Kiểm toán nhà nước công bố nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Qua thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước với 59 tổ chức tín dụng thì tỉ lệ nợ xấu đến cuối năm 2012 là 7,8%. Có những ngân hàng nợ xấu rất cao - đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2013 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào ngày 25.7.
Kiểm toán nhà nước công bố nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa
Phát hiện sai phạm tràn lan
Kết quả kiểm toán năm 2013 cho thấy việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước diễn ra khá tùy tiện: 21/34 địa phương đã quản lý tài sản thiếu chặt chẽ; sử dụng sai mục đích, lãng phí vô cùng lớn. Việc chi lương từ ngân sách cũng vậy. Riêng năm 2012, Bộ Tài chính đã cấp thừa kinh phí chi lương là 862,38 tỉ đồng, ngoài ra có tới 24/34 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi một số nhiệm vụ khác... chưa đúng quy định 1.409 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản đang vi phạm tràn lan, ông Đào Văn Dũng - Vụ trưởng vụ Tổng hợp KTNN - cho biết, qua việc kiểm toán tại Bộ TNMT và Tổng cục khoáng sản đã cho thấy Bộ TNMT chưa theo dõi chặt chẽ, đôn đốc, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã hết hạn khai thác trên giấy phép, nhưng không xử lý. Cụ thể có 26 giấy phép khai thác mỏ đã hết hạn, không thuộc diện được phép cấp lại, nhưng không thực hiện đóng cửa mỏ mà vẫn bỏ mặc cho đối tượng khai thác; 47 giấy phép hết hạn, nhưng vẫn khai thác; chưa thu tiền hoàn trả chi phí thăm dò của các tổ chức, cá nhân trước khi cấp 118 giấy phép trong giai đoạn 2010-2012... tại các địa phương việc khai thác vượt công suất, vượt phạm vi cấp phép, khai thác trái phép tràn lan. Việc quản lý sử dụng đất tại 20 địa phương được kiểm toán cũng diễn ra tình trạng vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện; giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền; sử dụng đất không đúng mục đích... với diện tích hàng ngàn hécta.
Nợ xấu ngân hàng hàng chục ngàn tỉ đồng
Tại cuộc họp báo, một thông tin hết sức đáng chú ý là việc công bố kết quả kiểm toán của các tổ chức tín dụng. Theo đó, kết quả kinh doanh các ngân hàng vẫn có lãi, lợi nhuận trước thuế năm 2012 của Vietinbank, Vietcombank và Agribank lần lượt là 8.121 tỉ đồng, 5.764 tỉ đồng và 2.876 tỉ đồng. Trong số các NHTM được kiểm toán, chỉ Agribank không đảm bảo tỉ lệ an toàn trong hoạt động có nợ xấu có khả năng mất vốn lên tới 23.652 tỉ đồng - chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ.
Ông Đào Văn Dũng cho biết, tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng tại thời điểm 31.12.2012 là 4,08% và tới ngày 30.6.2013, tỉ lệ nợ xấu của 2/3 số ngân hàng đều tăng cao so với hồi cuối năm 2012. Trong số đó, nợ có khả năng mất vốn của 2/3 số NHTM chiếm tỉ lệ lớn trên tổng nợ xấu: Vietinbank là 2.132 tỉ đồng - chiếm 42,8% dư nợ xấu, Agribank là 23.652 tỉ đồng - chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ. Nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23.4.2012 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì có tới 2/3 số NHTM có tỉ lệ nợ xấu vượt quá mức an toàn theo quy định của NHNN (Vietinbank là 5,23%; Agribank là 15,68%).

“Tỉ lệ nợ xấu của các chương trình tín dụng ưu đãi tại VDB cao (nợ xấu tín dụng đầu tư là 22.649 tỉ đồng - bằng 19% tổng dư nợ tín dụng đầu tư; nợ xấu tín dụng xuất khẩu là 3.285 tỉ đồng - bằng 32,06% tổng dư nợ tín dụng xuất khẩu). Việc phân loại nợ tại hầu hết các ngân hàng chưa phù hợp. Kết quả kiểm toán điều chỉnh giảm nhóm nợ đủ tiêu chuẩn tại VDB 6.288,74 tỉ đồng, tại Agribank 965,94 tỉ đồng, tại VCB 142,03 tỉ đồng và tại Vietinbank 112,34 tỉ đồng. Agribank có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn (tại chi nhánh TPHCM, dư nợ của của Cty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương lên đến 3.700 tỉ; dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á tại chi nhánh Tân Bình trên 200 tỉ...)” - ông Dũng cho biết

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về việc xử lý với những cán bộ có tiêu cực trong ngành, ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng KTNN - cho biết: “Tổng KTNN đã có nhiều chỉ thị nâng cao chất lượng kiểm toán viên, tuy nhiên vẫn có những trường hợp sai phạm xảy ra và chúng tôi đã xử lý rất nghiêm. Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã xử lý kỷ luật 48 cán bộ, trong đó có 41 cán bộ trong biên chế, 7 cán bộ hợp đồng. Trong đó cách chức 2 cán bộ, giáng chức 1 cán bộ, kéo dài thời gian nâng lương 4 cán bộ và cho thôi việc 5 người”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật