được các DNNN gửi tới, SCIC đang nghiên cứu để mua lại những khoản vốn đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm của 12 tập đoàn, TCT.

Trong đó, chủ yếu là các DNNN cỡ lớn như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…

Toan tính của SCIC

Việc xem xét mua vốn nhà nước tại các DN buộc phải bán vốn là chức năng hoạt động của SCIC. Do thế, có thể hiểu việc mua lại phần vốn buộc phải thoái của các DN này là hoàn toàn bình thường, nếu như SCIC đánh giá có thể có lãi từ nghiệp vụ mua vốn ấy.

Thực tế, SCIC đã nhận quản lý phần vốn nhà nước tại nhiều DN, trước khi bán đi phần vốn tại các DN này. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, SCIC đã bán vốn đang nắm giữ tại 31 DN, thu được 863 tỷ đồng, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kinh doanh vốn mới đem lại nhiều lợi nhuận cho SCIC. Theo đó, hết 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh thu từ kinh doanh vốn của SCIC là 3.355 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng lợi nhuận sau thuế của TCT đã vọt lên mức 2.625 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ năm trước.

Đến ngày 30/6, SCIC còn nắm giữ vốn nhà nước tại 335 DN, với tổng giá trị phần vốn Nhà nước nắm giữ là trên 15.000 tỷ đồng. SCIC sẽ bán vốn nắm giữ tại các DN này, nhưng không phải bán tất cả.

TCT này sẽ tiếp tục nắm giữ vốn tại nhiều DN có lợi thế kinh doanh, như Vinamilk, Công ty CP Dược Hậu Giang, FPT, TCT Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Bảo Minh…

Những số liệu này cho thấy với ngành nghề kinh doanh có lợi, SCIC không những không thoái vốn hay bán vốn, mà ngược lại, còn có thể tăng tỷ lệ nắm giữ. Việc mua và bán vốn của SCIC có thể thoải mái được như vậy, là do được hậu thuẫn bởi cơ chế buộc các DN cổ phần hóa từ DNNN phải chuyển phần vốn nhà nước nắm giữ lại cho SCIC.

Nói cách khác, lợi thế của SCIC là được chọn chỗ tốt, bán chỗ xấu. Và, đó là lợi thế tuyệt vời mà không một DN nào ở Việt Nam có thể mơ tới.

Việc SCIC lựa chọn bán, hoặc tăng thêm vốn tại các DN có vốn nhà nước, đương nhiên do thế, không thể làm các DN này hài lòng. Có DN đã ngụ ý rằng SCIC đóng góp quá ít vào quản trị DN, nhưng lại được hưởng quá nhiều lợi ích từ DN ấy.

Tuy nhiên, như đã nói, SCIC đóng góp ít nhưng hưởng nhiều là lợi thế từ cơ chế của Nhà nước trao cho và TCT này có toàn quyền tung hứng với lợi thế ấy.

Về nguyên tắc, việc SCIC bán vốn nắm giữ tại các Công ty CP có vốn nhà nước cũng không khác gì việc các DNNN còn lại phải bán vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, về chỉ đạo và thực hiện thì lại khác hoàn toàn.

Nhưng mâu thuẫn

Trong khi SCIC được quyền tự định giá bán vốn, tự chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước, tức là được phép bán vốn với giá cao, nhưng cũng có thể bán với giá rẻ, miễn là thu được tiền cho nhanh, thì ngược lại, các DNNN khác lại không được phép bán vốn rẻ để thoái vốn cho nhanh. Đó là một tình thế khá khôi hài, mâu thuẫn.

Mặt khác, hiện Chính phủ đang soạn thảo hướng dẫn cho phép thoái vốn ngoài ngành với giá rẻ, thì việc SCIC xem xét mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của các DN lớn lại cho thấy sắc thái khác.

Cụ thể, không phải khoản vốn đầu tư ngoài ngành nào cũng xấu. Và, trong trường hợp vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN ấy là có hiệu quả, thì việc Nhà nước yêu cầu phải thoái vốn và là thoái vốn nhanh, thực ra lại trở thành mệnh lệnh cưỡng ép. Thậm chí là có thể làm thiệt hại cho vốn Nhà nước.

Trong khi các kết quả ngành nghề kinh doanh chính của các DNNN này là chưa tốt, thì việc bóc tách phần lợi nhuận ngoài ngành nghề kinh doanh chính ra khỏi kết quả hoạt động chung, hoàn toàn có thể đẩy DNNN ấy vào vùng khủng hoảng lớn hơn về hiệu quả hoạt động.

Chưa hết, trường hợp SCIC mua lại khoản đầu tư ngoài ngành của các DN lớn cũng không đảm bảo được tính minh bạch, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Về nguyên tắc, Nhà nước không thể bỏ tiền mua lại tài sản của chính mình, có nghĩa việc SCIC bỏ tiền mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN khác khó có thể coi là danh chính, ngôn thuận. Nếu SCIC mua với giá rẻ hơn mệnh giá vốn góp, thì vốn nhà nước thiệt hại ở phía các DNNN đầu tư ngoài ngành. Ngược lại, nếu SCIC mua lại ở giá cao hơn mệnh giá vốn góp, thì lại xuất hiện nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước qua hoạt động mua vốn của SCIC.

Vậy là, dù có thực hiện bán kiểu nào, thì yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng dễ trở thành thiệt hại của Nhà nước. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu mô hình SCIC đã được thành lập, để tiếp nhận và quản lý phần vốn nhà nước tại các Công ty CP từ DNNN, thì tại sao TCT này lại không được giao nhiệm vụ tiếp nhận lại phần vốn mà các DNNN đã đầu tư ngoài ngành.

Nếu như TCT này đã làm tốt việc kinh doanh vốn nhà nước, thể hiện qua khoản lãi khủng mà SCIC đã có chỉ qua 6 tháng đầu năm 2014, thì hẳn sẽ kinh doanh những phần vốn đầu tư ngoài ngành được bàn giao một cách tốt hơn hẳn, thay vì phải bán rẻ phần vốn ấy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật