“Tăng số lượng CLB V.League lên để làm gì?”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi bóng đá Việt Nam đang đánh mất niềm tin của người hâm mộ, nhiều CLB đang lâm vào cảnh khó khăn về tài chính “sống hôm nay không biết ngày mai”.
“Tăng số lượng CLB V.League lên để làm gì?”
Sân Gò Đậu của Becemex Bình Dương

Thì VFF lại có dự tính tăng số lượng CLB ở V.League trong giai đoạn 2015-2018 lên con số 14 đội và hạng Nhất là 10 CLB.

Gầy dựng niềm tin không phải bằng con số CLB

Hiện tại bóng đá Việt Nam đang đối diện với 2 vấn đề nghiêm trọng: niềm tin của người hâm mộ và giới doanh nghiệp đang ở mức rất thấp, và cuộc khủng hoảng tài chính ở các CLB chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong thời gian ngắn chỉ 2 tháng vừa qua, BĐVN xảy ra liên tiếp 2 scandal chấn động khi cầu thủ ở CLB Vissai Ninh Bình và Đồng Nai bán độ có tổ chức.
Sự cố này đã như cú đấm trời giáng vào niềm tin vốn còn rất ít ỏi của người dân về sự trong sạch, tử tế của các giải đấu quốc nội cũng như hình ảnh ĐTQG Việt Nam bởi vì hầu hết các gương mặt nhúng chàm đã và đang là tuyển thủ QG.
Niềm tin không còn khiến khán giả quay lưng, không đến xem V.League, hạng Nhất và giới doanh nghiệp cũng đã quá chán nản khi phải rót tiền vào lĩnh vực có nhiều tai tiếng.

Vấn đề thứ hai là sau một thời gian chạy theo bóng đá chuyên nghiệp “kiểu Việt Nam”, mà nói dễ hiểu là kiểu làm bóng đá “đốt tiền” đã khiến nhiều ông bầu, doanh nghiệp sở hữu CLB không kham nổi kinh phí để nuôi đội bóng nên dẫn đến giải thể.

Cuối năm 2012 đầu năm 2013, BĐVN đã chứng kiến một loạt 8 CLB ở giải V.League, hạng Nhất giải thể. Đến mùa 2014, thêm 2 CLB khác giải tán đầu giải là Kienlongbank Kiên Giang (V.League) và SQC Bình Định cũng xóa tên vì không có kinh phí hoạt động.
Giữa mùa 2014, CLB Vissai Ninh Bình cũng giải tán vì vụ tiêu cực, nhưng nguyên nhân chính là do bầu Trường không bơm tiền để nuôi CLB nữa.
Chính điều đó dẫn đến số lượng CLB ở V.League và hạng Nhất từ con số 14 đội/giải (tổng cộng 28 CLB) được duy trì suốt từ giai đoạn 2007-2012 bị phá vỡ.
Hiện tại giải V.League 2014 có 12 CLB và giải hạng Nhất chỉ còn 8 CLB.

Do nôn nóng muốn lập lại cấu trúc V.League có 14 CLB như trước, nên vừa rồi Ban bóng đá chuyên nghiệp đã dự tính tăng nhanh số lượng CLB ngay trong mùa 2015 và giải hạng Nhất ở mùa 2015 sẽ có 10 CLB và trong những năm sau đó dự tính tăng đủ số lượng 14 CLB.

“Tăng số lượng CLB chỉ làm BĐVN dễ lún vào khủng hoảng”

Ông Nguyễn Chí Kiên – nguyên Giám đốc điều hành CLB Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, đội bóng giải thể sau mùa 2012, với kinh nghiệm quản lý bóng đá ở cấp CLB cho rằng việc VFF cố tăng số lượng CLB là cách làm rất duy ý chí và không phải là con đường đúng đắn hiện nay.

“Ai cũng biết bây giờ kinh tế ở Việt Nam rất khó khăn, doanh nghiệp từ lớn đến bé đều chật vật mới tồn tại nổi thì thử hỏi các CLB sẽ lấy ở đâu ra nguồn kinh phí để hoạt động? Chưa kể với rất nhiều chuyện bê bối xảy ra trong suốt mấy năm qua, chứ không chỉ riêng gì vụ Vissai Ninh Bình, Đồng Nai để kêu gọi doanh nghiệp đổ tiền cho bóng đá nội là cực khó”, ông Chí Kiên cho biết.

Ngay cả chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới đây cũng thừa nhận, rằng sau vụ tiêu cực ở CLB Đồng Nai, bóng đá VN rất khó kêu gọi nguồn đầu tư nên đây được coi là thử thách lớn cho các nhà quản lý, điều hành bóng đá ở các cấp.

Không cần nhìn xa về tương lai, chỉ cần ra soát lại một loạt CLB hiện nay ở V.League cũng đủ thấy nhiều CLB đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính.
CLB đầu tiên kể đến là An Giang khi thời gian rồi phụ thuộc vào nhà tài trợ Hùng Vương song công ty chuyên kinh doanh thủy hải sản này bê trễ trong việc chi tiền, khiến đội bóng lâm vào cảnh khốn đốn, phải nhờ ngân sách tỉnh “cấp cứu”.

Kế đến là CLB Hải Phòng sau khi Tổng công ty Xi măng Việt Nam rút dần nguồn tiền cho đội (trước khi cắt hẳn) nữa cũng sống bằng nguồn chủ đạo từ ngân sách. Hoặc đội Than Quảng Ninh hiện tại được coi như là công ty con của Tập đoàn Than khoáng sản VN, nhưng sắp tới Tập đoàn Than KSVN thoái vốn ngoài ngành theo chỉ đạo chung (giống như Tập đoàn dầu khí bên bóng chuyền) thì ai sẽ là đơn vị đứng ra gánh vác kinh phí nuôi đội ?.

Nhìn xuống tình hình giải hạng Nhất càng thấy bấp bênh hơn, vì các CLB sống bằng "bầu sữa" ngân sách địa phương là chính, nhà tài trợ thường tài trợ theo kiểu “thời vụ”.

Khi cuộc khủng hoảng của BĐVN chưa có dấu hiệu chấm dứt, niềm tin của khán giả sụt giảm nghiêm trọng thì chuyện cố tăng số lượng CLB ở V.League lên sẽ khiến BĐVN càng thêm bấp bênh và bản thân VFF, VPF cũng sống trong cảnh phập phồng, bất an vì các CLB có thể bị giải thể bất kỳ lúc nào.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Lẽ ra trong tư cách của một ban tham mưu, phản biện về chuyên môn thì Ban bóng đá chuyên nghiệp của VFF phải nhìn được thực tiễn và đề xuất ý kiến phù hợp với tình hình của BĐVN hiện tại.
Nhưng  Ban BĐCN của VFF lại thích nghĩ chuyện “trên trời”.

Ngắn gọn, bây giờ người hâm mộ, giới doanh nghiệp và giới truyền thống đang cần một giải V.League chất lượng, nghiêm túc và các CLB có nền tảng vững chắc, chứ không cần một giải đấu nhiều CLB nhưng tổ chức lôm côm, tai tiếng còn khán đài lèo tèo một dúm người.

Theo nhiều ý kiến của giới chuyên môn lẫn giới quản lý bóng đá thì với vụ việc Vissai Ninh Bình và Đồng Nai dù là đau đớn nhưng là cơ hội để VFF, VPF siết chặt lại việc quản lý bóng đá, củng cố chất lượng tổ chức để gầy dựng lại niềm tin cho người hâm mộ.
Tuy nhiên, với những dự thảo thiếu thực tế đã chứng minh ngay cả bộ máy VFF chưa đủ tầm,  bất chấp kỳ Đại hội vừa rồi VFF đã có ban lãnh đạo mới hoàn toàn.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật